"Bão" trên những cánh rừng
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng
15:19', 1/11/ 2004 (GMT+7)

Ở Bình Định, chính quyền, cơ quan kiểm lâm và các ngành có chức năng liên quan từ cấp tỉnh đến tận thôn, xã đều đã nhiều lần quán triệt vấn đề cấp bách - chống phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng chỉ dè dặt xác nhận tình trạng tạm ổn tại một số địa phương, trong một vài thời điểm cụ thể! Cách xác nhận này cho thấy mức độ nghiêm trọng của những cơn bão rừng.

* Chống phá rừng - đánh mạnh nhưng ít trúng đích

Trạm kiểm lâm Đồng Tre (Nam Giang - Tây Sơn) lâm tặc qua mặt kiểm lâm dễ một cách kỳ lạ!?

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, Bình Định hiện có hơn 224.000 ha rừng, trong đó có 163.000 ha rừng tự nhiên. Nhưng ông Phan Ngọc Châu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định: "Diện tích rừng hàng năm có tăng nhưng phẩm cấp rừng - hay nói một cách dễ hiểu là chất lượng cây rừng ngày càng giảm nhanh. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác rừng bừa bãi".

Tại những địa phương có rừng bị phá trầm trọng như Ân Nghĩa (Hoài Ân), Tây Giang (Tây Sơn)... số ruộng bình quân mà mỗi nhân khẩu được cấp chưa được 1 sào. Ruộng ít, lại gần như không có nghề phụ nên đời sống của người dân ở đây rất khó khăn. Để giải quyết khó khăn người ta thường nghĩ ngay chuyện phá rừng. Anh B. - một người tham gia phá rừng đã lâu năm ở Ân Nghĩa (Hoài Ân) tâm sự: "Những năm trước, rừng còn nhiều gỗ quý, chỉ cần lên rừng một buổi là có thể ẵm được vài trăm ngàn đồng. Nhưng nay thì phải đi rất xa, tránh né kiểm lâm tốn nhiều công nhưng cũng chỉ đủ để mua gạo. Cực khổ lắm".

Những đợt truy quét, những chiến dịch "săn lùng" lâm tặc... của ngành kiểm lâm nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung diễn ra ráo riết. Không chỉ vậy, ngành kiểm lâm tỉnh còn phối hợp với các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể tỉnh và địa phương tuyên truyền và đưa ra những giải pháp nhằm giáo dục tư tưởng và giúp đỡ lâm tặc "hoàn lương". Thế nhưng do lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng so với địa bàn quản lý nên cả việc phối hợp như vậy cũng chỉ đạt kết quả rất hạn chế. Hoài Ân có 3 điểm nóng về tình trạng phá rừng với hàng trăm lâm tặc tham gia. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm của Hạt chỉ có 13 người. Anh Tấn - Phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân cho biết: "Lực lượng kiểm lâm trong Hạt quá ít nên chúng tôi khó mà kiểm soát hết được bọn lâm tặc. Khi chúng tôi giám sát các điểm nóng khai thác gỗ thì chúng lại lo vận chuyển gỗ qua trạm. Còn ngược lại khi chúng tôi chốt ở trạm thì họ kéo nhau đi khai thác trên rừng".

Các cơ quan chức năng đã mở rất nhiều đợt, nhiều chiến dịch truy quét lâm tặc để bảo vệ rừng, nhưng tình trạng khai thác gỗ trái phép trong tỉnh vẫn diễn ra đều đặn. Thật ra số lượng lâm tặc đông gấp nhiều lần so với lực lượng kiểm lâm và các ngành có chức năng liên quan nên chống lâm tặc khó kể cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc kiểm soát, quản lý các chủ các xưởng cưa chuyên tiêu thụ gỗ lậu, các lái gỗ (có số lượng ít hơn lâm tặc trực tiếp đi chặt cây rừng rất nhiều) cũng không khá hơn bao nhiêu.... Chưa bao giờ người ta nghe nói đến những chiến dịch quy mô tầm nã những đối tượng trung gian nhưng rất nguy hiểm này dù rằng kiểm soát và ngăn chặn họ dễ hơn rất nhiều so với truy lùng lâm tặc.

* Phải bít những kẽ hở này lại

Phá rừng chặt cây lấy gỗ với mục đích kinh tế, để lo cho các nhu cầu hàng ngày nhưng trong suốt những ngày chúng tôi thực hiện cuộc điều tra này chưa nghe thấy có ai khá lên nhờ đi phá rừng cả! Những người gặp may nhất cũng chỉ tạm đủ ăn. Trong khi đó chính những người nằm ở khâu trung gian - chủ các xưởng cưa, các lái gỗ mới chính là người phất lên nhờ phá rừng. Theo quy định, nếu phát hiện chủ xưởng gỗ vi phạm 2 lần về việc chứa gỗ lậu thì bị tước giấy phép. Nhưng điều kỳ lạ là cho đến nay, chưa có xưởng gỗ nào ở Bình Định bị tước giấy phép cả. Việc kiểm soát các chủ xưởng gỗ chuyên cưa xẻ gỗ trái phép cũng gặp không ít khó khăn nhưng không phải là không làm được, thậm chí nếu so sánh với những chiến dịch luồn rừng "săn" lâm tặc còn dễ hơn nhiều lần. Ông M. - Chủ một xưởng gỗ ở xã Hoài Đức (Hoài Nhơn), tiết lộ: "Những xưởng gỗ nhỏ lẻ như tôi thì mấy ông kiểm lâm cứ kiểm tra hoài. Ngược lại, nhiều xưởng do những "đại gia" làm chủ thì lâu lâu mới có kiểm tra, mà nếu có kiểm tra thì cũng không phát hiện được gì".

Những xưởng gỗ như thế này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn

Nói về hiệu quả phối hợp giữa ngành kiểm lâm với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng, ông Phan Ngọc Châu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận xét: "Việc phối hợp thì có nhưng hiệu quả thì chưa cao vì cũng còn có nhiều địa phương chưa thật nhiệt tình". Ngược với nhận định này, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (Hoài Ân), lại nói: "Ngành kiểm lâm bắt người phá rừng trực tiếp, tịch thu gỗ rất nhiều nhưng với những trường hợp nhỏ lẻ, lượng gỗ ít như vậy thường lâm tặc chỉ bị xử phạt hành chính. Lẽ ra họ phải kiểm tra gắt gao việc mua bán, cưa xẻ gỗ của các xưởng gỗ - nơi mà lâm tặc tuồn gỗ về mới đúng. Chỉ có chưa đến chục xưởng cưa, vậy thì quản lý xưởng cưa sẽ dễ hơn chứ. Kiểm soát được nơi tiêu thụ thì dân phá rừng sẽ không bán gỗ cho ai được, khi ấy chắc chắn tệ nạn sẽ giảm nhiều!"...

Cũng cần phải nói thêm rằng, để đưa những hộp gỗ về đến các điểm tập kết của chủ gỗ, lâm tặc phải qua khá nhiều "cửa". Tại Hoài Ân, gỗ được vận chuyển từ các xã Ân Nghĩa, Bok Tới, Đắk Mang... đến điểm tập kết gỗ gần nhất là thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) thì phải đi ngang qua nhiều trụ sở UBND xã và cả Hạt kiểm lâm. Dẫu vậy, không hiểu sao cho dù thời điểm ngày, hay đêm thì không ít chuyến gỗ đã "lọt" qua được các "cửa" này. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa là nhiều trạm kiểm lâm đặt ngay bìa rừng nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên vận chuyển gỗ trái phép đi qua, coi như không có gì. Hoặc như gỗ rừng chạy từ Hoài Ân về Phù Mỹ về phải đi trên một cung đường khá dài trong đó có cả hai trạm kiểm soát lâm sản nhưng gỗ vẫn kìn kìn về xuôi. Chuyện lạ này cũng khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.

* Bình yên cho những cánh rừng

Những cánh rừng bị chặt phá trái phép trên danh nghĩa là rừng có chủ thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nhưng trên thực tế không chính quyền, cán bộ kiểm lâm nào có thể bám sát rừng thật sự để bảo vệ. Bởi thế tiếng là có chủ nhưng nhiều lúc rừng bị phá mà không ai biết. Nếu giao rừng cho dân, hỗ trợ kỹ thuật để dân có thể thu lợi từ rừng thì chẳng những rừng sẽ được bảo vệ mà còn có thêm nhiều cơ hội để phát triển nhờ được đầu tư. Những kết quả của dự án giao đất có rừng ổn định lâu dài (thời hạn 50 năm) ở làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp - Vĩnh Thạnh) gần đây cho phép người ta gieo hy vọng vào giải pháp này. Ông Đinh Y Nam - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh khẳng định: "Từ ngày giao rừng cho đồng bào, gần như không thấy chuyện phá rừng trên những diện tích đã có chủ nữa. Hiệu quả còn cao hơn cả việc giao khoán giữ rừng trước đây. Bên cạnh những mối lợi thường xuyên, bước đầu bà con đã chịu đầu tư để thu lợi từ rừng (trồng tre trúc lấy măng, xây dựng trang trại, chăn nuôi...). Huyện chúng tôi ủng hộ giải pháp này và đã đề nghị tiếp tục xây dựng mô hình ở xã khác".

Trong một vài lần vui chuyện, một số lâm tặc ở Vĩnh Thạnh đã bộc bạch - Ở làng Hà Ri, dân được giao rừng nên họ vừa thu được mật ong, bứt dây mây, được thu hoạch hạt ươi, trái gắm... cũng tạm đủ sống, họ còn được Nhà nước cho vay để trồng măng tre, nuôi bò. Nếu có việc làm lâu dài giúp đời sống ổn định chẳng ai thích gì cái chuyện lấm la lấm lét mò vào rừng chặt cây, gặp ai cũng sợ!

Một cán bộ của Sở NN-PTNT đã cho biết - Những giải pháp mà nhiều năm qua chúng ta đã sử dụng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng hầu hết đều hướng tới mục tiêu có tính răn đe (cấm cản, truy bắt, kiểm tra...) một vài giải pháp bổ trợ kiểu như giao khoán đã mau chóng bộc lộ nhược điểm vì lợi ích thì ít mà trách nhiệm thì cao nên cuối cùng tiếng là có chủ nhưng rừng vẫn bị phá năm sau tính chất nghiêm trọng hơn năm trước. Đã đến lúc phải làm sao để người ta tìm được nguồn lợi thiết thân của mình tại những cánh rừng ở địa phương mà họ sống, quyền lợi ấy lớn hơn việc phá rừng thì rừng sẽ được chính họ bảo vệ. Và không ai làm tốt chuyện này hơn họ đâu.

Có thể nói, cho đến nay những "đòn đánh" của cơ quan chức năng, chủ yếu là của lực lượng kiểm lâm thường không đến bộ phận đầu não gây ra nạn phá rừng, chưa đạt được hiệu quả bền vững do đó nạn phá rừng vẫn cứ dây dưa kéo dài, không giảm. Xác định lại mục tiêu trọng tâm trong công tác quản lý - bảo vệ rừng có lẽ cũng là việc mà ngành kiểm lâm nên thử làm.

. Nhóm phóng viên điều tra

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)