Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách
12:5', 2/11/ 2004 (GMT+7)

Những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã ngày một khởi sắc hơn. Có được kết quả này, ngoài sự đóng góp của những công trình như: điện lưới quốc gia, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng… còn phải kể đến sự phát triển của mạng lưới thông tin viễn thông.

* Quan tâm cho vùng khó khăn

Bưu điện huyện miền núi An Lão

Nhiều năm qua, Bưu điện tỉnh đã đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể cho việc đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông rộng khắp trong tỉnh. Bắt đầu từ năm 1994, mỗi năm Bưu điện tỉnh đã dành hơn 10 tỉ đồng đầu tư xây dựng các bưu cục, nhà trạm, lắp đặt tổng đài, tăng dung lượng, thay thế các thiết bị truyền dẫn, mở rộng mạng lưới cáp gốc, cáp nhánh… ở các địa phương vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Từ năm 1998 đến nay, Bưu điện tỉnh cũng đã chủ động đẩy mạnh việc xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) với 101 điểm, chủ yếu là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cùng với mạng lưới bưu cục, hệ thống BĐVHX đã góp phần rút ngắn bán kính các điểm bưu điện phục vụ xuống còn 2,86 km, ngắn gần 2 km so với trước khi có hệ thống BĐVHX. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bưu điện tỉnh đã đầu tư gần 10 tỉ đồng để nâng dung lượng tổng đài Starex-IMS với 512 số để phục vụ cho nhu cầu phát triển máy điện thoại ở các xã tây nam của huyện Tây Sơn; bổ sung dung lượng cho tổng đài Vĩnh Thạnh với gần 200 số; xây dựng thêm hàng chục km cáp quang ở Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão.

Ngoài ra, giá thuê bao điện thoại cố định cho vùng sâu, vùng xa đang được Bưu điện tỉnh áp dụng là giá sàn của khung giá do Công ty Bưu chính - Viễn thông quy định (20.000 đồng/thuê bao/tháng), góp phần cho số lượng thuê bao điện thoại ở những khu vực khó khăn ngày càng tăng cao. Ở huyện miền núi An Lão hiện có 1.443 máy điện thoại cố định, tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Huyện Vĩnh Thạnh cũng có 635 máy, tăng gần 300 máy so với năm 2000. Ở 4 xã đảo và bán đảo của TP Quy Nhơn có hơn 1.000 thuê bao, tăng 400 thuê bao so với năm 2000... Bên cạnh đó, 2 huyện Vân Canh, An Lão cũng đã được phủ sóng điện thoại di động.

Ông Nguyễn Hàng, Giám đốc Công ty Điện báo - Điện thoại (Bưu điện Bình Định), cho biết: "Việc phát triển mạng lưới viễn thông ở vùng sâu, vùng xa chưa thể tính đến lợi nhuận, bởi đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp. Song, để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, chúng tôi luôn căn cứ vào nhu cầu phát triển máy điện thoại của khách hàng, để có kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới cho phù hợp".

* Góp phần nâng cao cuộc sống

Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, các xã đảo và bán đảo của TP Quy Nhơn chỉ có thể nối với đất liền dựa vào những chiếc đò khách và đường thư do bưu tá xã đảm nhận. Vào mùa mưa bão, những chuyến đò giữa Quy Nhơn và các địa phương này không thực hiện được, thì đành phải chịu cảnh cô lập với đất liền. Thế nhưng bây giờ, điện thoại đã có đến tận từng thôn, từng xóm và vào đến nhà dân. Ông Ngô Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: "Từ khi có điện thoại, Nhơn Châu đã gần đất liền hơn so với trước nhiều. Bây giờ muốn báo cáo tình hình gì của địa phương hay xin chủ trương của lãnh đạo cấp trên đã không phải vất vả như trước nữa mà có thể thực hiện nhanh chóng qua điện thoại. Tình hình làm ăn, giá cả thị trường… cũng được bà con ngư dân "cập nhật" từng ngày".

Hiện nay, toàn tỉnh có 235 cơ sở bưu điện phục vụ, bình quân mỗi cơ sở phục vụ 6.625 người dân với bán kính phục vụ là 2,86 km, rút ngắn hơn 1 km so với năm 2000. Tổng số máy điện thoại trên mạng hiện có 80.503 máy, đạt mật độ 5,17 máy/100 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân là 26%/năm. Trong đó, 3 huyện miền núi: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh có 2.217 thuê bao điện thoại. Hệ thống điện thoại cũng đã được phủ kín 100% xã trong tỉnh từ năm 1996.

 Với các huyện trung du, miền núi, mạng lưới viễn thông phát triển cũng đã góp phần rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội với khu vực thành thị. Theo một số hộ làm kinh tế trang trại ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh thì ngày trước, điện thoại chỉ có ở các cơ quan, giao thông thì trắc trở nên người dân ít nắm bắt được thông tin về thị trường, giá cả ở các nơi để có kế hoạch đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Còn bây giờ, hệ thống điện thoại đã góp phần cho việc nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn, từ cuộc sống đến việc làm ăn, nhờ vậy cũng thuận lợi hơn. Theo ông Lê Thanh Trang, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh: "Nhờ hệ thống viễn thông phát triển, đã góp phần đắc lực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị cơ sở, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Chẳng hạn, trong cơn bão số 2 vừa qua, Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt của huyện đã chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bằng cả 2 hệ thống điện thoại cố định và di động, nên rất nhanh chóng và kịp thời, đã hạn chế được những thiệt hại do bão gây ra".

Hiện nay, nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại trong nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi ngày càng tăng. Ông Nguyễn Hàng cho biết: "Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, chúng tôi liên tục mở rộng và tăng dung lượng các tổng đài, nhằm mục đích khai thác tốt nhất tiềm năng thị trường nông thôn. Điều này không những chỉ phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân mà còn tăng thêm doanh thu cho đơn vị".

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)