Long Quang một thôn nghèo và cách trở nhất của xã Nhơn Hòa (An Nhơn), gồm có 4 xóm: Châu Đông Nam, Châu Đông Bắc, Châu Tây và Châu Trung với 338 hộ dân (hơn 1.800 nhân khẩu). Long Quang còn được coi là một ốc đảo bởi cả thôn nằm lọt thỏm giữa hai nhánh sông Côn, khi đến mùa lũ cả thôn như chìm trong một biển nước và nỗi lo sợ "thường trực" của người dân nơi đây là nạn sạt lở đất.
|
Chiếc cầu tre bắc qua trung tâm xã |
Long Quang nằm giữa hai nhánh của sông Côn. Đường đến thôn Long Quang có hai hướng, một hướng từ trung tâm xã và một hướng từ thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn). Nếu đi hướng từ trung tâm xã phải băng qua những con đường đất lầy lội rất khó đi, sau đó phải "bò" qua chiếc cầu tre khúc khuỷu bắc qua con sông dài hơn 70 m. Còn đi hướng từ trung tâm huyện thì phải dùng sõng. Trưởng thôn Phan Xuân Thọ, kể: "Cách đây hơn một năm, nhà nào trong thôn cũng đều có từ 1-2 chiếc sõng, hàng hóa phải mua dự trữ trước đó để đề phòng khi lũ về. Nói chung mọi sinh hoạt của thôn rất khó khăn, vì thôn bị cô lập giữa bốn phía là sông nước mênh mông. Rồi chuyện học sinh trong thôn đi học bằng sõng bị lật và mất mạng đã từng xảy ra, người trong thôn bị bệnh nặng khi chuyển đi bệnh viện do cách trở nên cứu chữa không kịp. Bờ bên này cách bờ bên kia không đầy 100 mét, vậy mà sản phẩm của người dân nơi đây làm ra đem bán đều bị ép giá từ 2- 3 giá...".
Trước những khó khăn của thôn, năm 1999 tỉnh đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây một cây cầu từ thôn Long Quang bắc qua thôn Kim Châu (thị trấn Bình Định). Có thể nói, đây là cây cầu nằm trong ước mơ từ bao đời của người dân nơi đây. Năm 2003, cầu được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, bớt được nỗi lo về đường sá cách trở, thì người dân Long Quang lại đang đứng trước nỗi lo sạt lở đất. Cứ vào mùa mưa lũ, "hà bá" lại "cướp" đi một phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân Long Quang và đến trước mùa mưa lũ năm nay, nguy cơ sạt lở những ngôi nhà nằm ven sông chỉ còn trong gang tấc. Ông Võ Thành Quý, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Nhơn Hòa, thống kê: "Hàng năm tỉ lệ sạt lở tại thôn Long Quang là khá lớn. Hiện nay, đã có hơn 1.000 m sông đang bị sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 2-5 m. Cứ trung bình mỗi mùa lũ đi qua đã thủy phá từ 1-1,5 ha và sa bồi 5- 7 ha đất sản xuất. Năm 2002, chúng tôi có 115 ha đất sản xuất, giờ chỉ còn lại 95 ha. Hiện, nạn sạt lở bắt đầu tấn công vào những ngôi nhà nằm ven sông".
|
Những đoạn sông đang bị sạt lở nghiêm trọng |
Ông Bùi Văn Thạnh, ở xóm Châu Tây, nhà nằm cách sông chỉ độ hơn 30 m, nói với vẻ lo lắng: "Chỉ cách đây vài năm, từ nhà tôi ra bến sông gần cả trăm mét thì giờ đây chỉ còn 30 mét nữa là đến nhà. Tôi sợ qua một hoặc hai đợt lũ nữa là nhà tôi sẽ bị cuốn trôi ra sông". Chỉ riêng tại đoạn sông này, có đến 12 hộ đang nằm trong nguy cơ sạt lở nhà phải di dời nhưng đến nay, chỉ có một hộ chấp nhận di dời xuống địa điểm mới gần trung tâm xã. Ông Nguyễn Chánh, một hộ có nhà nằm trong nguy cơ bị sạt lở, tâm sự: "Nơi đây là vùng đất do ông bà chúng tôi để lại, làm sao bỏ mà đi nơi khác được. Vả lại, đất sản xuất ở đây màu mỡ vì có phù sa bồi đắp hàng năm. Nếu di dời đến nơi ở mới thì chỉ được xã cấp 100 m2 đất ở, còn đất sản xuất thì xã không còn mà cấp, lấy gì chúng tôi sinh sống?". Chính vì những lý do này, dù sống trong nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nhưng người dân vẫn bất chấp.
Trong những ngày này, người dân Long Quang đang sống trong nỗi lo vì đã bước vào mùa mưa bão. Trong khi đó, việc gia cố lại các bờ ngự thủy bao bọc thôn thì chỉ mới làm theo kiểu đối phó. Ông Phạm Xuân Đào, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, giải thích: "Chúng tôi cũng biết Long Quang là một nơi bị sạt lở nghiêm trọng trong mưa bão nhưng do kinh phí xã có hạn nên mới chi được 10 triệu đồng để thôn gia cố các bờ ngự thủy. Nếu muốn xây dựng kiên cố để chống nạn sạt lở tại các khúc sông bao quanh thôn, thì chi phí ước tính lên đến cả tỉ đồng, vượt qua ngoài khả năng của xã".
Rõ ràng, nhiều hộ gia đình ở Long Quang đang có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có các biện pháp khắc phục nạn sạt lở đất hoặc di dời họ đến nơi an toàn (nhưng phải có đất cho họ sản xuất). Đây là bài toán khó mà lời giải đã nằm ngoài khả năng của xã, thậm chí của huyện.
. Nguyễn Phúc |