Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn
10:23', 4/11/ 2004 (GMT+7)

Anh Nguyễn Cảnh (ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, Tây Sơn) được bà con địa phương mệnh danh là "vua bò". Đàn bò gần 100 con của anh thuộc loại lớn nhất huyện. Từ chăn nuôi bò, gia đình anh Cảnh đã vượt qua được khó khăn, vươn lên khá giả.

Anh Nguyễn Cảnh

Trang trại của anh Cảnh nằm dưới chân núi Hòn Bà, rộng khoảng 2,5 ha. Ngoài ngôi nhà nhỏ làm chỗ trú ngụ cho 3 người giúp việc và một dãy chuồng trại, toàn bộ diện tích đất còn lại được ưu tiên để trồng cỏ voi, bắp, đậu phụng và rau màu. Anh Cảnh tâm sự: "Khi tôi nhận đất ở đây để xây dựng trang trại, nhiều người cho rằng tôi hơi bị… điên, chứ ở cái nơi "khỉ ho cò gáy" này thì làm được cái gì. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, có bao giờ đất phụ công người! Thế là tôi dồn hết công sức, tiền của tích lũy bấy lâu cho việc phát cây gai, bụi rậm rồi cải tạo đất, cuối cùng cũng hình thành được trang trại".

Từ nhỏ anh Cảnh đã quen với việc chăn bò và là một người chăn bò có tiếng. Vì vậy, sau này khi tính chuyện làm giàu anh quyết định chọn nghề chăn nuôi bò. Ban đầu, vốn liếng còn ít, anh chỉ nuôi vài con. Năm 2000, cơ may đã đến với anh khi có điều kiện mua lại đàn bò cỏ 14 con lúc HTXNN Tả Giang giải thể.

Để việc chăn nuôi bò có hiệu quả, anh nhận thấy không thể cứ đi theo mãi lối mòn kinh nghiệm. Thế là anh tham gia lớp sơ cấp thú y do Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh tổ chức, và tham dự lớp học thụ tinh nhân tạo bò của Viện Chăn nuôi quốc gia. Chuyện anh Cảnh đi học cũng bị nhiều người bàn ra, tán vào "chăn bò mà cũng bày đặt học này học nọ"... Mặc người ta đàm tiếu, anh Cảnh cố gắng học thật tốt và chờ cơ hội. Có vốn và kỹ thuật, anh xin UBND xã nhận 2,5 ha đất đồi rừng dưới chân núi Hòn Bà xây dựng trang trại để chăn nuôi bò. Nhớ lại thời điểm này (2002), anh Cảnh vẫn còn bồi hồi: "Đó là một quyết định quan trọng của tôi - một anh nông dân muốn thoát nghèo. Cơ hội này quý giá vì bây giờ muốn có từng này đất đâu có dễ!".

Đàn bò của anh Nguyễn Cảnh

Đến nay, trang trại của anh đã có 93 con bò, trong đó có 15 con bò lai, 7 con bò sữa. Đàn bò khá lớn, nên bên cạnh việc tận dụng đồng cỏ tự nhiên, anh Cảnh đã trồng trên 1ha cỏ voi; ngoài ra, anh còn tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp để tăng cường thức ăn tinh cho bò. Anh rất quan tâm đến việc chăm sóc thú y (tiêm phòng, chữa bệnh…) và thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn bò. Đối với những con bò có dấu hiệu đau ốm, anh nhốt riêng và chăm sóc chu đáo hơn. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh tật. Theo anh Cảnh, nuôi bò cỏ không có lợi bằng bò lai. Hiện nay, giá bò lai trên thị trường khá cao, anh đang tiến hành cải tạo lại đàn bò, nâng dần tỉ lệ bò lai, xây dựng chuồng trại mới đúng với quy cách chăn nuôi đại gia súc, trồng thêm cỏ voi, bắp lai… cung cấp thức ăn cho bò.

Từ việc nuôi bò, gia đình anh Cảnh đã mua đất và xây dựng được ngôi nhà khang trang tại thị tứ Đồng Phó (xã Tây Giang), lo cho các con ăn học chu đáo. Ngoài làm giàu cho mình, anh Cảnh còn thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ cho bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc bò, tham gia công tác cải tạo đàn bò ở địa phương.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)
Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách  (02/11/2004)
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)