Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi
16:7', 7/11/ 2004 (GMT+7)

Lâu nay, người sử dụng điện ở nông thôn phải gánh chịu giá tiền điện "trên trời" do lưới điện xuống cấp, gây tổn thất điện năng lớn; bên cạnh đó, công tác quản lý lại quá yếu kém. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã xây dựng "Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn", giúp cho người dân nông thôn hưởng giá điện bằng hoặc thấp hơn giá trần mà Chính phủ quy định.

* Hướng đi đúng

Nhân viên Điện lực Bình Định đang nâng cấp lưới điện tại phường Nhơn Bình - TP. Quy Nhơn (ảnh: Văn Lưu)

Lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết do nhân dân tự đóng góp xây dựng từ những năm 1985-2000. Qua nhiều năm khai thác, hệ thống lưới điện này đã xuống cấp nhưng không được đầu tư cải tạo. Hơn nữa, do trình độ quản lý điện của các tổ điện nông thôn trước đây còn rất hạn chế, phát sinh nhiều tiêu cực, nên người dân nông thôn thường phải chịu mức giá điện cao hơn rất nhiều so với giá quy định. Trước tình hình như vậy, UBND tỉnh đã xây dựng "Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn", trong đó tỉnh đã quyết định bàn giao lưới điện trung áp nông thôn cho Điện lực Bình Định quản lý và cấp phép hoạt động điện lực cho các cá nhân, tổ chức có năng lực trong hoạt động điện lực.

Theo ông Võ Văn Tráng, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý điện năng (Sở Công nghiệp), được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, ngành công nghiệp, ngành điện và sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương các cấp, nên đến nay đã có hàng ngàn tổ điện nông thôn tự phát được giao lại cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động quản lý. Cũng đến thời điểm này, có 99/126 xã đã hoàn thành thủ tục đăng ký chuyển đổi và 144/148 tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động điện lực đi vào hoạt động. Các tổ chức, cá nhân chuyên kinh doanh về điện sẽ bỏ kinh phí để duy tu sửa chữa, thay mới các lưới điện đã xuống cấp. Theo đó, người sử dụng điện ở nông thôn được hưởng giá bán điện theo quy định và chất lượng điện ngày càng được nâng cao.

* Niềm vui của dân

Chúng tôi đã gặp một số hộ trước đây sử dụng điện qua các tổ điện nông thôn tự phát, nay đã chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động điện lực quản lý, để tìm hiểu, đánh giá về kết quả thực hiện "Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn". Có thể nói, tất cả các hộ dân đều hết sức phấn khởi vì được mua điện với giá thấp hơn nhiều so với trước. Chị Nguyễn Thị Hậu, ở xã Phước Lộc (Tuy Phước) đưa cho chúng tôi xem hai hóa đơn ghi số tiền tiêu thụ trong tháng 9-2003 (khi còn tổ điện nông thôn quản lý) và một của ngành điện ghi tiền thu trong tháng 10-2004 (lúc này đã được giao cho HTX Phước Lộc quản lý). Chỉ xem 2 hóa đơn là biết ngay vì sao người sử dụng điện ở nông thôn lại phấn khởi, bởi số tiền phải trả trên 2 hóa đơn có sự chênh lệnh quá lớn. Cụ thể, trong hóa đơn năm trước, chị Hậu sử dụng 50 Kwh nhưng phải trả 90.000 đồng (1.800 đồng/Kwh); còn hóa đơn của tháng 10 năm nay, gia đình chị sử dụng 48 Kwh nhưng chỉ trả 31.200 đồng (650 đồng/Kwh). Sở dĩ khi còn thuộc tổ điện quản lý, chị Hậu và những hộ trong xã phải trả tiền điện khá cao vì mức hao hụt điện quá lớn. Khi lưới điện được chuyển sang ngành điện quản lý, các hộ sử dụng điện không những được mua điện giá thấp hơn giá trần của Chính phủ quy định mà chất lượng điện ngày càng tốt hơn. Chị Hậu vui mừng cho biết: "Những người sử dụng điện như chúng tôi rất hoan nghênh ngành điện đã giúp người dân tiết kiệm được số tiền đáng kể trong việc sử dụng điện".

Như vậy hiện nay, phần lớn các hộ dân nông thôn đều giảm được khá nhiều số tiền phải trả khi sử dụng điện, ít nhất là 1/2 so với trước, thậm chí có nơi giảm được 2/3. Và từ khi chuyển đổi sang các cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh điện lực quản lý, tất cả các sự cố về điện trên đường dây đều do cá nhân, tổ chức này chịu trách nhiệm, các hộ sử dụng điện không còn phải chịu tiền đóng góp để sửa chữa như trước. Đây là điều khiến cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn rất vui mừng và cũng là sự thành công của việc thực hiện "Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn".

Ông Vương Thái Hòa, Phó giám đốc Điện lực Bình Định, cho biết: "Nếu tiến tới bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, người sử dụng điện ở nông thôn sẽ trả tiền cho mỗi Kwh điện thấp hơn nữa. Vì hiện nay, mới chỉ có chủ trương bàn giao lưới điện trung áp cho ngành điện." Cũng theo ông Hòa, trong thời gian qua, Điện lực Bình Định đã tiếp nhận quản lý lưới điện trung áp nông thôn với tổng số tiền phải hoàn trả hơn 30 tỉ đồng. Đến nay, đã có hơn 52.000 hộ ở nông thôn sử dụng điện trực tiếp từ ngành điện và mỗi năm ngành điện phấn có thêm 15% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện trực tiếp.

Với những kết quả đạt được, rõ ràng việc tổ chức thực hiện "Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn" là một hướng đi đúng, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn trong tỉnh.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)
Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách  (02/11/2004)
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)