Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao
10:39', 8/11/ 2004 (GMT+7)

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa trong tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để góp phần vào việc chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, mới đây Sở NN-PTNT tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề về bò sữa tại thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) - một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả dự án chăn nuôi bò sữa hộ gia đình.

* Những bài học từ thực tế

Các chủ trang trại, gia trại tham quan đàn bò sữa của ông Nguyễn Văn Ba ở thị trấn Ngô Mây

Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống như mục đích của chương trình, người chăn nuôi phải có vốn lớn, có sự hiểu biết thấu đáo về quy trình chăm sóc, dinh dưỡng… Nhiều hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây đã có những thành công bước đầu, xuất phát từ sự tìm tòi học hỏi quy trình kỹ thuật từ lòng quyết tâm làm giàu từ con bò sữa. Ngoài ra, tính cộng đồng cũng là một trong những yếu tố giúp cho các hộ chăn nuôi bò sữa ở đây đạt được hiệu quả. Khi tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây, nhiều chủ trang trại, gia trại đã "vỡ" ra được nhiều điều. Song điều đáng nói là, không phải nơi nào cũng hội đủ các yếu tố cần thiết như ở điển hình này, nên kết quả chưa được như ý. Chẳng hạn như trường hợp của hộ ông Hà Văn Phước, bà Trần Thị Thanh…. ở xã Phước An-Tuy Phước chăn nuôi bò sữa kém hiệu quả, cũng đã được đưa ra bàn bạc tại cuộc tọa đàm để rút kinh nghiệm. Nguyên nhân, theo ông Lê Chí Đốc, cán bộ thú y xã Phước An: "Nhiều hộ đã tự ý đi mua bò nên đã mua phải bò thải, chậm sinh hoặc vô sinh. Một số hộ không đủ năng lực đầu tư, việc chăm sóc thiếu chu đáo, nên đàn bò chậm phát triển, một số con bị chết yểu".

Theo một số đại biểu, đành rằng thắng hay bại chủ yếu là do người chăn nuôi, nhưng nếu ngành chức năng can thiệp kịp thời, giúp đỡ các hộ gia đình nuôi bò sữa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chăn nuôi thì có lẽ chương trình phát triển đàn bò sữa của tỉnh sẽ đạt hiệu quả hơn…

* Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Tại cuộc tòa đàm, bên cạnh việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa cũng đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải. Nhiều hộ đang gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, hoặc đã đến hạn trả vốn vay ngân hàng nhưng chưa có điều kiện thanh toán được. Bà Bùi Thị Thanh Vân, một chủ trang trại nuôi bò sữa ở khu chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân cho rằng: Các hộ chăn nuôi bò sữa đang cần vốn vay dài hạn. Các chủ trang trại, gia trại khác thì mong muốn được ngân hàng khoanh nợ và giãn nợ bởi hiện họ đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra con bê sữa.

Vấn đề giá thức ăn gia súc liên tục tăng cũng đã được các đại biểu quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăn nuôi. Theo ông Huỳnh Tấn Phụng, ở thị trấn Ngô Mây: "Việc nâng giá thu mua sữa từ 3.500 đồng/lít lên 3.800 đồng/lít của Công ty Sữa Bình Định đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi bò sữa tăng thu nhập, nhưng vẫn còn chưa tương xứng so với giá thức ăn gia súc trên thị trường". Nhiều hộ cũng còn băn khoăn về việc phân loại sữa bò của Công ty Sữa khi thu mua sữa bò. Việc quản lý, phòng dịch bệnh cho đàn bò cũng là vấn đề mà các đại biểu đã bàn luận khá sôi nổi tại buổi tọa đàm. Theo các hộ chăn nuôi bò sữa, trong thời gian gần đây, tình trạng mua bán bò diễn ra khá phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh, trong đó có nhiều con bò mắc phải chứng bệnh dễ lây nhiễm cho đàn bò sữa. Có ý kiến cho rằng, ngành Thú y cần phải quản lý chặt chẽ hơn việc mua bán bò trong tỉnh, và giúp đỡ cho bà con tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò. Để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong chăn nuôi, tất cả các ý kiến, từ thuận lợi đến khó khăn đều đưa ra trao đổi, bàn bạc nhằm tìm ra bước đi khả thi hơn.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Võ Thành Tiên - Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: "Qua buổi tọa đàm, chúng tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin hữu ích từ người chăn nuôi. Chúng tôi sẽ quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; kịp thời thông tin về các lĩnh vực có liên quan tới việc chăn nuôi bò sữa như: thị trường, kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị dịch bệnh, và giới thiệu những mô hình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm. Đồng thời ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và ngành Ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho bà con được vay vốn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa phù hợp với thực tế hiện nay".

Hy vọng rằng, từ những kinh nghiệm thực tế được đúc kết trong thời gian vừa qua, với sự quyết tâm của ngành chức năng và các hộ chăn nuôi, chương trình phát triển đàn bò sữa của Bình Định sẽ đạt yêu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

. Phạm Tiến Sỹ

 

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi   (07/11/2004)
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)
Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách  (02/11/2004)
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)