Vá lưới: Từ nghề "nhỏ", tiến lên… dịch vụ
18:12', 10/11/ 2004 (GMT+7)

Vá lưới là nghề truyền thống của giới phụ nữ ở các làng biển. Từ chỗ là nghề làm trong gia đình ngư dân, hoặc là vần công, đổi công, đến nay đã trở thành một dịch vụ khá đắt khách với những tổ hợp đến vài chục thợ vá lưới, mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều ngư trường trong cả nước. Nghề này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho giới phụ nữ làng biển.

* Nghề của người nghèo

Tổ hợp của chị Bừng đang vá lưới "tại gia"

Ở TP Quy Nhơn, 2 phường Đống Đa và Thị Nại có đông đảo chị em làm nghề vá lưới. Khi chúng tôi đến phường Thị Nại để tìm hiểu thêm về nghề này, một người dân ở đây nói: "Muốn biết rõ, chú cứ đến thẳng nhà cô Bừng, cô đó là người nắm khá rõ về cái nghề vá lưới". Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà chị Bừng ở khu vực 4, phường Thị Nại. Vừa đặt chân đến cửa nhà, chúng tôi đã thấy gần 10 phụ nữ đang ngồi quây quần xúm xít bên nhau, vừa vá lưới vừa trò chuyện rất rôm rả. Tôi tranh thủ bắt chuyện với chị Bừng. Hóa ra, chị là tổ trưởng tổ vá lưới ở đây. Chị cho biết: "Cái hay của nghề vá lưới là học nghề không tốn tiền mà có lương ngay, dĩ nhiên là từ ít đến khá. Người học việc chỉ cần xem những người làm trước để học hỏi và thực hành cho thành thạo. Người biết chỉ cho người chưa biết, người làm trước có kinh nghiệm chỉ thêm cho người làm sau; chủ yếu là chúng tôi "dắt díu" nhau kiếm sống".

Nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản trong cả nước ngày càng phát triển, vươn ra đánh bắt xa bờ. Có nghĩa là nhu cầu vá lưới ngày càng tăng, nên phần lớn gia đình nghèo làm nghề vá lưới có điều kiện nối tiếp nhau bám lấy nghề. Gia đình chị Lợi ở khu vực 4, phường Thị Nại là một điển hình như vậy. Cả nhà chị có 9 chị em gái thì cả 9 người đều là thợ vá lưới có thâm niên. Riêng chị Lợi, tính đến nay đã có gần 20 năm làm nghề vá lưới. Chị tâm sự: "Nghề này tương đối ít vất vả, chỉ có điều là phải cần cù, kiên nhẫn, làm việc kỹ lưỡng. Thu nhập cũng đủ sống, nên cả 9 chị em tôi đều tham gia". Không chỉ gia đình chị Lợi, ở 2 phường Thị Nại và Đống Đa còn lắm gia đình có nhiều thế hệ làm nghề vá lưới.

Ngoài những chị em "nối nghiệp" nhà, hiện cũng có nhiều người bước vào nghề bởi không có nghề nghiệp ổn định và cuộc sống khó khăn. Chị Ngô Thị Thanh Thúy - khu vực 1, phường Đống Đa - tâm sự: "Ngày trước, tôi bán rau quả ở chợ. Đi từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối mới về nhưng tiền lãi chẳng bao nhiêu. Đến khi gặp một người quen làm nghề vá lưới và được chị gợi ý hướng dẫn làm nghề, tôi thấy nghề này cũng tương đối nhẹ nhàng và có thu nhập ổn định nên theo luôn từ bấy đến nay, và đã có thâm niên trong nghề được hơn 3 năm".

Qua thống kê sơ bộ, hiện ở 2 phường Đống Đa và Thị Nại có không dưới 200 phụ nữ chuyên làm nghề vá lưới thuê. Ngoài ra, còn có cả trăm chị em khác làm theo kiểu "bán chuyên nghiệp", trong những lúc rỗi rảnh cũng "cầm kim trên tay" để có thêm thu nhập. Ngoài TP Quy Nhơn, các địa phương miền biển ở  Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn… cũng có một số người chuyên làm nghề vá lưới.

* Vá lưới xứ người

Những người làm nghề vá lưới không chỉ hành nghề bằng cách nhận lưới về nhà làm, hoặc làm ở tổ hợp, hoặc xuống tận thuyền đánh cá ở cảng cá Quy Nhơn, mà còn đi "tứ xứ" đến các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc như: Vũng Tàu, Ninh Thuận, Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang… để vá lưới thuê. Nghề vá lưới đã trở thành một dịch vụ cần thiết. Các chủ tàu thuyền đánh cá có nhu cầu vá lưới chỉ cần "ới" một tiếng vào điện thoại đến các "đầu nậu" ở Quy Nhơn là ngày hôm sau sẽ có "đội quân" vá lưới đến phục vụ, ít hay nhiều thợ tùy theo yêu cầu công việc. Phong trào này nở rộ nhất là từ năm 1998 trở lại đây, khi nghề đánh bắt xa bờ phát triển mạnh. Hiện nay, đội quân vá lưới thuê ở tỉnh ta có khoảng 15 nhóm, hơn 150 người, chủ yếu tập trung ở 2 phường Thị Nại và Đống Đa. Chị Ngô Thị Nhân, trưởng một nhóm vá lưới thuê ở phường Đống Đa, cho biết: "Đội ngũ vá lưới thuê của chúng tôi đi làm khắp nơi, có người già, có trẻ, có người thâm niên dày dạn kinh nghiệm, có người mới theo vào làm. Nói chung là "nhân lực" ngày một tăng".

Thường những người đi vá lưới nơi xa khoảng 1 tháng về nhà một lần, nhưng một số người chưa lập gia đình thì có thể ở lại 2-3 tháng, làm hết công việc mới về. Bởi, mỗi lần đi về bỏ việc làm mà lại tốn kém, đành nén nỗi nhớ nhà để có thể dành dụm được một khoản tiền kha khá để trang trải cho cuộc sống. Chị Ngô Thị Nhân cho biết thêm: "Ban đầu lúc mới đi làm xa nhiều người nhớ nhà đòi về liên tục. Nhưng chị em đi cùng khuyên nhủ riết rồi họ cũng quen. Họ làm việc không quản ngại bất cứ một khó khăn nào, miễn là hoàn tất công việc, chủ trả công sòng phẳng là được". Các chị còn khẳng định rằng lực lượng vá lưới ở Quy Nhơn rất rành nghề và "chiếm lĩnh thị trường" cả nước.

* Buồn vui đời vá lưới

Hầu hết những người làm nghề vá lưới thuê đều nghèo. Nhưng không phải vì thế mà họ không tin tưởng ở cuộc sống tương lai của mình. Bởi vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, hầu như không ai than vãn gì, dù ai cũng có một nỗi niềm riêng. Chị Trần Thị Hồng Hạnh - khu vực 4, phường Thị Nại - bộc bạch: "Tôi có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 3. Một tay chồng quán xuyến việc nhà, mình thường đi làm xa nên cũng lo lắm". Tâm sự này không chỉ riêng chị Hạnh mà là của hầu hết các chị em đi vá lưới xa quê. Khi tôi hỏi về thu nhập và những vất vả thường ngày của công việc ở xứ người, các chị chân thành: "Thu nhập khá và ổn định hơn so với làm ở nhà, nhưng cực lắm, vì phải ăn nhờ, ở đậu nhà những chủ ghe thuê mình vá lưới. Có nhiều nhà chật chội, cả nhóm 10 người phải cùng tá túc trong một phòng rộng chừng 20 m2. Thế nhưng cũng không ổn định, cứ 5-10 bữa lại phải chuyển chỗ ở một lần, vì có vá lưới cho họ thì họ mới cho mình ở".

Theo tính toán của những người đi vá lưới thuê ở các tỉnh, trung bình tiền công một ngày khoảng 40.000 đồng, cá biệt có những lần nhận làm khoán "trúng mánh" thì được 50.000 - 60.000 đồng/ngày. Hơn nữa, nhờ đi làm hết nơi này đến nơi khác nên có công việc thường xuyên hơn. Hầu như trong năm họ chỉ ở nhà khoảng 1-2 tháng vào dịp Tết. Qua việc làm và cuộc sống hiện tại, họ đã chứng tỏ ý chí vượt khó vươn lên của mình. Chị Hạnh tâm sự rằng: "Vợ chồng tôi bàn tính với nhau rồi, mình chấp nhận cuộc sống "rày đây mai đó", quyết tâm lo cho tương lai con cái".                     

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao   (08/11/2004)
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi   (07/11/2004)
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)
Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách  (02/11/2004)
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)