Cây quýt đường trên đất Vân Canh
15:18', 9/11/ 2004 (GMT+7)

Sau khi nghỉ việc, anh Nguyễn Văn Quyên (trước đây là công nhân Nông trường Vân Canh) đã mua 2ha đất ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh để làm kinh tế vườn. Anh đã đầu tư làm hàng rào, đào giếng nước, tiến hành trồng các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu và chăn nuôi heo, gà... để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Ngoài ra, anh đã tìm hiểu kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả và chọn cây quýt đường để trồng thử nghiệm. Năm 2002, theo giới thiệu của bạn bè, anh đã vào Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Đồng Nai, mua 100 cây quýt đường đem về trồng trên mảnh vườn của mình. Nhờ trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, nên tháng 9-2003, quýt của anh đã ra hoa và đậu rất sai quả. Vụ thu hoạch đầu tiên anh đã bán được 1,6 tấn quýt ngọt, thu được 9,6 triệu đồng. Năm 2004 này, triển vọng sẽ thu hoạch được 2 tấn quả.

Quýt đường có vị ngọt thanh và thơm ngon nên dễ tiêu thụ, thương lái tìm đến mua tại vườn. Trong vụ thu hoạch, hàng ngày anh bán trung bình 60kg quýt, có hôm kết hợp công việc, anh đã đem ra chợ Vân Canh bỏ mối hoặc bán cho thương lái ở Quy Nhơn lên mua, khỏi cần chở đi xa. Đặc biệt, so với nhiều loại cây khác, cây quýt có những đặc tính phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và chế độ mưa ở Vân Canh, do đó cây sinh trưởng tốt và ổn định.

Theo anh Quyên, kỹ thuật trồng quýt đường không khó, nhưng cần phải có nguồn nước tưới đầy đủ. Quýt ra hoa vào đầu xuân và cho thu hoạch quả vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm, khi ra hoa gặp mưa hoặc sương giá vẫn ít bị ảnh hưởng đến khả năng đậu quả. Trong khi đó, các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây điều và xoài, hai loại cây trồng hiện nay được khuyến cáo trồng khá phổ biến trên đất Bình Định, khi ra hoa gặp mưa, hoặc thời tiết sương giá thường rụng hoa, ít có khả năng đậu quả.

Anh Quyên cho biết: Do có thị trường tiêu thụ và nắm vững được kỹ thuật trồng nên trong thời gian tới, anh có kế hoạch đầu tư trồng 1ha giống quýt đường, tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật chiết, ghép để tạo giống, và đặc biệt là kỹ thuật điều tiết cho quýt ra hoa để có quả bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.    

. Lê Văn Thi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vá lưới: Từ nghề "nhỏ", tiến lên… dịch vụ   (09/11/2004)
Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao   (08/11/2004)
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi   (07/11/2004)
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)
Viễn thông vươn tới vùng xa: Thu hẹp những khoảng cách  (02/11/2004)
Kỳ 3: Để bình yên cho những cánh rừng   (01/11/2004)
Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai  (31/10/2004)
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)