Tháng 9-2004, trang thông tin điện tử của xã Nhơn Lộc (http://www.vista.gov.vn/web-nongthon/NhonLoc/trangchu.html) đã chính thức "lên" mạng Internet và đây là một trong 5 xã, phường, thị trấn đầu tiên của Bình Định (và của khu vực miền Trung) có trang thông tin điện tử để giới thiệu những nét nổi bật của địa phương. Đồng thời, cũng từ việc "lên" mạng Internet này, đã giúp cho nông dân Nhơn Lộc có điều kiện tìm những thông tin, tài liệu bổ ích để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp.
* Chuyện không ngờ
|
Trang thông tin điện tử của xã Nhơn Lộc |
Để có thông tin về xã được cập nhật lên mạng Internet, xã Nhơn Lộc đã thành lập tổ phụ trách trang thông tin điện tử với 3 cán bộ kiêm nhiệm, trong đó cả 3 người đều không ai học chuyên ngành… công nghệ thông tin (phần máy móc, thiết kế trang điện tử do tỉnh hỗ trợ). Ông Bùi Văn Tô, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Tổ trưởng phụ trách trang thông tin điện tử của xã, cho biết: "Khi biết xã được hỗ trợ để xây dựng trang thông tin điện tử thì tụi tui vừa mừng, vừa lo. Mừng vì xã có cơ hội được giới thiệu với thế giới về những truyền thống và những đặc sản của xã; lo vì đây là một lĩnh vực còn quá mới mẻ. Đến giờ, nhiều người vẫn không tin được là trang thông tin điện tử của xã đã xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu".
Có lẽ, người dày công nhất trong việc thu thập thông tin của xã để cập nhật lên mạng là anh Nguyễn Hữu Tình, cán bộ văn phòng UBND xã, kiêm phụ trách phần cập nhật thông tin cho trang điện tử. Mặc dù chưa học qua một lớp chụp ảnh hay viết báo, nhưng anh vẫn "lân la" khắp nơi trong xã thu thập tư liệu, chụp ảnh làm tư liệu để cập nhật. Ngoài phần lương hàng tháng dành cho cán bộ văn phòng UBND xã, anh không hưởng một khoản nào khác. Nói nôm na là công việc thu thập thông tin của xã để cập nhật lên mạng Internet là công việc "vác tù và hàng tổng". Anh Tình tâm sự: "Nhiều lúc cũng… nản lắm vì mình không có chuyên môn báo chí, lại không được trả lương nhưng rồi mỗi lúc truy cập vào mạng, nhìn thấy trang điện tử của xã cũng "oách" như ai là mình sung sướng và hãnh diện vô cùng. Nhiều người dân vẫn thường xuyên đến tận UBND xã để được tận mắt nhìn thấy xã mình lên mạng như thế nào. Thấy rồi, ai cũng phấn khởi. Tiếp tục trong thời gian đến, mình sẽ thu thập những thông tin mới nhất của xã để cập nhật phục vụ cho người đọc khắp nơi".
* Khi nông dân vào mạng
|
Cán bộ xã Nhơn Lộc đang truy cập vào mạng để tìm kiếm tài liệu phục vụ cho sản xuất |
Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của địa phương như rượu Bàu Đá, gạch thủ công, nghề đan mây, tre và hàng mộc - điêu khắc chất lượng cao, bánh tráng thủ công... thì việc đưa trang thông tin điện tử vào hoạt động đã giúp ích rất nhiều cho người dân trong xã. Ông Lê Văn Tài, một nông dân ở thôn Đông Lâm, phấn khởi cho biết: "Mấy đời làm nông như tui có biết gì về Internet đâu, mới đây tôi vào xã mới biết chuyện, thế là nhờ anh em chỉ cách truy cập vào mạng để tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi cá. Chỉ trong ít phút tìm kiếm đã có một tập tài liệu được in ra và tôi dùng tài liệu đó để áp dụng cho việc nuôi cá tại nhà".
Còn anh Tình thì khẳng định: "Việc lập trang thông tin điện tử và nối mạng Internet đã mang lại nhiều cái lợi cho nông dân. Bởi các tài liệu về kỹ thuật nuôi trồng đều có trên mạng, chỉ tốn một ít thời gian tìm kiếm là có ngay. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức lớp tập huấn truy cập Internet cho người dân trong xã. Khi họ cần tìm kiếm thông tin gì cho sản xuất là họ sẽ tìm được ngay". Không chỉ tìm kiếm thông tin, một số nông dân còn biết "meo" đi "meo" về. Ông Nguyễn Văn Đại, ở thôn Cù Lâm, vui vẻ cho hay: "Cứ vài bữa, nữa tháng là tôi xuống chỗ "Trung tâm Internet" của xã để mở và e-mail cho thằng con đang học đại học năm thứ 3 tại TP. Hồ Chí Minh, khỏi phải viết thư như trước. Thật tiện lợi!".
Chuyện nông dân lên mạng Internet tưởng như không ngờ ấy đã thành sự thật ở Nhơn Lộc. Và không chỉ ở đây, tiếp theo Nhơn Lộc, các xã Phước Mỹ (Tuy Phước), Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), thị trấn Vân Canh (Vân Canh) và phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn) cũng đã có trang thông tin điện tử để giới thiệu về mình. Đó thật sự là một tín hiệu vui trên đường phát triển của nông dân Bình Định.
. Nguyễn Phúc
|