Ông Vũ Hoàng Hà, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:
Bình Định quyết tâm phấn đấu để xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ
16:27', 15/11/ 2004 (GMT+7)

Ngày 13-8-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg phê duyệt Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung (gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Ông Vũ Hoàng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định về việc thực hiện QĐ 148.

- Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, xin ông cho biết vai trò của tỉnh Bình Định được đề cập trong QĐ 148?

Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà phát biểu tại cuộc gặp mặt thân mật với các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

+ QĐ 148 của Thủ tướng Chính phủ là một bước cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc bổ sung Bình Định vào vùng KTTĐ miền Trung, nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển vùng KTTĐ miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, đảm bảo vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên. QĐ 148 đã xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu phải phấn đấu trên từng lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng…. Trong đó, Bình Định được xác định đóng vai trò trung tâm của khu vực Nam Trung bộ, trong tất cả các lĩnh vực.

- Ý nghĩa của QĐ 148 đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của Bình Định là như thế nào, thưa ông?

+ Có thể nói, QĐ 148 có ý nghĩa quan trọng đối với các tỉnh miền Trung và tỉnh Bình Định nói riêng. Như chúng ta đã biết, trước đây, vùng KTTĐ miền Trung chỉ gồm 4 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nay Trung ương bổ sung thêm tỉnh Bình Định. Đây thực sự là cơ hội lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định. Việc bổ sung tỉnh Bình Định vào vùng KTTĐ miền Trung khẳng định vị trí trung tâm của Bình Định đối với Tây Nguyên, Nam Trung bộ và là cửa ngõ của hành lang Đông - Tây, có vị trí chiến lược, kinh tế hết sức thuận lợi và là điều kiện để phát triển kinh tế… Song, điều quan trọng là, nếu như trong thời gian vừa qua, Bình Định không sớm tập trung đầu tư để có sự chuyển biến, đổi mới trên địa bàn tỉnh, thì dù chúng ta có muốn, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cũng không có sự bổ sung. Tôi ví dụ: Trong QĐ 148 có nêu, từ nay đến năm 2010 sẽ nâng cấp quốc lộ 19, Cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát…, nhưng chưa đề cập đến vấn đề mở đường cao tốc từ Quảng Ngãi đến Quy Nhơn và tuyến đường ven biển (từ Tam Quan đến Nhơn Hội). Vậy mà, thời gian qua chúng ta đã chủ động triển khai thực hiện được một số công việc trên.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập một Ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định được tham gia làm thành viên của Ban Chỉ đạo này. Với QĐ 148, Bình Định sẽ có điều kiện để phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội…

- Để xứng đáng với vai trò là trung tâm phía Nam của vùng KTTĐ, Bình Định cần thực hiện những việc gì, thưa ông?

Công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đang được thi công khẩn trương

+ Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ mang tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, không phải Thủ tướng Chính phủ có quyết định đưa Bình Định vào vùng KTTĐ thì tự nhiên Bình Định sẽ dễ dàng đóng vai trò trung tâm của Nam Trung bộ. Mỗi người chúng ta cần phải hiểu, QĐ 148 với các nội dung xác định cho tỉnh Bình Định, không chỉ là vinh dự mà còn là trọng trách đặt lên vai toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cần ra sức phấn đấu, phát huy nội lực, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai thực hiện có hiệu quả QĐ 148.

Từ nay, để làm tốt vai trò, vị trí là tỉnh trong vùng KTTĐ miền Trung, Bình Định sẽ có khá nhiều việc phải triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, xác định rõ những nhiệm vụ có tính đột phá, quyết định sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Trong các nhiệm vụ có tính đột phá, có những nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn thành sớm, như: Hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc thành lập và cho cơ chế, chính sách hoạt động của khu kinh tế Nhơn Hội; quy hoạch chi tiết khu kinh tế Nhơn Hội để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2005 bắt đầu khởi động các dự án đầu tư, nhất là các phân khu chức năng quan trọng: khu công nghiệp Nhơn Hội (1.000 ha), khu phi thuế quan gắn với cảng biển nước sâu Nhơn Hội (450 ha), khu đô thị mới Nhơn Hội (800 ha) với dân số khoảng 80.000 người. Hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện có (KCN Phú Tài, KCN Long Mỹ giai đoạn 2); nhanh chóng hình thành 2 KCN mới (KCN phía nam đường 19 - Nhơn Tân, Bình Nghi) và 33 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Trên cơ sở quy hoạch các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn, tỉnh kêu gọi và đôn đốc các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh triển khai xây dựng các dự án du lịch. Tập trung xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và đẩy mạnh chăn nuôi; hoàn thành công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình vào năm 2007. Triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển hiện hữu; dự án cấp nước và dự án cải thiện môi trường của TP. Quy Nhơn, dự án cấp nước 9 thị trấn trong tỉnh do WB tài trợ. Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành bệnh viện khu vực và phấn đấu đạt tiêu chuẩn bệnh viện loại 1 vào năm 2009…

Để thực hiện có kết quả những nhiệm vụ trên, tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó có những giải pháp quan trọng, như: cơ chế huy động các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ nguồn lực của Trung ương và các tổ chức quốc tế. Rà soát toàn bộ quy hoạch hiện có để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch chung của cả vùng, nhất là vùng KTTĐ miền Trung và quy hoạch ngành. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển, nhất là các chuyên gia đầu ngành và công nhân lành nghề. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế; rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh…. Mục tiêu mà tỉnh đề ra là, từ nay đến năm 2010, Bình Định phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực KT-XH. Chúng ta phải làm thật tốt để Trung ương thấy rằng Bình Định hoàn toàn có khả năng thực hiện những nội dung mà QĐ 148 yêu cầu.

Với vai trò là thành viên của Ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ, sắp tới, tôi sẽ có kế hoạch triển khai QĐ 148 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, riêng ở Bình Định, sẽ hình thành Ban chỉ đạo, tổ tư vấn, bao gồm một số nhà kinh tế, nhà khoa học… để nghiên cứu, giúp tỉnh xây dựng, cụ thể hóa những nội dung, công việc đã nêu trong QĐ 148 của Chính phủ. Chúng tôi sẽ đặt hàng các nhà khoa học, các nhà kinh tế là con em người Bình Định đang công tác tại các tỉnh, thành trong nước, nhất là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, để họ tham gia góp ý, hiến kế, giúp lãnh đạo tỉnh xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, sự quyết tâm cao của các cấp, ngành và mỗi cán bộ, đảng viên; sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công QĐ 148 của Thủ tướng Chính phủ, xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ.

- Xin cảm ơn ông!

. Viết Hiền (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi nông dân lên mạng Internet   (14/11/2004)
Ghi chép trên công trường đường ven biển   (12/11/2004)
BISUCO "lo" cho người trồng mía  (12/11/2004)
Có nghề nên nghiệp  (11/11/2004)
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm: Giá bình ổn, nhu cầu tăng  (10/11/2004)
Ván ép bã mía: Một thành công mới của BISUCO  (10/11/2004)
Cây quýt đường trên đất Vân Canh  (09/11/2004)
Vá lưới: Từ nghề "nhỏ", tiến lên… dịch vụ   (10/11/2004)
Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao   (08/11/2004)
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi   (07/11/2004)
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)
"Ốc đảo" Long Quang trước mùa lũ  (02/11/2004)