Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng
21:30', 15/11/ 2004 (GMT+7)

Nhằm quản lý tốt nguồn tài nguyên rừng, từ năm 2001, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án "Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Bình Định" trong giai đoạn 2001-2003. Sau gần 1 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Chuyên viên CNTT Chi cục Kiểm lâm Bình Định xử lý thông tin qua mạng

Với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng thực hiện dự án "Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Bình Định", ngoài việc đào tạo cho nhân viên, Chi cục Kiểm lâm đã đầu tư trang bị 20 máy tính cho Chi cục, Hạt kiểm lâm và nhiều thiết bị hiện đại như máy in HP800 khổ Ao và máy quét chuyên dụng... Toàn bộ số máy tính ở văn phòng Chi cục được nối mạng LAN, riêng hệ thống máy tính ở Hạt kiểm lâm được nối với máy chủ ở Chi cục qua đường truyền Internet. Với hệ thống thiết bị đó, Chi cục đã ứng dụng những phần mềm chuyên dụng theo hệ thống vận hành sau: Thiết lập, quản lý và khai thác thông tin về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp bằng mạng máy tính từ cán bộ kiểm lâm cấp xã, phường đến Trạm, Hạt kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm, Cục Kiểm lâm, UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT.

Anh Thành, chuyên viên CNTT - chi cục phân tích: "Với những trang thiết bị như hiện nay, chúng tôi có thể nắm chắc tình hình tài nguyên rừng ở mọi thời điểm từ những cán bộ kiểm lâm cơ sở. Việc theo dõi diễn biến rừng và phát hiện những khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại cao, diện tích rừng bị khai thác trái phép, diện tích rừng trồng... được nhanh chóng cập nhật".

Hàng ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều có những số liệu thường xuyên để điều hành, báo cáo chuyên đề quy hoạch rừng. Ông Nguyễn Hiếu Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho biết: "Trước đây khi chưa có dự án, từ năm 1992 đến gần 10 năm sau Bình Định chỉ thực hiện được 2 lần kiểm kê rừng. Do chỉ xác định được ở thời điểm kiểm kê, số liệu không cập nhật thường xuyên nên biến động ở 2 lần kiểm kê thường không chính xác. Theo phương pháp cũ, từ lúc nhập hàng vạn dữ liệu trên vài trăm tiêu chí đến lúc phân tích đối chiếu thông tin do thời gian quá dài, nên phương án giải quyết trở nên lạc hậu. Bởi lẽ rừng và đất lâm nghiệp luôn biến động. Nay việc nhập và phân tích số liệu đã có phần mềm vi tính xử lý, những thay đổi nhỏ nhất về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được cơ sở ghi nhận và gởi về máy chủ tích hợp và chỉ cần một vài thao tác nhỏ trên máy tính là biết được thông tin ngay".

Bên cạnh đó, với mạng máy tính được nối mạng, Chi cục Kiểm lâm cũng là nguồn tiếp nhận và xử lý thông tin từ Hạt kiểm lâm chuyển về, do khai thác từ cơ quan cấp trên như Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh... Vì thế, kết quả báo cáo được nhanh chóng gởi lên trên hoặc phương án xử lý cũng được nhanh chóng chuyển xuống dưới. Nhờ tốc độ cập nhật, xử lý thông tin nhanh, chính xác nên phương án xử lý sát với thực tế và hiệu quả hơn, góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý - bảo vệ rừng.

. Lê Anh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định quyết tâm phấn đấu để xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ   (15/11/2004)
Khi nông dân lên mạng Internet   (14/11/2004)
Ghi chép trên công trường đường ven biển   (12/11/2004)
BISUCO "lo" cho người trồng mía  (12/11/2004)
Có nghề nên nghiệp  (11/11/2004)
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm: Giá bình ổn, nhu cầu tăng  (10/11/2004)
Ván ép bã mía: Một thành công mới của BISUCO  (10/11/2004)
Cây quýt đường trên đất Vân Canh  (09/11/2004)
Vá lưới: Từ nghề "nhỏ", tiến lên… dịch vụ   (10/11/2004)
Để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao   (08/11/2004)
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn: Hướng đi đúng, người dân được lợi   (07/11/2004)
Tản mạn với nhà doanh nghiệp Đoàn Nguyên Đức  (05/11/2004)
Triển vọng ở một trang trại  (04/11/2004)
Chuyện về "vua bò" ở Tây Sơn   (04/11/2004)
Dự án nuôi tôm công nghiệp Cát Hải: Khởi động quá chậm chạp   (03/11/2004)