Năm cây cầu mới và đường tránh vừa được đưa vào sử dụng. Cầu Đà Rằng (Phú Yên), đường tránh và cầu Vĩnh Điện (Quảng Nam), cầu Sông Vệ (Quảng Ngãi), Diêu Trì (Bình Định) và Tam Giang (Phú Yên) không những tạo nên sự hoàn chỉnh của tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A qua khu vực duyên hải miền Trung, mà mỗi cây cầu còn đem lại những đổi thay, góp phần vào sự phát triển vùng đất đã trải qua bao đời nghèo khó...
* Cầu Đà Rằng: động lực của nền kinh tế Phú Yên
Đà Rằng, cây cầu không chỉ là mơ ước của bao người dân mà còn là động lực để thúc đẩy nền kinh tế Phú Yên phát triển. Cầu Đà Rằng nối trung tâm tỉnh lỵ với huyện Tuy Hòa, một vựa lúa của miền Trung. Nơi đây đang được tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng thành một vùng kinh tế trọng điểm với KCN Hòa Hiệp, sân bay Đông Tác, cảng Vũng Rô.
Một khu đô thị mới nằm ở bờ nam sông Ba cũng được qui hoạch và xây dựng trong một thời gian không xa. Cầu Đà Rằng chính là nhịp cầu nối khu đô thị cũ Tuy Hòa với khu đô thị mới. Hàng hóa từ các nhà máy ở KCN An Phú (thị xã Tuy Hòa) sẽ qua cầu Đà Rằng đến cảng Vũng Rô để xuất khẩu đi các nước.
Không chỉ có vậy, cầu Đà Rằng mới còn góp phần làm giảm thiểu lượng xe, nhất là các loại ôtô tải và khách đi trên quốc lộ 1A xuyên qua thị xã Tuy Hòa và như vậy sẽ hạn chế các vụ tai nạn giao thông thường xảy ra trên đoạn đường này. Cầu Đà Rằng mới cùng hai đường dẫn đầu cầu đã tạo thành một tuyến tránh qua thị xã Tuy Hòa. Đây là điều kiện tốt để Phú Yên mở mang quĩ đất đô thị về phía tây.
Nhiều khu dân cư sẽ được hình thành theo trục đường mới mở. Không gian đô thị của thành phố Tuy Hòa trong tương lai sẽ rộng hơn và các khu vực nằm gần cây cầu mới đã có được dáng vẻ thành thị.
* Cầu Diêu Trì: bật "nút cổ chai" mở ra hướng mới
|
Cầu Diêu Trì |
Ngày khánh thành cầu Diêu Trì thật sự là một ngày hội của đồng bào hai bên bờ sông Hà Thanh trên quốc lộ 1A... Vậy là chấm dứt một thời kỳ dài chiếc cầu cũ oằn mình vì quá tải mà tuổi thọ của nó đã quá già nua, chấm dứt 15 tháng lưu thông nhọc nhằn, ách tắc trên chiếc cầu tạm chông chênh lúc nào cũng ngút trong bụi mù và con người, phương tiện cứ nhẫn nại từng mét, từng mét một.
"Cả đời tui nay đã gần đất xa trời mới được tận mắt nhìn thấy cây cầu to như thế này", một cụ già suốt đời gắn liền với con sông Hà Thanh nói. Trước đây cầu cũ chỉ rộng chừng 8m, như không đủ sức để người qua lại, nhất là khi KCN Phú Tài đi vào hoạt động. Phấn khởi nhất là lực lượng công nhân ở bờ bắc sông Hà Thanh ngày ngày xuôi ngược sang làm việc tại KCN Phú Tài.
"Chúng tôi đã thoát khỏi cảnh ngày ngày chen chúc trong dòng xe tải, trong bầu không khí lúc nào cũng ngùn ngụt bụi bặm để đi làm" - một số nữ công nhân làm việc tại KCN Phú Tài phấn khởi nói. Cầu Diêu Trì dài 297m, rộng 27m, tổng giá trị xây lắp 66 tỉ đồng.
Sự ra đời của cây cầu mới - cầu Diêu Trì - đã giải quyết tốt nhu cầu giao thông trước cửa ngõ TP Quy Nhơn. Nối các KCN năng động ở khu vực Phú Tài, Long Mỹ với các KCN khác ở phía bắc sông Hà Thanh trên địa bàn các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và nâng công năng sử dụng các tuyến đường từ quốc lộ 1A về Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu du lịch phía đông Bình Định trải dọc bờ biển Đông đã và đang được đầu tư xây dựng qui mô lớn. "Nút cổ chai" vào TP Quy Nhơn giờ đây đã khai thông, rộng cửa để hòa cùng nhịp độ phát triển chung của khu vực...
* Tuyến tránh Vĩnh Điện - cầu Vĩnh Điện: thêm một vòng tay ôm
Tuyến đường tránh dài 5,5km, mặt đường rộng 12m, trong đó có cầu Vĩnh Điện dài 232m, cùng 32 cầu vượt và cống thoát nước lớn thuộc địa bàn huyện Điện Bàn, Quảng Nam đã đưa vào sử dụng.
Đây là dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và giảm bớt một lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Vĩnh Điện vốn đã quá tải (bình quân khoảng 5.000-6.000 lượt xe/ngày đêm) và cầu Vĩnh Điện (cũ) đã xuống cấp nặng. Đây là tuyến giao thông thuộc cao trình vượt lũ rất quan trọng bởi vào mùa mưa lũ khu vực này thường bị ngập sâu từ 0,5-1m dẫn đến giao thông bị ách tắc.
Ông Đặng Quốc Lâm - giám đốc điều hành dự án tuyến tránh Vĩnh Điện (thuộc Cienco 6) - cho biết: "Ngoài việc rút ngắn khoảng cách gần 4km so với trước đây, tuyến tránh Vĩnh Điện sẽ giúp địa phương qui hoạch và mở rộng lại thị trấn vốn đã già nua và chỉ phát triển dọc theo quốc lộ cũ. Hai tuyến giao thông huyết mạch này sẽ như hai vòng tay bao bọc tạo thêm điều kiện để thị trấn Vĩnh Điện của Điện Bàn phát triển, đi lên...
* Cầu Sông Vệ: sáng lên một vùng quê
Đến mùa mưa lũ, nước sông Vệ dâng cao, chảy xiết, có năm như năm 1986, 1999 mực nước cách thành cầu chỉ còn vài tấc nên chiếc cầu lại oằn mình trong cơn lũ dữ dằn. Năm 1990, 1997, rồi 2000 đều phải tiến hành tu sửa và mỗi đợt tu sửa xe cộ lại ách tắc. Bây giờ chiếc cầu cũ đã hoàn thành sứ mệnh của nó và cách đó không xa là chiếc cầu mới...
Cùng với cầu Trà Khúc, cầu Cây Bứa, cầu Sông Vệ mới được xây dựng, không chỉ đáp ứng đi lại mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung. Ở Quảng Ngãi, tuyến đường Dung Quất - quốc lộ 24b - quốc lộ 1A - quốc lộ 24 (đi qua cầu Sông Vệ) đang thành hình rút ngắn khoảng cách và tạo đà phát triển kết nối với Tây Nguyên.
Quảng Ngãi hiện đang chủ trương xây dựng những cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện đồng bằng, nên cùng với cầu Trà Khúc mới, cầu Cây Bứa, cầu Sông Vệ sẽ làm tốt việc vận chuyển hàng hóa. Các chủ doanh nghiệp đang đầu tư vốn xây dựng các nhà máy ở KCN Dung Quất, Tịnh Phong, Quảng Phú (Quảng Ngãi) và cả miền Trung sẽ không còn e ngại trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ở vùng "đòn gánh" của đất nước lắm sông nhiều suối này.
Trên cầu Sông Vệ mới, chúng tôi ngắm nhìn những chuyến xe trên lộ trình Nam - Bắc nối đuôi nhau. Hai bên lề chiếc cầu, những người dân quê tôi chở phân bón, nông sản, những em học sinh đạp xe thong dong qua cầu... Quả thật Quảng Ngãi và miền Trung đang sáng lên từ những KCN, từ những chiếc cầu...
. Theo Tuổi Trẻ |