Háo Đức: Những mùa mai bội thu
16:48', 19/11/ 2004 (GMT+7)

Hàng năm, khoảng từ giữa tháng 10 (âm lịch) những người trồng mai ở thôn Háo Đức (Nhơn An - An Nhơn) lại tất bật với việc chăm sóc, cắt cành, tỉa nhánh cho những chậu mai chuẩn bị cung ứng cho thị trường hoa Tết. Năm nay, làng hoa vào mùa sớm hơn mọi năm...

Thật ra người dân ở Háo Đức trồng nhiều loại hoa chứ không riêng gì mai. Nhưng từ rất lâu, mai mới là loại hoa làm cho làng trở nên nổi tiếng. Cứ vào cữ cuối năm, mỗi ngày thường xuyên có trên dưới 10 xe tải đến vận chuyển mai và cây kiểng với số lượng lớn tỏa đi khắp các thị trường trong nước.

Bà Phan Thị Phàng Chiểu đang chăm sóc mai

Khác với những năm trước, năm nay người làng mai đã biết cách "làm hàng" sao cho phù hợp với nhu cầu của từng nhóm thương lái khác nhau. Anh Nguyễn Văn Phú - một chủ vườn hiện có 3.000 chậu mai cho biết: "Trước đây, mình chỉ sản xuất thuần một kiểu dáng thế. Khách ưng thì lấy. Mấy năm gần đây, chúng tôi đã tính lại. Cái "gu" của người "đánh hàng" vào trong Nam khác với người lên Tây Nguyên, ra Đà Nẵng, Huế. Ngay cả việc tuốt lá cũng khác, hàng nhắm bán cho trong Nam tuốt lá chậm hơn vì trong ấy trời ấm, nụ hoa nở nhanh. Nhưng nếu ngược ra phía Bắc thì phải tuốt sớm hơn vì ngoài ấy tiết trời còn lạnh. Người Nam thích hoa nhiều bông, sum suê, sung mãn. Người cánh Bắc lại thích điểm xuyết. Đại thể thì vậy nhưng đi vào chi tiết thì mỗi người trồng hoa lại có mỗi cách trồng, chăm sóc khác nhau".

Ở thôn Háo Đức hiện có 280/330 hộ chuyên trồng mai. Trong số này có khoảng 50 hộ trồng với quy mô từ 1.000 chậu trở lên, còn lại từ 100 - 500 chậu.

Nhờ làm ăn đã lâu nên giờ đây, tỷ lệ hàng bán theo kiểu cầu may, chờ khách đã giảm xuống khá nhiều. Người trồng hoa ở Háo Đức đã bắt đầu biết cách giữ liên hệ với khách thường xuyên trong cả năm chứ không phải đến mùa hoa mới táo tác tìm bạn hàng. Bác Đặng Xuân Ngữ - một nghệ nhân cây cảnh cho biết: Sở dĩ tôi dám mạnh dạn đầu tư lớn vào việc phát triển cây mai vì nó có giá trị kinh tế cao, sức tiêu thụ ổn định. Ngay cả khi không bán được hàng thì mình cứ để lại, sang năm sẽ bán. Mà nếu khéo chăm sóc thì càng để lâu mai càng có giá!". Giá trị kinh tế ổn định của cây mai khiến nhiều người ở Háo Đức tăng cường đầu tư nâng cấp vườn hoa của mình. Bà Phan Thị Phàng Chiểu, người có thâm niên trồng hoa kiểng hơn 7 năm cho biết: "Thu nhập bình quân từ cây hoa mai trong vườn của tôi bình quân khoảng 20-30 triệu đồng/năm. Không chỉ mở rộng quy mô, vài năm gần đây tôi còn nâng cấp chất lượng, giá trị của từng chậu hoa để tăng thêm thu nhập".

Ở làng mai Háo Đức gần đây đã xuất hiện xu hướng chỉ bán những lứa mai có giá từ vài ba trăm ngàn đồng mỗi chậu không bán cây non giá dưới tiền trăm. Một cây mai 2-3 tuổi có giá khoảng 100.000 đồng chẳng hạn, chỉ cần khéo chăm chút đỉnh, sang năm sau giá đã cao lên có khi tới 3-4 lần. Một lứa mai đại trà cả ngàn cây như vậy, sau 1-2 năm người trồng sẽ tuyển lại và thải ra bán ngay những cây không có tương lai, không đẹp, số này chiếm chừng một nửa. Khi sang năm thứ 3, sẽ lọc thêm một lần nữa. Giá trị đầu tư chăm sóc cho cây mai đắt tiền không chênh lệch nhiều với cây ít tiền, vì thế những cây xấu sẽ bị bán sớm. Với nguyên tắc này, mỗi năm bà Chiểu cũng như nhiều người khác ở Háo Đức tuyển lại một số chậu có "tương lai" đưa vào diện chăm sóc riêng.

Sở dĩ cây mai ở Háo Đức được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ được với số lượng lớn là vì chất đất ở đây phù hợp với cây mai, người trồng mai đã có công tuyển chọn giống mai Háo Đức hầu hết cho hoa đẹp. Cùng với ưu thế này và nhờ việc chuyển hướng đầu tư nâng cấp chất lượng cây mai, làng mai Háo Đức sẽ gặt được những mùa mai bội thu.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phố đồ gỗ ở Quy Nhơn  (19/11/2004)
Những cây cầu mơ ước của miền Trung   (18/11/2004)
Hệ thống trạm điện thoại thẻ đang dần bị lãng quên  (18/11/2004)
Các HTX Vận tải: Hoạt động ngày càng ổn định và hiệu quả  (17/11/2004)
Nuôi cá lóc trong hồ bạt nylon   (16/11/2004)
Cuộc sống mới ở Đồng Binh - Hà Nhe   (16/11/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng   (15/11/2004)
Bình Định quyết tâm phấn đấu để xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ   (15/11/2004)
Khi nông dân lên mạng Internet   (14/11/2004)
Ghi chép trên công trường đường ven biển   (12/11/2004)
BISUCO "lo" cho người trồng mía  (12/11/2004)
Có nghề nên nghiệp  (11/11/2004)
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm: Giá bình ổn, nhu cầu tăng  (10/11/2004)
Ván ép bã mía: Một thành công mới của BISUCO  (10/11/2004)
Cây quýt đường trên đất Vân Canh  (09/11/2004)