Khi nhà máy là nhà mình
15:15', 21/11/ 2004 (GMT+7)

Trong khi hàng loạt các nhà máy đường ở miền Trung phải dở khóc dở mếu với việc thiếu nguyên liệu thì Nhà máy đường Bình Định khá bình tâm trước sức ép của nhiều loại cây trồng đang tranh "thị phần" với cây mía. Ấy là họ biết cách gắn số phận của người trồng mía với nhà máy đường. Một bộ phận khá đông nông dân Bình Định và một phần của huyện An Khê (Gia Lai) đã xem "nhà máy như nhà mình".

Thu hoạch mía sớm ở An Khê

Có một nghịch lý mà tất cả các nhà quản lý ở nhiều nhà máy đường miền Trung đều thừa biết hậu quả của nó nhưng vẫn cứ làm: Tranh thủ xây mới hoặc mở rộng công suất nhà máy đường nhưng đầu tư cho vùng nguyên liệu thì rất "chiếu lệ". Hậu quả là, hàng loạt các nhà máy đường đã phải trả giá. Vì thiếu nguyên liệu nên các chủ đầu tư, hoặc là chuyển dời đi nơi khác như một phần của Nhà máy đường Quảng Phú (Quảng Ngãi) hoặc chết chìm như Nhà máy đường Quảng Nam. Sau nhiều năm "hứng nước trời" từ một vùng mía sẵn có ở An Khê, thấy được nguy cơ của việc thiếu nguyên liệu, Nhà máy đường Bình Định đã nhanh chóng thoát ra khỏi vết xe đổ của nhiều nhà máy khác.

* Kéo nông dân về với nhà máy

Nằm ở chân đèo An Khê nên Nhà máy đường Bình Định có nhiều thuận lợi cho việc mua nguyên liệu mía. Trong khi các nhà máy đường khác ở miền Trung chờ qua mùa mưa mới vào vụ thì Nhà máy đường Bình Định đã vào vụ sớm hơn do họ có vùng nguyên liệu mía An Khê chín sớm vì bắt đầu mùa khô Tây Nguyên. Khi hết mía An Khê thì cũng là lúc ở Bình Định chuyển sang mùa khô, họ chuyển về mua mía ở "quê nhà". Đặc điểm khí hậu của hai vùng An Khê và Bình Định, tự nó đã "rải vụ" cho nhà máy đường ở đây rồi. Thế nhưng, ba năm qua, sự xuất hiện của Nhà máy đường An Khê (được chuyển từ Quảng Ngãi lên) đã buộc các nhà quản lý của Nhà máy đường Bình Định đứng trước một nguy cơ sẽ tranh giành nguyên liệu. Đã nhiều mùa mía, cả hai nhà máy này đã tranh mua nguyên liệu bằng cách đẩy giá mía lên vô tội vạ, nhưng phần "đẩy lên" ấy đã rơi vào tay đám "cò mía" chứ không phải nông dân. Thực ra, việc tranh mua như thế cũng là chuyện chẳng đặng đừng, vì vậy, Nhà máy đường Bình Định đã tìm lối thoát bằng cách hình thành vùng nguyên liệu mía ngay tại An Khê một cách bền vững. Ba xã phía đông của An Khê trở thành "căn cứ địa" về mía cho Bình Định. Họ đã đổ hàng chục tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho người nông dân tại đây để hình thành trên 3.000 ha chuyên canh cây mía.

Nhà máy đường Bình Định vào vụ ép 2004-2005

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đường Bình Định nói: "Không thể "hứng nước trời" như nhiều năm trước được nữa. Người nông dân có quyền quyết định trồng cây gì có lợi trên đất của họ. Nếu không đổ tiền để họ đầu tư trồng mía, họ sẽ quay lưng lại với nhà máy ngay!". Ở phần "sân nhà", Nhà máy đường Bình Định cũng làm theo cách như ở An Khê. Nghĩa là, nhà máy không "hô hào" suông mà phải móc hầu bao đưa cho nông dân mua phân bón và mía giống. Mỗi năm, họ đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng cho việc "kéo nông dân về với nhà máy" bằng cách như vừa kể.

* Nhà máy là nhà mình

Việc kéo nông dân về với nhà máy bằng cách đưa tiền để họ đầu tư trồng mía, cũng chưa thật sự bền vững. Vì họ chỉ "mắc nợ" sau một vụ mía là cùng. Năm sau, nếu loại cây nào "ngon xơi" hơn, họ lại phá mía! Ông Tuyển phân tích: "Hiện tại, có trên 5 ngàn gia đình trồng mía đăng ký bán cho nhà máy nhưng cũng chưa thật sự "chắc ăn". Phải từng bước biến nhà máy đường thành "nhà" của họ thì mới bền vững. Chúng tôi đã cổ phần hóa nhà máy rồi. Hiện tại, đã bán hơn một tỷ tiền cổ phiếu cho cổ đông là nông dân trồng mía. Nếu trong số 5 ngàn người đăng ký bán mía cho nhà máy mà mua cổ phiếu (2 triệu/ cổ phiếu) khoảng 80% thì sẽ có 8 tỷ tiền cổ phiếu, chiếm 25% vốn điều lệ của công ty. Vậy là thành công". Cũng theo ông Tuyển, công ty đã có chủ trương bán chịu cho nông dân để trả dần trong 5 năm, cổ tức vẫn được chia.

Bên cạnh chuyện bán cổ phiếu cho nông dân, Nhà máy đường Bình Định còn hình thành những đội xe chở mía do chính nông dân bỏ tiền ra mua. Cái lợi của cách làm này là người bán mía không còn cảnh bị "ăn chặn" của tài xế như những năm trước. Xe của chính người trồng mía thì biết "ăn" vào ai đây? Để phòng ngừa tình trạng "mạnh ai nấy mua xe", dẫn đến tình trạng thừa xe thiếu mía, nhà máy đã có chủ trương khống chế trong khoảng 80 đầu xe. "Cách làm này, người đầu tư mua xe sẽ khấu hao nhanh, hiệu quả tăng lên" - ông Tuyển nói.

Mía do nhà máy đầu tư, xe thì của mình, nhà máy ấy mình cũng "có phần", người nông dân chắc sẽ khó mà bỏ cây mía. Thực ra cách làm này không phải mới mẻ gì, song không hề cũ đối với các nhà máy đường miền Trung hiện nay.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Háo Đức: Những mùa mai bội thu   (19/11/2004)
Phố đồ gỗ ở Quy Nhơn  (19/11/2004)
Những cây cầu mơ ước của miền Trung   (18/11/2004)
Hệ thống trạm điện thoại thẻ đang dần bị lãng quên  (18/11/2004)
Các HTX Vận tải: Hoạt động ngày càng ổn định và hiệu quả  (17/11/2004)
Nuôi cá lóc trong hồ bạt nylon   (16/11/2004)
Cuộc sống mới ở Đồng Binh - Hà Nhe   (16/11/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng   (15/11/2004)
Bình Định quyết tâm phấn đấu để xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ   (15/11/2004)
Khi nông dân lên mạng Internet   (14/11/2004)
Ghi chép trên công trường đường ven biển   (12/11/2004)
BISUCO "lo" cho người trồng mía  (12/11/2004)
Có nghề nên nghiệp  (11/11/2004)
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm: Giá bình ổn, nhu cầu tăng  (10/11/2004)
Ván ép bã mía: Một thành công mới của BISUCO  (10/11/2004)