Kết quả triển khai thực hiện Dự án khí sinh học: Đầu đã xuôi...
9:22', 23/11/ 2004 (GMT+7)

Dự án khí sinh học (Dự án KSH) do Chính phủ Hà Lan tài trợ nhằm giúp cho người dân Việt Nam nâng cao hiểu biết về các kỹ năng xử lý và sử dụng các loại chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiện ích trong sinh hoạt và đời sống được triển khai ở nước ta từ năm 2002. Ở Bình Định, Dự án này được triển khai từ đầu năm 2004 và đã gặt hái được những kết quả đầu tiên rất đáng mừng.

Một gia đình ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) sử dụng bếp gas từ nguồn khí sinh học

Do trước đó ở Bình Định đã có nhiều mô hình ứng dụng KSH không phát huy tác dụng, phải dỡ bỏ nên với Dự án này, ban đầu, người dân cũng nghi ngờ khả năng thành công. Ông Nguyễn Đình Thái, chuyên viên Ban quản lý dự án KSH (Sở NN-PTNT) cho biết: "Đầu tư khoảng 3 triệu đồng (trong đó người sử dụng công trình đối ứng khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng) để có một công trình KSH hoàn chỉnh là không nhiều. Cái khó là công trình có phát huy tác dụng tốt hay không. Phải tạo ra KSH để đun nấu trong sinh hoạt, chăn nuôi, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường do chất thải; bã thải phải làm phân bón được cho cây trồng, làm thức ăn chăn nuôi được thì bà con mới tin…".

* Toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố tham gia Dự án KSH với tổng số 570 công trình. Thực tế, tính đến ngày 15-11-2004, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tới 605 công trình, đạt trên 106% kế hoạch, trong đó, TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân đạt 100% kế hoạch; huyện Phù Cát  20/15 công trình (đạt 133,3% kế hoạch), huyện Phù Mỹ 86/60 (đạt 113,3% kế hoạch), huyện Hoài Nhơn 94/90 (đạt 104,4% kế hoạch), huyện Tây Sơn 95/90 (đạt 105,5% kế hoạch), huyện Vĩnh Thạnh 46/40 (đạt 115% kế hoạch), huyện An Nhơn 137/130 (đạt 105,3% kế hoạch).

* Ban quản lý dự án KSH đã đào tạo được 30 thợ xây dựng công trình, đồng thời tổ chức hội thảo, tuyên truyền tác dụng của việc ứng dụng công trình KSH cho 400 người tham gia; cấp phát 1.700 tập sách giới thiệu về tác dụng của việc ứng dụng công trình KSH; hướng dẫn cho 1.000 người sử dụng bã thải KSH trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi.

Nhờ rút kinh nghiệm từ nhiều công trình đã triển khai trước đó, ở Dự án này, Văn phòng dự án KSH của Trung ương đã đưa ra mẫu thiết kế công trình KSH có nhiều điểm ưu việt. Về kết cấu, công trình được xây chìm toàn bộ dưới lòng đất, nên không chiếm diện tích mặt bằng. Thân và nắp bể KSH được xây theo kết cấu hình cầu, trong quá trình hoạt động hiệu suất phân hủy chất thải rất cao và triệt để, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, hiệu suất sinh khí cao.

Từ kết quả của mô hình trình diễn, nhiều hộ tham gia mô hình đã thấy được hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng công trình KSH, kết hợp với công tác thông tin tuyên truyền, vận động của cán bộ dự án, của chính quyền địa phương các cấp, nên các hộ đăng ký tham gia đã thực hiện và hoàn thành xây dựng công trình theo đúng kế hoạch tiến độ đề ra. Nhiều hộ dân cư ở TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Nhơn, An Nhơn đã mạnh dạn tự bỏ vốn ra xây dựng công trình theo thiết kế mẫu của Văn phòng Ban quản lý dự án KSH Trung ương mà không cần khoản hỗ trợ. Ông Đặng Huy Hùng - chủ hộ chăn nuôi heo ở phường Lê Lợi - Quy Nhơn cho biết: Do mặt bằng chật hẹp nên việc nuôi heo ở nhà tôi đã gây ô nhiễm nặng cho gia đình và hàng xóm xung quanh, đã nhiều lần bị cơ quan vệ sinh môi trường đến lập biên bản phạt và đề nghị có hướng khắc phục. Sau khi xây dựng bể KSH, qua 3 tháng sử dụng, đã giảm thiểu được tình trạng mùi hôi thối do phân heo thải ra, giảm thiểu ô nhiễm bụi, môi trường thông thoáng hơn so với tình trạng trước đây".

Dự kiến sang năm 2005, Ban Quản lý dự án KSH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 430 công trình bể KSH ở các địa phương và đẩy mạnh việc khuyến cáo, phổ biến nhân rộng kết quả mô hình trên phạm vi toàn tỉnh để mọi người cùng thực hiện.             

. Lê Văn Thi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cá giống Ba Luyện   (22/11/2004)
Thị trường nhà đất ở An Nhơn đang "nóng" lên   (22/11/2004)
Khi nhà máy là nhà mình  (21/11/2004)
Háo Đức: Những mùa mai bội thu   (19/11/2004)
Phố đồ gỗ ở Quy Nhơn  (19/11/2004)
Những cây cầu mơ ước của miền Trung   (18/11/2004)
Hệ thống trạm điện thoại thẻ đang dần bị lãng quên  (18/11/2004)
Các HTX Vận tải: Hoạt động ngày càng ổn định và hiệu quả  (17/11/2004)
Nuôi cá lóc trong hồ bạt nylon   (16/11/2004)
Cuộc sống mới ở Đồng Binh - Hà Nhe   (16/11/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng   (15/11/2004)
Bình Định quyết tâm phấn đấu để xứng đáng là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ   (15/11/2004)
Khi nông dân lên mạng Internet   (14/11/2004)
Ghi chép trên công trường đường ven biển   (12/11/2004)
BISUCO "lo" cho người trồng mía  (12/11/2004)