Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia
12:8', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Tính đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã từng bước thực hiện công tác chấn chỉnh và chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn. Bên cạnh các chi nhánh điện trực thuộc Điện lực tỉnh, nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế cũng đã tham gia kinh doanh điện.

Lắp đặt, thay thế, nâng cấp hệ thống truyền tải điện

Trong quá trình chuyển đổi, bên cạnh nhiều HTXNN đã chấn chỉnh hoạt động quản lý, kinh doanh điện, còn có một số HTX chuyên doanh điện được thành lập, và một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng tham gia dịch vụ này. Xí nghiệp chuyên doanh điện (XNCDĐ) là một hình thức hoàn toàn mới do các công ty cổ phần hoặc các doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN nhà nước đầu tư vốn mua lại những hệ thống điện đã xuống cấp mà khi chuyển đổi mô hình quản lý, các HTX không đủ năng lực và kinh phí để duy trì. Hay nói cách khác, doanh nghiệp sẽ hoàn trả những khoản chi phí người dân đã bỏ ra để xây dựng hệ thống điện trước kia. Vì vậy, muốn đầu tư có hiệu quả cần phải có một khoản vốn lớn để sửa chữa lại hệ thống điện, đường dây, trụ điện, trạm biến áp đã xuống cấp và xây dựng những trạm biến áp mới… Trong số 4 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh điện lực, XNCDĐ thuộc Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn (CTCPTSHN) đã mua lại và quản lý hệ thống điện ở 2 xã Hoài Hảo, Hoài Sơn (Hoài Nhơn) và đi vào hoạt động từ đầu năm 2004. Qua hơn 10 tháng hoạt động, để tạo niềm tin cho người sử dụng điện và kinh doanh điện có hiệu quả, Xí nghiệp đã sửa chữa, nâng cấp 3 trạm biến áp thuộc xã Hoài Hảo và xây dựng hai trạm biến áp mới thuộc xã Hoài Sơn. Ngoài ra, Xí nghiệp đã hỗ trợ cho người dân trên địa bàn thay thế những công-tơ điện đã cũ, quá hạn sử dụng, và đưa công-tơ ra ngoài để tránh thất thoát điện. Với những hộ "móc" thẳng ở đường dây 0,4KV được tính giá điện là 650đ/KWh; còn những hộ ở xa đường dây 0,4KV, xí nghiệp thành lập các tổ quản lý, giá bán điện là 500đ/KWh. Ông Vũ Văn Việt - Giám đốc XNCDĐ: "Sau khi nâng cấp lưới điện, tình trạng thất thoát, tiêu hao điện đã giảm đáng kể, xã Hoài Hảo giảm thất thoát điện còn 15% (trước 25%); Hoài Sơn giảm còn 20% (trước 35%), khắc phục được tình trạng điện áp thấp hoặc thường xuyên mất điện".

Tính đến cuối tháng 10 - 2004 toàn tỉnh đã có 144 tổ chức, đơn vị được cấp phép hoạt động điện lực. Trong đó có: 4 đơn vị tư vấn thiết kế; 38 HTX chuyên doanh điện; 98 HTXNN bổ sung ngành nghề kinh doanh điện; 4 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh điện.

Với các HTX chuyên doanh điện, nhìn chung, khi tiếp quản, thay vì hoàn trả tiền xây dựng hệ thống lưới điện lại cho dân, HTX đã sử dụng số tiền đó như là sự góp vốn. Mỗi người dân tham gia là một xã viên có đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn điện. HTX chịu chi phí sửa chữa những đường dây, trụ điện đã xuống cấp, hoặc làm mới những trụ điện đã hư hỏng… Về tổ chức quản lý, một số HTX vẫn giữ nguyên Ban quản lý (BQL) điện thuộc UBND xã đã có từ trước, sắp xếp lại chức danh, từng người quản lý từng trạm theo phương thức khoán thẳng. Chẳng hạn như, ở HTX điện Tam Quan Bắc, có 11 người quản lý 8 trạm điện trong toàn xã, bình quân mỗi người quản lý 365 hộ sử dụng điện. Ông Bùi Duy Cảo - Trưởng ban kiểm soát HTX điện Tam Quan Bắc - cho biết: "Hiện nay, HTX bán điện với giá 610đ/KWh, thấp hơn giá quy định (672đ/KWh) và thấp hơn nhiều so với giá người dân phải chịu trước kia. Nhưng điều khó khăn lớn nhất của các HTX chuyên doanh điện là nguồn vốn hạn chế. Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán điện cho phù hợp, tạo được nguồn vốn tích lũy để không phải huy động nguồn vốn của dân vẫn đang là một bài toán khó cho các HTX điện".

Việc chuyển đổi mô hình quản lý điện ở nông thôn không những góp phần nâng cấp mạng lưới điện, giảm dần tình trạng tổn thất, tiêu hao điện mà còn khuyến khích người dân tham gia vào công tác quản lý điện. Xã hội hóa công tác quản lý điện với nhiều mô hình kinh doanh, phục vụ, sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh màø lợi ích của người dân là thước đo sự thành công của các đơn vị, tổ chức kinh tế tham gia công tác này.

. Mai Hồng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Biến đồi hoang thành rừng kinh tế   (25/11/2004)
EURABIZ muốn được hợp tác với các doanh nghiệp ở Bình Định  (25/11/2004)
Làm giàu trên vùng đất khó  (24/11/2004)
Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ: Doanh nghiệp và nông dân đã hiểu nhau hơn   (24/11/2004)
Cuộc sống mới ở Kim Đông   (23/11/2004)
Kết quả triển khai thực hiện Dự án khí sinh học: Đầu đã xuôi...   (23/11/2004)
Cá giống Ba Luyện   (22/11/2004)
Thị trường nhà đất ở An Nhơn đang "nóng" lên   (22/11/2004)
Khi nhà máy là nhà mình  (21/11/2004)
Háo Đức: Những mùa mai bội thu   (19/11/2004)
Phố đồ gỗ ở Quy Nhơn  (19/11/2004)
Những cây cầu mơ ước của miền Trung   (18/11/2004)
Hệ thống trạm điện thoại thẻ đang dần bị lãng quên  (18/11/2004)
Các HTX Vận tải: Hoạt động ngày càng ổn định và hiệu quả  (17/11/2004)
Nuôi cá lóc trong hồ bạt nylon   (16/11/2004)