Trong các loại cây trồng cạn ở Phước Hiệp (Tuy Phước), hoa huệ là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ gia đình trồng khoảng 70 ha hoa huệ. Nhờ trồng hoa huệ, nhiều nông hộ trong xã đã thoát được nghèo, có của ăn của để.
|
Một hộ trồng hoa huệ ở Phước Hiệp |
Cây hoa huệ ở Phước Hiệp được du nhập từ xã Phước Sơn vào những năm 1992. Những năm đầu, số hộ trồng hoa huệ không nhiều nhưng có thu nhập khá, nên nhiều hộ gia đình đã học tập làm theo, từ đó diện tích hoa huệ ở Phước Hiệp không ngừng phát triển. Hiện cây hoa huệ đã có mặt ở hầu hết các thôn trong xã, nhiều hộ gia đình đã xem cây hoa huệ là cây trồng xóa đói giảm nghèo. Anh Huỳnh Văn Hùng ở thôn Luật Chánh tâm sự: "Thấy người ta trồng huệ có thu nhập khá, tôi học tập làm theo, lúc đầu trồng chừng 5-6 sào. Còn 2 năm nay (2003-2004), do nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc, tôi trồng 13 sào hoa huệ, toàn đất thuê. Vừa rồi tôi cùng 4 người trong xóm rủ nhau vào xã Phước Lộc thuê đất để trồng huệ. Tuy phải trả tiền thuê đất 300.000 đồng/sào/năm nhưng thu nhập rất khá, sau khi trừ chi phí, 1 mẫu hoa huệ ít nhất cũng cho lãi 20 triệu đồng". Còn ông Lê Xuân Tàu, ở thôn Giang Bắc, cũng là người trồng hoa huệ, cho biết: "Tôi có 4 sào đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm tôi dành 2 sào để sản xuất lúa, 2 sào còn lại trồng hoa huệ. Bình quân mỗi vụ, tôi thu nhập hơn 2 triệu đồng từ tiền bán hoa huệ".
Theo các hộ trồng hoa ở đây, muốn trồng hoa huệ có hiệu quả thì phải thường xuyên thay đổi đất trồng: 1 vụ trồng hoa, vụ khác trồng màu, hoặc lúa. Trong khoảng thời gian cây cho bông, thường xuyên túc trực trên đồng ruộng để theo dõi tình hình sâu bệnh, nếu phát hiện cây có triệu chứng bị sâu bệnh thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời. Bên cạnh đó, để cây hoa huệ cho bông to và đẹp, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều hộ gia đình đã cất công tìm đến các hộ trồng hoa huệ ở Lâm Đồng để mua giống cây và học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa.
Hiện nay, bên cạnh cây huệ trắng, ở Phước Hiệp còn có huệ hương. Loại hoa này có ưu điểm là bông đẹp, lâu tàn, mùi thơm bền, nên hấp dẫn người tiêu dùng. Nhờ vậy, cây hoa huệ ở Phước Hiệp luôn được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Riêng ở khu chợ Tình Giang (Phước Hiệp), bình quân mỗi ngày tiêu thụ hàng chục thiên huệ (1 thiên = 1.000 cành). Vài năm gần đây, một số đại lý đã tìm đến các hộ gia đình trồng hoa huệ ở Phước Hiệp đặt mua hoa để đưa đi tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên…
Trước hiệu quả của việc trồng hoa huệ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trình diễn lúa -hoa huệ (vụ đông xuân sản xuất lúa, vụ hè thu và vụ 3 trồng hoa huệ) với diện tích 1ha tại HTXNN 3, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Kết quả, mô hình đạt 110 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lãi 64 triệu đồng/ha. Mô hình đã tạo điều kiện cho nông dân Phước Hiệp được "mắt thấy tai nghe" về hiệu quả kinh tế của phương pháp sản xuất luân canh 2 loại cây trồng để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn.
Nói về hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ, ông Huỳnh Bá Đông, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, khẳng định: "Cây hoa huệ hiện là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất ở địa phương. Nhiều nông dân đã cải tạo đất vườn, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa huệ và có nhiều hộ gia đình đã thoát được đói nghèo. Cây hoa huệ đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
. Phạm Tiến Sỹ |