Làng O5 thuộc xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) có 91 hộ dân với 394 nhân khẩu, trong đó có 90 hộ là người Bana và duy nhất một hộ là người Kinh. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực vượt khó của từng người dân, đời sống kinh tế - xã hội của làng O5 đã đổi thay một cách nhanh chóng.
|
Cầu treo bắc qua làng O5 (ảnh: Văn Lưu) |
Đến với làng O5 hôm nay, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là chiếc cầu treo bắc qua sông Kôn dài 75 m, tải trọng 5 tấn được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2002. Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân sống bên cầu cho biết: "Cách đây 2 năm, vào mùa mưa như thế này, các anh chỉ biết đứng bên đây mà nhìn sang chứ không tài nào qua được." Có thể nói, chiếc cầu treo bắc qua sông là ước mơ của của đồng bào nơi đây. Từ khi có cầu treo, không những việc giao thông được thuận lợi mà việc buôn bán, giao thương ở O5 cũng phát triển nhanh chóng, nhờ đó nhiều hộ đã giàu lên, xây nhà, mua sắm xe máy, ti vi...
Gặp tôi, ông Đinh Tát, Trưởng làng O5, nói như khoe: "Bây giờ làng đã có 40 nhà ngói, 10 chiếc xe máy, 30 hộ có ti vi, hơn 70 hộ có radio, không còn hộ đói, không còn trẻ em bỏ học... Tất cả điều đó đều nhờ đường sá thuận lợi, sản phẩm của đồng bào làm ra được tiêu thụ nhanh hơn, giá lại không bị ép".
Dẫn tôi đi thăm làng, vừa đi ông trưởng làng vừa chỉ những ngôi nhà ngói mới xây. Dừng chân tại nhà Bá Thêm, ngôi nhà cũng vừa hoàn thành trong tháng 11 này, ông Đinh Tát giới thiệu: "Bá Thêm mới 35 tuổi nhưng giỏi hung, là một trong những người trẻ tuổi của O5 mình xây được nhà mới." Còn Bá Thêm thì có vẻ ngượng nghịu: "Ngôi nhà này là nhờ trời cho mình trúng mấy mùa bắp liên tiếp. Chỉ riêng vụ thu hoạch vừa rồi, với 10 sào bắp mình thu 6 tấn, bán được gần 8 triệu đồng". Rồi Bá Thêm quay sang chỉ chiếc xe máy Trung Quốc cũng vừa mới mua, hỏi như đố: "Cán bộ biết cái xe này mua được từ đâu không?". Tôi liền đáp: "Từ bắp!". Bá Thêm xua tay: "Cán bộ đoán sai rồi, từ cái điều đấy". Hóa ra, ngoài 10 sào bắp, trong 5 năm trở lại đây, Bá Thêm còn trồng thêm 8 sào điều và đã thu hoạch không ít từ vườn điều này.
|
Một góc làng O5 (ảnh: Văn Lưu) |
Và không chỉ Bá Thêm, giờ đây, hầu hết người dân trong làng O5 đã biết tự tìm mua các giống mới cao sản để gieo trồng. Nhờ biết thay đổi tập quán sản xuất nên năng suất cây trồng vật nuôi ngày càng được nâng lên, đời sống của đa số bà con đã được ổn định và khá lên. Nhiều hộ như Bok Phối, Thị Hóa, Bok Hú, Bok Đinh... không những xây được nhà mới mà còn sắm sửa nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà. Tất cả đều từ cây bắp, điều, đậu…
Ông Nguyễn Cường, hộ người Kinh duy nhất sống và làm ăn ở làng O5 cho hay: "Tôi đã đi và đến nhiều làng đồng bào dân tộc, nhưng tôi thật sự kính phục đồng bào dân tộc ở làng O5 này, họ cần cù và chịu khó làm ăn lắm. Họ không những làm giàu cho gia đình họ mà còn động viên giúp đỡ các gia đình khác giàu lên".
Khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của người dân O5 cũng theo đó ngày càng được nâng cao. Từ khi nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn xây dựng tại vùng này, người dân trong làng được hưởng lợi rất nhiều về điện, đường… (đường đến làng O5 được nhà máy thảm bê tông). Hiện nay các hộ dân trong làng xem được các kênh của Đài truyền hình Việt Nam (chưa bắt được sóng truyền hình Bình Định) là nhờ "bắt ké" từ chảo ăng ten của nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn.
Có được những kết quả nêu trên, ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, là sự nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu của người dân làng O5. Nhưng như vậy không phải là O5 đã hết khó khăn bởi có những việc đã vượt quá khả năng của làng, cần phải có sự đầu tư của Nhà nước. Chẳng hạn, theo trưởng làng Đinh Tát, nguyện vọng bức xúc nhất hiện nay của dân làng O5 là Nhà nước quan tâm sớm đắp cho cái đập để bà con không bị thiếu nước trong sản xuất và cho kinh phí để làng xây dựng lại nhà rông vì nhà rông cũ đã hư hỏng nặng.
. Nguyễn Phúc |