Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!
9:26', 30/11/ 2004 (GMT+7)

Bình Định hiện có 3 nhà máy sản xuất dăm gỗ nguyên liệu giấy đang hoạt động (hàng năm nhu cầu nguyên liệu để đáp ứng cho sản xuất khoảng 100.000 tấn) và nhiều cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu. Do đó, xây dựng vùng nguyên liệu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc trồng rừng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất và nguồn vốn...

Công nhân Lâm trường Sông Kôn chăm sóc cây giống chuẩn bị cho vụ trồng rừng 2004

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Lâm trường Sông Kôn, cho biết: "Năm nay, đơn vị có kế hoạch trồng mới 500 ha rừng nguyên liệu, nhưng tìm được đất để trồng rất khó khăn. Trên địa bàn Vĩnh Thạnh không còn đất trồng rừng. Phần lớn diện tích đất ở đây đã dành cho công tác tái định cư lòng hồ Định Bình và trồng rừng phòng hộ. Vì vậy, chúng tôi phải thương lượng với Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn để "xin nhường" cho lâm trường 200 ha đất để trồng". Bên cạnh đó, hầu hết những diện tích đất được quy hoạch trồng rừng nguyên liệu cũng không được thuận lợi, phân bổ ở những vùng đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Để có đất trồng 300 ha rừng nguyên liệu, Công ty Nguyên liệu giấy Quy Nhơn đã phải kiên trì "đàm phán" với chính quyền xã miền núi Đak Mang (Hoài Ân) mở một tuyến đường tắt vào khu vực trồng rừng nhưng vẫn không có kết quả. Vì lý do ngăn chặn lâm tặc, UBND xã Đak Mang yêu cầu đơn vị phải mở đường vòng, băng qua các sườn núi; thay vì 4km như dự tính, tuyến đường này phải kéo dài gần 20km. Do đó, chi phí cho việc trồng rừng tăng lên khá cao. Ông Hồ Văn Bình, Giám đốc Lâm trường Quy Nhơn, cho biết: "Càng ngày, việc tìm quỹ đất cho trồng rừng sản xuất càng khó khăn. Để trồng được 200 ha rừng ở xã Canh Hiển (Vân Canh), lâm trường đã phải đầu tư kinh phí khá lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng đến khu vực trồng rừng, sau đó thuê lao động xử lý đá sỏi trên bề mặt khu vực quy hoạch mới có thể trồng rừng được".

Vụ trồng rừng năm nay, Bình Định có kế hoạch trồng mới 6.020 ha rừng. Tuy nhiên, dù vụ trồng rừng đã sắp kết thúc, nhưng công tác trồng rừng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng 2.753 ha rừng nguyên liệu nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 1.981 ha (đạt 72%). Lâm trường Sông Kôn chỉ trồng được 200ha trong số 500ha được giao; Lâm trường Hà Thanh - 100/200 ha; PISICO 75/100 ha; Công ty Nguyên liệu giấy Quy Nhơn 327/500ha...

Mới đây, để xác định lại vùng nguyên liệu quy hoạch đến năm 2010, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT, Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương thống kê lại toàn bộ quỹ đất thực tế, đối chiếu với bản đồ địa hình. Kết quả thống kê được hơn 71.400 ha. Trong đó diện tích đã có rừng 15.000 ha; đã trồng rừng nhưng kém hiệu quả 12.800 ha; đất nương rẫy 18.000 ha; đất trống 25.600 ha. Tuy nhiên số diện tích này đều đã có "địa chỉ": 24.400 ha quy hoạch cho dự án Ngân hàng Thế giới hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững; 12.000 ha dự án trồng rừng do Ngân hàng tái thiết Đức hỗ trợ kinh phí; 10.000 ha dành cho Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn; 10.000 ha của Công ty Nguyên liệu giấy Quy Nhơn... Do đó, thực tế đất trống chưa có chủ chỉ còn lại khoảng 15.000 ha, nhưng phần lớn diện tích này nằm ở những địa hình rất hiểm trở, muốn thực hiện trồng rừng đòi hỏi mức đầu tư khá lớn.

Bên cạnh khó khăn trong việc tìm quỹ đất, các đơn vị trồng rừng còn vấp phải một trở ngại khác là nguồn vốn. Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết thêm: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trồng rừng trong tỉnh đang rất thiếu thốn nguồn vốn đầu tư, phải đi vay ở các ngân hàng thương mại, nhưng mức lãi suất hiện nay là khá cao (1,15%/tháng). Trong khi đó, việc đầu tư cho trồng rừng phải đòi hỏi thời gian khá dài từ 5-7 năm nên doanh nghiệp rất e ngại. Ngoài ra, thủ tục để được vay vốn cũng còn khá phức tạp. Để được vay vốn, các doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nhưng hiện nay một số đơn vị trồng rừng chưa được cấp quyền sử dụng đất…

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng O5 hôm nay  (29/11/2004)
Huy động vốn ở các ngân hàng thương mại: Nở rộ khuyến mãi!   (29/11/2004)
Hoa huệ - cây xóa đói giảm nghèo ở Phước Hiệp  (28/11/2004)
Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia  (26/11/2004)
Biến đồi hoang thành rừng kinh tế   (25/11/2004)
EURABIZ muốn được hợp tác với các doanh nghiệp ở Bình Định  (25/11/2004)
Làm giàu trên vùng đất khó  (24/11/2004)
Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ: Doanh nghiệp và nông dân đã hiểu nhau hơn   (24/11/2004)
Cuộc sống mới ở Kim Đông   (23/11/2004)
Kết quả triển khai thực hiện Dự án khí sinh học: Đầu đã xuôi...   (23/11/2004)
Cá giống Ba Luyện   (22/11/2004)
Thị trường nhà đất ở An Nhơn đang "nóng" lên   (22/11/2004)
Khi nhà máy là nhà mình  (21/11/2004)
Háo Đức: Những mùa mai bội thu   (19/11/2004)
Phố đồ gỗ ở Quy Nhơn  (19/11/2004)