Huyện Phù Cát có hơn 120 ha mặt nước nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có khoảng 80 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh tôm nuôi liên tục xảy ra làm cho người nuôi tôm luôn bị thua lỗ, nợ nần chồng chất.
|
Kiểm tra tôm nuôi |
Một trong những nguyên nhân chủ yếu được xác định là do việc nuôi tôm dưới hình thức tự phát, mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Góp phần giải quyết thực trạng này, năm 2004, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã triển khai có hiệu quả mô hình nuôi tôm cộng đồng ở đây.
Tổ nuôi tôm Hoàng Thắng ở thôn Đức Phổ, xã Cát Minh được thành lập với 5 thành viên tham gia mô hình trên diện tích 5,5 ha ao nuôi liền vùng. Nhóm thành lập trên tinh thần tự nguyện, với mục đích hợp tác giúp đỡ nhau về kinh tế và kinh nghiệm nuôi trồng, cùng nhau bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Được sự hỗ trợ về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư, quy trình nuôi được thực hiện dưới hình thức 1 vụ tôm/năm, thời gian còn lại luân canh các loại thủy sản khác.
Ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa được tiến hành cải tạo, diệt tạp khuẩn đồng loạt… Nguồn tôm giống được kiểm dịch kỹ; mật độ thả nuôi 17 con/m2. Quá trình chăm sóc luôn theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến ngư hướng dẫn, tôm phát triển đều, không xảy ra dịch bệnh. Sau 4 tháng thì thu hoạch, năng suất đạt khá, với giá bán bình quân 60.000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn thực lãi hơn 28,5 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch tôm, các ao đìa được đưa vào nuôi cá chua. Kết quả thu hoạch cá đạt năng suất gần 5 tạ/ha, với giá bán 35.000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn thực lãi 10 triệu đồng/ha. Như vậy, mô hình này cho lãi trên 38 triệu đồng/ha/năm.
Điều đáng ghi nhận là việc nuôi tôm cộng đồng đã tạo cho người nuôi tôm ý thức được trách nhiệm chung trong việc gìn giữ môi trường, bảo vệ sản xuất. Mặt khác, việc nuôi luân canh các loại thủy sản không chỉ nhằm tăng thêm thu nhập mà còn ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, bởi nó đã góp phần cải tạo ao đìa bằng cách tận dụng nguồn chất thải của tôm làm thức ăn cho cá. Anh Lê Đức Tân, ở thôn Đức Phổ 1, người tham gia mô hình, cho biết: "Trước đây nuôi theo hình thức cá thể, mạnh ai nấy làm, nên tôm rất dễ sinh ra dịch bệnh. Từ khi thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng, chúng tôi có sự trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc giải quyết những vấn đề vướng mắc. Việc xử lý nước đồng loạt, theo con lạch chung, tránh tình trạng nước thải từ ao này sang ao kia đã hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. So với trước đây, chúng tôi chưa bao giờ có được thắng lợi như vụ nuôi năm nay".
Đánh giá kết quả của mô hình, ông Hồ Phước Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư cho biết: "Kết quả lớn nhất của mô hình là đã tạo cho bà con có ý thức cùng chung quản lý cộng đồng để giảm thiểu dịch bệnh. Đây là mô hình đầu tiên ở Phù Cát đã đem lại hiệu quả khả quan, trừ những hộ bị thiệt hại do thiên tai, còn lại các hộ đều đã đạt lợi nhuận khá cao. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng với quy mô nhiều hộ cùng tham gia vào nhóm cộng đồng, để đi đến cả vùng nuôi thành một nhóm cộng đồng".
. Hoài Trung |