Trồng cói, dệt chiếu là nghề truyền thống của xã Phước Thắng (Tuy Phước), một vùng quê thuần nông. Việc phát triển nghề dệt chiếu hiện được xem là nghề xóa đói, giảm nghèo ở đây.
|
Chiếu Phước Thắng được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi |
Xã Phước Thắng có cánh đồng cói Sát Hoang rộng 23 ha, nằm giữa 2 thôn An Lợi và Lạc Điền chuyên dành để trồng cói. Để tạo vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, năm 2001 xã Phước Thắng đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, làm 2 cống ngăn nước An Cử và Mẫu Sáu nhằm chống úng. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo đồng ruộng mua giống cói mới về trồng, chăm sóc bón phân theo hướng thâm canh, nên năng suất cói tăng cao hơn trước. Riêng năm 2004 đã thu 108 tấn cói khô, đủ nguyên liệu sản xuất 36.000 đôi chiếu/năm, doanh thu trên 1,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tờ, Trưởng thôn An Lợi, cho biết: "Những năm trước, nguyên liệu thiếu nên bà con phải ra tận Quảng Ngãi, hay vào Long An mua cói, giá thành sản phẩm tăng cao, dệt ra đôi chiếu lãi ít lắm. Còn bây giờ, nguyên liệu tại chỗ đã đủ cho sản xuất, cứ 2 lao động dệt được 2,5 đôi chiếu/ngày, trừ chi phí, cho thu nhập 15.000 đồng/người/ngày". Thôn An Lợi có trên 90% hộ gia đình làm nghề dệt chiếu. Nghề này đã giúp cả thôn không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 5%, nhiều hộ đã vươn lên khá giả. Xóm Sở Trung có 14 hộ thì cả 14 hộ làm nghề chiếu, xây được nhà ngói và sắm xe máy làm phương tiện đi lại, chuyên chở chiếu, cói. Ông Bùi Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho biết: "Hiện toàn xã có 341 hộ làm nghề, tập trung nhiều ở 2 thôn An Lợi và Lạc Điền, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia". Theo nhiều bà con làm nghề dệt chiếu, cái được của nghề này rảnh lúc nào làm lúc đó, trẻ con, người già đều làm được, chiếu dệt xong cứ đến phiên 5 ngày là chở vào chợ Gò Bồi, có thương lái đón mua hết, hiện nay đầu ra khá dễ dàng.
Nếu so sánh việc trồng cói với trồng lúa, thì trồng cói cho thu nhập gấp 3 lần, chi phí đầu tư thấp, trồng 1 lần thu hoạch tới 7 năm. Bà con nông dân trong xã bây giờ nhiều người muốn trồng cói, nhưng hiện vấp phải khó khăn là vùng nguyên liệu chưa có quy hoạch cụ thể.
. Xuân Thức |