Sản xuất vụ đông xuân ở Vĩnh Thạnh:
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết
11:32', 3/12/ 2004 (GMT+7)

Ở các vụ đông xuân (ĐX) trước, mỗi năm huyện Vĩnh Thạnh thực hiện gần 2.000ha gieo trồng, trong đó có 737ha lúa. Nhưng năm nay, do lượng mưa thấp, các hồ chứa tích nước chưa đạt yêu cầu phục vụ sản xuất... huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động triển khai vụ ĐX 2004-2005 với sự thay đổi mạnh trong cơ cấu cây trồng, nhằm khai thác hợp lý nguồn nước tưới, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Nông dân xã Vĩnh Thịnh làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ ĐX

Hồ Hòn Lập là công trình thủy lợi lớn nhất huyện Vĩnh Thạnh với dung tích thiết kế đủ tưới cho 196ha của vùng trọng điểm lúa Vĩnh Thịnh. Hiện tại, lượng nước trong hồ chỉ đủ tưới tiết kiệm cho 134ha ở gần hệ thống kênh cấp 1. Như vậy, chỉ tính riêng tại vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm này đã phải chuyển 62ha sang trồng đậu phụng, bắp và dưa hấu. Vì theo tính toán, các loại cây trồng cạn chỉ cần tưới ẩm từ 2 đến 3 lần trong 1 vụ, tiết kiệm từ 60% đến 70% nhu cầu nước so với tưới tràn cho cây lúa. Dự kiến toàn huyện sẽ có 109ha lúa được chuyển sang trồng bắp, đậu phụng... Riêng các chân ruộng cao được chuyển sang trồng mía, phấn đấu tăng thêm 100ha để đạt diện tích mía toàn huyện lên 500ha trong vụ ép sau. Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh còn quan tâm đến việc mở rộng sản xuất rau tại những vùng có khả năng tận dụng nguồn nước bơm tưới từ các sông, suối, ao, hồ...

Để đảm bảo giữ vững sản lượng lúa trong điều kiện phải giảm diện tích, huyện Vĩnh Thạnh đã có kế hoạch chủ động cung cấp đủ nguồn giống lúa cấp 1 theo nhu cầu sản xuất của các địa phương. Ngoài ra, 30ha lúa lai cũng sẽ được triển khai tại 3 xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Quang. Với các biện pháp canh tác 3 giảm (giảm lượng giống, giảm bón đạm, giảm thuốc sâu) và 3 tăng (tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả) thì năng suất lúa lai đại trà sẽ đạt từ 60 đến 65tạ/ha, năng suất các giống cấp 1 tối thiểu là 45tạ/ha. Chính kết quả này sẽ bù lại được sản lượng lúa của phần diện tích đã giảm. Để có được những con số trên, huyện đã có hướng kiên quyết chỉ đạo bà con tuân thủ đúng lịch xuống giống ở trà đầu từ sau ngày 5-12 trở đi, với cơ cấu giống chủ lực gồm các loại: KD18, DV108, Uải32, ML49... Riêng chân ruộng 2 vụ có bổ sung thêm giống Nhị ưu 838. Bên cạnh việc áp dụng mật độ sạ hợp lý và các giải pháp đầu tư thâm canh, ngành nông nghiệp huyện đã có kế hoạch diệt chuột ngay từ đầu vụ, vì theo nhận định nguy cơ này có khả năng xảy ra ở diện rộng trong vụ ĐX đến.

Trong giải pháp lâu dài để duy trì nguồn nước ngầm phục vụ cho nông nghiệp, huyện Vĩnh Thạnh đang bắt đầu triển khai trồng 150ha rừng tập trung và 30.000 cây phân tán, khoán quản lý bảo vệ 8.737ha rừng tự nhiên và 3.390ha rừng khoanh nuôi tái sinh. Hy vọng rằng, với sự tích cực thực hiện những biện pháp khả thi nói trên, Vĩnh Thạnh sẽ vượt qua được khó khăn để thực hiện thành công vụ sản xuất ĐX 2004-2005.

. Thái Bình Trọng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)
Năng động một làng nghề   (01/12/2004)
Khách sạn ở Quy Nhơn: Trăm hoa đua nở  (01/12/2004)
Mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Phù Cát   (30/11/2004)
Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!   (30/11/2004)
Làng O5 hôm nay  (29/11/2004)
Huy động vốn ở các ngân hàng thương mại: Nở rộ khuyến mãi!   (29/11/2004)
Hoa huệ - cây xóa đói giảm nghèo ở Phước Hiệp  (28/11/2004)
Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia  (26/11/2004)
Biến đồi hoang thành rừng kinh tế   (25/11/2004)
EURABIZ muốn được hợp tác với các doanh nghiệp ở Bình Định  (25/11/2004)
Làm giàu trên vùng đất khó  (24/11/2004)
Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ: Doanh nghiệp và nông dân đã hiểu nhau hơn   (24/11/2004)
Cuộc sống mới ở Kim Đông   (23/11/2004)