Chỉ cần một chiếc xe máy được cải tiến đôi chút là họ có thể thồ đủ mọi thứ, từ mớ rau, cân thịt đến cây kim, sợi chỉ... về các làng vùng cao để phục vụ cho những ai có nhu cầu. Lúc quay về, cũng trên phương tiện ấy, họ chất đầy những sản vật như: ngô, lúa, đậu, mì, thậm chí cả gà, vịt, heo... do mua được hoặc trao đổi. Họ chính là những người buôn bán nhỏ, cơ động và cần mẫn dọc ngang trên mọi nẻo đường mà người dân ở đây quen gọi là "chợ chạy".
|
Anh Hồ Khắc Toàn đang "chở" chợ vào làng O5 (ảnh: Văn Lưu) |
Chúng tôi đến làng O5 xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) khi trời vừa tờ mờ sáng, vậy mà vợ chồng anh Hồ Khắc Toàn (25 tuổi) ở Định Quang, xã Vĩnh Quang, đã có mặt từ khi nào. Trên chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ của vợ chồng anh chất đầy mọi thứ, nói không quá thì đó là một gian hàng tạp hóa đúng nghĩa. Chẳng thiếu một thứ gì. Anh Toàn tâm sự: "Vợ chồng tôi làm cái nghề này đã hơn một năm rồi. Ai mua gì bán nấy. Tiền mặt cũng được, không có thì bà con mang bao lúa, mớ ngô ra mình cũng đổi, miễn là thuận lòng nhau".
Ở huyện vùng cao như Vĩnh Thạnh này, không chỉ có vợ chồng anh Toàn hành nghề "chợ chạy" kiểu này, mà có hẳn một "đội quân" gần chục người. Anh Toàn cho biết: "Cái nghề này cũng hay, chẳng ai tranh giành ai, vì người nào cũng có mối, có địa bàn quen cả rồi, cứ thế mà mua bán, đổi chác...". Hiện nay, địa bàn của vợ chồng anh Toàn là các làng ở xã Vĩnh Kim. Bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng, hai vợ chồng anh ra chợ Định Bình (Vĩnh Quang) lấy hàng, sau đó vượt hơn 35 km đường rừng để đến với các làng đồng bào dân tộc, chủ yếu là phục vụ cho 2 làng O5 và K10, vì chỉ cần qua 2 làng này cũng đã hết một ngày và số hàng chở đến cũng bán sạch. Cứ mỗi ngày như thế, vợ chồng anh thu nhập được 40-50 ngàn đồng, sau khi đã trừ chi phí tiền xăng. Sau một thời gian buôn bán, vợ chồng anh Toàn đã trở thành "mối ruột" của nhiều làng. Bok Thinh, người làng O5 nói: "Chỉ có những đồ của anh Toàn bán là ngon thôi, còn những người khác thì không ngon".
|
Ông Nguyễn Văn Lượng đang bán hàng cho đồng bào làng Đăk Tra (ảnh: Văn Lưu) |
Mặc dù là "chợ chạy" nhưng không phải vì thế mà mạnh ai nấy… chạy, bởi "thị phần" của mỗi người đã được phân chia công bằng, dựa trên uy tín và mối quan hệ của kẻ bán - người mua, nên chẳng ai tranh giành khách hàng của ai. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mối quan hệ ấy rất đặc biệt. Nó không dừng lại ở chỗ mua bán, đổi chác thông thường, mà những người "chợ chạy" như thế cùng với khách hàng quen thuộc của họ dần dần gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn hàng ngày. Điển hình như ông Nguyễn Văn Lượng (ở Vĩnh Hảo), một người đã có "thâm niên" gần 5 năm hành nghề "chợ chạy". Giờ đây ông đã trở thành người thân của đồng bào dân tộc của các làng vùng cao ở Vĩnh Thạnh, nhất là các làng ở xã Vĩnh Sơn. Ông Lượng kể: "Đầu tiên, tôi vào các làng K2, K4, Đăk Tra... đưa mắm muối, cá, thịt, rau quả từ xuôi lên, đến khi quay ra thì trên xe chất đầy ngô, đậu. Cứ thế, tôi đã trở thành người nhà đối với đồng bào dân tộc ở đây lúc nào chẳng hay".
Cứ thế, những người như vợ chồng anh Toàn, ông Lượng đã trở thành chiếc cầu nối giữa đồng bào dân tộc với thị trường bên ngoài. Ông Đinh Tát, Trưởng làng O5 (Vĩnh Kim), cho hay: "Hầu hết nông sản của người dân trong làng làm ra được tiêu thụ hết là nhờ những người như anh Toàn, ông Lượng". Còn chị Mỹ Vân, vợ anh Toàn, thì tâm sự: "Làm ăn với đồng bào dân tộc vùng cao này, nếu như không có tấm lòng tin tưởng nhau thì khó lắm. Nhiều làng ở cách xa chợ lại không có phương tiện. Vậy là cả hai đều cần nhau, mình bán được hàng, bà con dân tộc lại mua được những thứ cần thiết và họ đỡ phải trễ nải công việc đồng áng mỗi ngày".
Hiện nay, không riêng gì các làng ở huyện Vĩnh Thạnh mà ở các huyện miền núi khác trong tỉnh, đội ngũ những người làm nghề "chợ chạy" như vợ chồng anh Toàn, ông Lượng cũng khá đông và đang hoạt động tích cực. Có thể nói, hoạt động của họ đã góp phần không nhỏ trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa ở các làng vùng cao hẻo lánh.
. Nguyễn Phúc |