Thoát nghèo trên vùng đất cát bạc màu
16:50', 5/12/ 2004 (GMT+7)

Ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm - Phù Cát), ai cũng biết anh Trần Văn Kỳ, 30 tuổi, là người nổi tiếng cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn. Trước năm 1994, do thiếu đất canh tác, chưa biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp nên gia đình anh rất nghèo, luôn túng thiếu.

Năm 1995, nhân dịp Lâm trường Phù Cát giao lại cho địa phương một số diện tích đất trồng bạch đàn, ở tuổi 20, anh đã mạnh dạn xin nhận 3 ha đất cát trắng bạc màu, quyết tâm làm ăn, với hy vọng thoát nghèo. Ngày ngày, anh đi cắt lá làm phân xanh, cùng với phân chuồng, trồng cây họ đậu để từng bước cải tạo đất. Được sự hỗ trợ từ chương trình 327, anh đã trồng hơn 400 cây điều. Thời gian đầu, thực hiện lấy ngắn nuôi dài, anh trồng xen cây ngắn ngày như đậu phụng, mì, đậu xanh, các loại rau, củ, quả. Mùa hè, trên vùng đất cát trắng bạc màu, khô hạn, hai vợ chồng anh ngày đêm gánh từng gánh nước tưới cho cây trồng. Đồng thời, anh khai hoang trồng thêm 1,5 ha mì, thâm canh 5 sào lúa nước. Anh xin dự các lớp tập huấn kỹ thuật, đọc thêm tài liệu sách báo để ứng dụng các biện pháp phù hợp với vùng đất cằn này. Đối với cây điều, anh thực hiện tỉa cành, xới đất, bón phân và nhờ có trồng xen cây ngắn ngày và theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên điều phát triển tốt. Đối với các loại cây trồng khác, anh đều dùng giống tốt như mì KM94, lúa ML48, OM1490 và chăm sóc phù hợp nên năng suất điều đạt khá.

Đất không phụ công người, hàng năm, gia đình anh thu khoảng một tấn hạt điều, bán được 12 triệu đồng; các loại cây trồng khác cho thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng. Trong chuồng nhà anh có 9 con bò, 5-6 heo thịt, đàn gà thả vườn và đàn vịt đẻ… Tuy chưa giàu, nhưng nhờ cần cù chịu khó, học hỏi ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, gia đình anh Kỳ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Anh cũng thường giúp đỡ bà con trong thôn xóm, như hướng dẫn và cung cấp cho bà con các giống cây trồng, vật nuôi tốt; hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây điều… Một số gia đình được anh giúp đỡ đã vươn lên, làm ăn có hiệu quả hơn. Nhìn vườn điều và các loại cây trái luôn xanh tốt của anh, khó nghĩ rằng, chỉ mới cách đây 6-7 năm, nơi đây còn là vùng cát trắng, hoang hóa, bạc màu… Anh Kỳ cho biết, sắp tới anh sẽ đầu tư mở rộng chăn nuôi bò lai, gà thịt, đào ao thả cá, vừa dự trữ nước tưới cho cây trồng, phấn đấu cùng bà con trong thôn, xóm từng bước làm giàu.

. Nguyễn Hữu Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Chợ chạy" ở vùng cao  (03/12/2004)
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết   (03/12/2004)
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)
Năng động một làng nghề   (01/12/2004)
Khách sạn ở Quy Nhơn: Trăm hoa đua nở  (01/12/2004)
Mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Phù Cát   (30/11/2004)
Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!   (30/11/2004)
Làng O5 hôm nay  (29/11/2004)
Huy động vốn ở các ngân hàng thương mại: Nở rộ khuyến mãi!   (29/11/2004)
Hoa huệ - cây xóa đói giảm nghèo ở Phước Hiệp  (28/11/2004)
Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia  (26/11/2004)
Biến đồi hoang thành rừng kinh tế   (25/11/2004)
EURABIZ muốn được hợp tác với các doanh nghiệp ở Bình Định  (25/11/2004)
Làm giàu trên vùng đất khó  (24/11/2004)