Vụ sản xuất đông xuân 2004-2005: Khó khăn và thách thức
10:24', 6/12/ 2004 (GMT+7)

So với các vụ sản xuất trong năm, đông xuân (ĐX) là mùa vụ quan trọng nhất có nhiều yếu tố thuận lợi hơn cả. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm 2004-2005, thời tiết diễn biến phức tạp, nên có nguy cơ các loại sâu bệnh, chuột… sẽ phát sinh, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

* Thời tiết bất lợi cho sản xuất

Nông dân huyện Tuy Phước cải tạo ruộng đồng chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân

Ngày 5-12, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu xuống giống lúa, "mở màn" cho một vụ sản xuất mới. Những ngày này năm trước, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất các khâu: làm đất, giống, phân bón…, sẵn sàng xuống giống để kịp thời vụ. Nhưng năm nay, mùa mưa chính vụ thì ít có mưa, nhưng cuối mùa lại có mưa lớn ở một số địa phương, nên việc cải tạo ruộng đồng của bà con nông dân gặp khó khăn. Hiện nay, các xã khu Đông Tuy Phước, Phù Cát… vẫn còn ngập nước, nông dân chưa thể tiến hành làm đất. Ở một số địa phương, khâu làm đất còn chậm, do ruộng đất có quá nhiều cỏ dại. Bên đám ruộng của mình, ông Nguyễn Văn Tư ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu (An Nhơn), than vãn: "Vụ đông xuân năm trước, tôi chỉ cần cày ải một lần rồi bừa lại là có thể xuống giống được. Còn vụ này, tôi đã thuê máy, cày đi cày lại 2 lần, máy đi đâu tôi theo sau nhặt cỏ, tốn nhiều công sức nhưng vẫn không diệt được hết cỏ dại".

Ngoài ra, do năm 2004 ở Bình Định hầu như không có lũ lớn, nên các mầm bệnh và chuột không bị tiêu diệt, các loại sâu bệnh và chuột có điều kiện, môi trường để sinh trưởng. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết: "Các loại sâu bệnh như: đạo ôn, sâu đục thân, bệnh vàng lá thường hay xuất hiện trong vụ ĐX, đặc biệt là trong tình hình thời tiết như hiện nay. Khi gặp mưa kèm theo gió rét, bệnh vàng lá sinh lý sẽ xuất hiện và gây hại lúa, làm cho cây lúa bị nghẹt rễ khó có thể hút được chất dinh dưỡng trong đất. Trong thời gian này, bệnh đạo ôn, sâu đục thân, sâu năn, chuột sẽ phát sinh, gây hại lúa trong thời gian cây lúa phát triển".

Cỏ nhiều, sâu bệnh phát sinh sẽ dẫn đến chi phí đầu tư tăng, do phải tăng lượng thuốc BVTV. Trong khi đó, giá vật tư phân bón trên thị trường vẫn còn ở mức cao. Hiện giá các loại phân NPK, Urê, phân đạm đều tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuốc trừ sâu, trừ cỏ tăng gần gấp đôi. Trước tình hình này, theo tính toán của bà con nông dân, các khoản chi phí làm đất, thủy lợi phí, phân bón, thuốc BVTV, giống, máy tuốt… phục vụ cho vụ ĐX năm nay sẽ chiếm trên 2/3 tổng giá trị thu nhập từ các loại cây trồng. Ngày 5-12, theo đúng lịch thời vụ bà con nông dân bắt đầu xuống giống lúa, nhưng thời tiết vẫn còn diễn biến theo chiều hướng bất lợi, nên người nông dân càng thêm lo lắng, chưa kể nỗi lo thiếu nước tưới bởi hệ thống hồ, đập đến nay chưa tích nước đạt yêu cầu.

* Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra

Trước tình hình có nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ ĐX đang đến, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng cho nông dân. Vụ sản xuất này, toàn tỉnh chỉ gieo sạ 38.000 ha lúa, giảm 9.000 ha so với vụ ĐX năm trước; chuyển đổi 17.500 ha lúa chân cao thiếu nước, kể cả diện tích 2 và 3 vụ lúa/năm hiệu quả thấp chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Ổn định diện tích bắp lai 8.000 ha, đậu nành 1.400 ha; đậu phụng 6.800 ha… Riêng đối với cây lúa sản xuất trên chân đất 3 vụ/năm, sử dụng các loại giống có thể kháng bệnh, chịu lạnh tốt, cho năng suất cao như: KD18, DV108, Uải 32; chân đất 2 vụ lúa sử dụng các loại giống Nhị ưu 838, KM 18… Việc bố trí thời vụ sản xuất lúa đảm bảo cho lúa trỗ trong khoảng thời gian từ ngày 22-2 đến ngày 10-3-2005, nhằm tránh nhiệt độ thấp, gió rét và thiếu ánh sáng. Đối với các loại cây trồng cạn, sử dụng các giống hạt lai để gieo trồng, thời vụ xuống giống từ cuối tháng 12-2004 đến đầu tháng 1-2005.

Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc cử cán bộ đứng chân địa bàn, để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; giao cho Chi cục BVTV theo dõi diễn biến của thời tiết, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, tổ chức hướng dẫn cho nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh, chuột gây hại cây trồng". Đến nay, UBND các huyện, thành phố cũng đã chỉ đạo cho Phòng NN-PTNT và các hội, đoàn thể vận động nông dân thực hiện theo đúng lịch thời vụ gieo sạ của tỉnh, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho nông dân áp dụng phương pháp canh tác 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống, phân bón, giảm lượng thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả) để tăng hiệu quả sản xuất. Các HTXNN cũng đã chuẩn bị đủ giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV để cung ứng theo nhu cầu. Nhiều HTX đã phát động phong trào diệt chuột, tổ chức thu mua đuôi chuột để khuyến khích diệt chuột.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, kết hợp với việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng cho nông dân là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả cây trồng, hạn chế được những rủi ro do thời tiết gây ra, hướng đến một vụ sản xuất thắng lợi.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thoát nghèo trên vùng đất cát bạc màu   (05/12/2004)
"Chợ chạy" ở vùng cao  (03/12/2004)
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết   (03/12/2004)
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)
Năng động một làng nghề   (01/12/2004)
Khách sạn ở Quy Nhơn: Trăm hoa đua nở  (01/12/2004)
Mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Phù Cát   (30/11/2004)
Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!   (30/11/2004)
Làng O5 hôm nay  (29/11/2004)
Huy động vốn ở các ngân hàng thương mại: Nở rộ khuyến mãi!   (29/11/2004)
Hoa huệ - cây xóa đói giảm nghèo ở Phước Hiệp  (28/11/2004)
Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia  (26/11/2004)
Biến đồi hoang thành rừng kinh tế   (25/11/2004)
EURABIZ muốn được hợp tác với các doanh nghiệp ở Bình Định  (25/11/2004)