Sản xuất CN-TTCN ở Tây Sơn: Những chuyển biến bước đầu
17:46', 7/12/ 2004 (GMT+7)

Những năm gần đây, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Tây Sơn đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động… Song, bên cạnh những thành tựu, tốc độ tăng trưởng CN-TTCN Tây Sơn vẫn còn rất chậm.

* Những chuyển biến

Sản xuất gạch ngói - ngành công nghiệp mũi nhọn của huyện Tây Sơn

Nói đến CN-TTCN Tây Sơn, trước hết phải nói đến ngành nghề sản xuất gạch ngói, bởi đây là nghề truyền thống của địa phương, đồng thời cũng là "mũi nhọn" CN của huyện, với trên 400 cơ sở, bình quân mỗi năm sản xuất trên 70 triệu viên gạch, ngói các loại. Để thay thế dần sản phẩm gạch ngói thủ công, huyện đã tạo điều kiện thành lập Công ty cổ phần gạch tuy nen, với nhà máy có công suất 15 triệu sản phẩm/năm.

Công tác đầu tư, xây dựng, phát triển thêm cơ sở sản xuất cũng được huyện chú trọng, số cơ sở tăng khá, năm sau nhiều hơn năm trước. Nếu như cuối năm 2000 Tây Sơn có 1.000 cơ sở sản xuất thì đến nay đã có trên 1.500 cơ sở. Trong số 21 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, có 6 công ty cổ phần, công ty TNHH sản xuất TTCN và xây dựng tổng hợp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN của địa phương. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, nhiều cơ sở đã cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Ngành cơ khí của huyện đã sản xuất, cải tiến các loại máy móc phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm; ngoài ra còn cải tiến một số chi tiết các loại máy công cụ phục vụ cho ngành sản xuất gạch ngói, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài các ngành nghề truyền thống, huyện Tây Sơn còn phát triển thêm các ngành nghề mới như: sản xuất nước mắm, đá xây dựng, đồ gốm dân dụng và mỹ nghệ, đồ mộc mỹ nghệ, nghề đúc… Trong đó, có một số sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Điều đáng nói là đã có một số cơ sở đã quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Năm 2002, sản phẩm gạch ngói Phú Phong được người tiêu dùng cả nước bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.

* Còn nhiều trăn trở

Giá trị sản lượng CN-TTCN của Tây Sơn tăng hàng năm: năm 2002 - trên 50,4 tỉ; năm 2003 - 54,2 tỉ; năm 2004 này ước đạt kế hoạch 62 tỉ đồng.

Huyện Tây Sơn đã quy hoạch 4 cụm CN đa ngành nghề: Phú An (15 ha ở xã Tây Xuân, dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2005); Trường Định (20 ha-Bình Hòa); Tây Giang - 30 ha; Cầu Nước Xanh (30 ha - Bình Nghi) và làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm (Bình Nghi, đã có 70 cơ sở đi vào sản xuất).

Tuy số lượng cơ sở và giá trị sản lượng sản xuất CN-TTCN của huyện Tây Sơn tăng đều hàng năm, nhưng giá trị và tốc độ tăng trưởng chưa đạt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2001-2003) chỉ đạt 6% so với mục tiêu đã đề ra là 15%/năm.

Theo ông Lê Minh Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, đây cũng là vấn đề bức xúc của lãnh đạo huyện. Huyện Tây Sơn xem việc khôi phục và phát triển ngành nghề sản xuất gạch ngói là rất quan trọng, vì đây là ngành CN mũi nhọn của huyện. Nhưng việc đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ thực hiện chậm, nên về mẫu mã, quy cách, chất lượng sản phẩm rất khó vươn ra cạnh tranh trên thị trường. Việc đăng ký chất lượng và thương hiệu chưa thực hiện tốt. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm CN triển khai chậm, nhất là việc kêu gọi đầu tư còn quá khó khăn…

Khách quan nhìn nhận, với tình hình như hiện nay, nếu không có sự nỗ lực bứt phá, chắc chắn rằng CN-TTCN Tây Sơn sẽ… "về muộn"!

. Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch vụ "may sẵn lấy liền"  (06/12/2004)
Vụ sản xuất đông xuân 2004-2005: Khó khăn và thách thức  (06/12/2004)
Thoát nghèo trên vùng đất cát bạc màu   (05/12/2004)
"Chợ chạy" ở vùng cao  (03/12/2004)
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết   (03/12/2004)
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)
Năng động một làng nghề   (01/12/2004)
Khách sạn ở Quy Nhơn: Trăm hoa đua nở  (01/12/2004)
Mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Phù Cát   (30/11/2004)
Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!   (30/11/2004)
Làng O5 hôm nay  (29/11/2004)
Huy động vốn ở các ngân hàng thương mại: Nở rộ khuyến mãi!   (29/11/2004)
Hoa huệ - cây xóa đói giảm nghèo ở Phước Hiệp  (28/11/2004)
Quản lý và phân phối điện ở nông thôn: Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia  (26/11/2004)