Mấy năm gần đây, bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện An Nhơn còn quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện liên tục tăng trưởng và phát triển với tốc độ cao.
* Khôi phục và phát triển làng nghề
|
Một góc CCN Gò Đá Trắng |
Vốn là vùng đất kinh đô xưa, nên từ lâu An Nhơn đã hình thành và phát triển nhiều làng nghề TTCN truyền thống, gồm các nghề: rèn, đúc, dệt, làm nón, bún, bánh tráng…, là địa phương có làng nghề nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội dần phát triển, nhu cầu tiêu dùng thay đổi với nhiều yêu cầu về chất liệu, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… một số làng nghề truyền thống ở An Nhơn chưa đáp ứng được, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nên nhiều nghệ nhân bỏ nghề, lưu tán kiếm việc nơi xa. Trước thực trạng đó, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, từ năm 2000 đến nay, huyện An Nhơn đã triển khai nhiều đề án phục hồi và phát triển làng nghề như: sản xuất bánh tráng xuất khẩu, đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, cẩn xà cừ, rượu Bầu Đá đóng chai… mang lại hiệu quả khả quan. Qua đó, nhiều làng nghề đã hồi sinh và phát triển. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện An Nhơn có 22 làng nghề truyền thống duy trì và phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, giá trị sản xuất CN-TTCN của các làng nghề mỗi năm đạt khoảng 40 tỉ đồng. Ông Trương Mạnh Hùng, Trưởng phòng Công nghiệp huyện An Nhơn, cho biết: "Việc phát triển các sản phẩm của làng nghề không chỉ có ý nghĩa bảo tồn và phát triển nền văn hóa mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập… Huyện đã có kế hoạch hỗ trợ về kỹ thuật, cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại… để sản phẩm của các làng nghề trong huyện có điều kiện phát triển, vươn xa hơn".
Hiện nay, sản phẩm của làng nghề An Nhơn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm như: nước mắm, nón lá, rượu Bầu Đá, bột nhang… đã trở thành sản phẩm đặc trưng không chỉ của riêng An Nhơn mà còn là của Bình Định…
* Ưu tiên phát triển CN-TTCN
Xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, huyện An Nhơn rất chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp. Nguồn kinh phí 71,4 tỉ đồng mà huyện ưu tiên dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển CN-TTCN từ năm 2000 đến nay, đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Thành công lớn nhất là việc quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp (CCN) Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá). Mục tiêu của huyện khi quy hoạch CCN này là nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút và giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển… Với diện tích gần 17 ha, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện nay CCN Gò Đá Trắng đã thu hút 49 DN vào đầu tư, trong đó 30 DN đã đi vào sản xuất ổn định, giá trị sản xuất đạt 48 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.200 lao động. Các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây cũng không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
|
Đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất rượu Bầu Đá Thành Tâm - Nhơn Lộc |
Ngoài ra, dọc theo Quốc lộ 19 trên địa bàn xã Nhơn Hòa còn có 22 nhà máy, xí nghiệp được xây dựng với đủ các ngành nghề: chế biến lâm sản, nông sản, khai thác đá… giải quyết việc làm cho 2.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Không chỉ ở Đập Đá, Nhơn Hòa, nhiều địa phương khác trong huyện cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm sản xuất CN-TTCN để thu hút đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 3.870 cơ sở sản xuất CN-TTCN, thu hút gần 11.000 lao động, tăng 1.200 cơ sở và tăng 41% số lao động so với năm 2000. Nhờ đó, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện liên tục tăng trưởng và phát triển: năm 2001 đạt 85 tỉ đồng, năm 2002 đạt 99 tỉ đồng, năm 2003 117 tỉ đồng và năm 2004 hơn 146 tỉ đồng. Hiện nay, CN-TTCN của huyện An Nhơn chiếm 37,9% cơ cấu GDP của huyện, tăng 5,3% so với năm 2003.
* Tiếp tục "bứt phá"
An Nhơn đã và đang hội tụ các điều kiện để trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh trong tương lai không xa, nhờ các lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có: nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 25 km; là đầu mối giao thông quan trọng thông qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và liền kề với sân bay Phù Cát… thuận lợi cho việc giao thương kinh tế. Bởi vậy, không dừng lại ở những gì đã có, An Nhơn đang chuẩn bị tiến xa hơn trên bước đường công nghiệp hóa. Hiện nay, An Nhơn đã xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010, trong đó chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN-TTCN.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2010, An Nhơn phấn đấu đưa ngành CN-TTCN đạt tỷ trọng 45% cơ cấu GDP của huyện. Để đạt được kết quả này, huyện đang tiến hành quy hoạch thêm các CCN, điểm sản xuất công nghiệp ở các xã, thị trấn. Hiện nay, huyện đã triển khai thực hiện một số dự án lớn như: hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng CCN Gò Đá Trắng, quy hoạch và xây dựng CCN Nhơn Hòa, CCN thị trấn Bình Định. Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng quỹ khuyến công, sử dụng vào việc hỗ trợ công nghệ, mẫu mã, thị trường… cho các đơn vị sản xuất CN-TTCN trong huyện. Bên cạnh đó, huyện An Nhơn đang tiếp tục thực hiện đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, trong đó chú trọng vào một số làng nghề có thị trường, làng nghề thích hợp ở nông thôn, nhằm giải quyết lao động tại chỗ… Nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trên bước đường phát triển CN-TTCN của huyện thời gian qua cũng đang được tích cực thực hiện; đặc biệt là giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển CN-TTCN.
Ngoài việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, huyện An Nhơn còn đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng "một cửa", đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào huyện; đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực - nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề - để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các DN.
. Ngọc Thái
* Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn: Từ thành công bước đầu của CCN Gò Đá Trắng, huyện An Nhơn đang tiến hành quy hoạch thêm một số CCN khác nữa như: CCN chế biến nước mắm ở Bằng Châu (Đập Đá), CCN Thanh Liêm (Nhơn An), CCN thị trấn Bình Định, CCN Nhơn Phong… Dự kiến đến năm 2010 trên địa bàn huyện sẽ có 9 CCN, với diện tích khoảng 140 ha, thu hút hơn 8.000 lao động. Việc quy hoạch các CCN này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, mà còn để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị mở rộng và phát triển sản xuất …
* An Nhơn hiện có 22 làng nghề tồn tại và phát triển, trong đó một số làng nghề phát triển mạnh như: rượu Bầu Đá, bánh tráng Trường Cửu (Nhơn Lộc); bún Ngãi Chánh, tiện Nhạn Tháp (Nhơn Hậu); đúc đồng Bằng Châu, bột nhang Bả Canh (Đập Đá)… Định hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới của huyện là thúc đẩy hình thành các làng nghề sản xuất hàng hóa tập trung và chuyên môn hóa, gắn với việc xử lý môi trường và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |