Hoài Mỹ: Những mùa tôm bội thu
11:57', 9/12/ 2004 (GMT+7)

Xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) hiện có 44 ha mặt nước nuôi tôm. Trong nhiều năm gần đây, nhờ thực hiện khá nghiêm túc mô hình nuôi tôm cộng đồng nên địa phương này liên tục được mùa tôm nuôi. Năm nay, năng suất tôm tuy không đạt cao so với các năm trước nhưng cũng ở mức bình quân 2,2 tấn/ha/năm - cao nhất so với toàn tỉnh.

* Được mùa tôm

Vùng nuôi tôm thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn)

Chúng tôi về Hoài Mỹ vào những ngày mà niên vụ nuôi tôm năm 2004 vừa kết thúc. Nhìn gương mặt rạng rỡ của các hộ nuôi tôm ở đây, chúng tôi biết rằng họ vừa có một mùa tôm thắng lợi. Ông Trần Minh Vương, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho biết: "Bốn năm trở lại đây, việc nuôi tôm ở địa phương thường xuyên được mùa lớn, năng suất tôm đạt bình quân từ 2 - 4 tấn/ha/vụ. Năm nay, tuy không "trúng lắm" do thời tiết có nhiều biến động bất lợi nhưng cũng được 2,2 tấn/ha. Nhờ con tôm mà nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt 300-400 triệu đồng". Có thể kể đến một số điển hình nuôi tôm thường xuyên thành công như hộ anh Hồ Văn Dũng ở Chi hội nuôi tôm Công Lương, với 1 ha mặt nước, mỗi năm nuôi 2 vụ, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Hoặc như các anh Nguyễn Minh Tâm, Huỳnh Chấn, Lê Văn Bình… tuy diện tích nuôi tôm bình quân khoảng 0,5 ha nhưng cũng có mức lãi gần 100 triệu đồng...

Anh Lê Văn Bình cho biết: "Nhờ nuôi tôm mà gia đình tôi có mức thu nhập khá. Hiện tôi có 3.000 m2 mặt nước, trong vụ nuôi vừa qua, năng suất tôm đạt trên 1,5 tấn, thu nhập gần 100 triệu, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng". Mấy năm qua, hầu hết các hộ nuôi tôm ở xã Hoài Mỹ đều "trúng", hộ lãi ít cũng được 40-60 triệu, hộ lãi nhiều trên 100 triệu đồng. Năm 2002, xã Hoài Mỹ tiến hành chuyển đổi 30 ha đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn sang nuôi tôm, đến nay số diện tích này đều mang lại hiệu quả. Ông Trần Minh Vương cho biết thêm: "Trước đây, khu này sản xuất lúa mỗi năm chỉ cho thu nhập được 8 triệu đồng/ha/năm, còn hiện nay khi chuyển sang nuôi tôm mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhiều người trước đây làm lúa thường xuyên bị thiếu ăn, nay chuyển sang nuôi tôm đã có thu nhập khá".

* Thành công nhờ nuôi tôm cộng đồng

Vì sao trong khi những vùng nuôi tôm khác thường xuyên bị thất bại vì dịch bệnh lan tràn thì vùng nuôi tôm ở xã Hoài Mỹ lại được mùa? Ông Trần Minh Vương cho biết: "Trước năm 2000, con tôm nuôi ở địa phương cũng thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm cũng bị trắng tay. Nguyên nhân là do người nuôi tôm không có tính cộng đồng, phát triển ào ạt, mạnh ai nấy làm nên không quản lý được dịch bệnh. Năm 2000, Chi hội nuôi tôm Công Lương được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các hộ nuôi tôm, với mục đích hợp tác giúp đỡ nhau về nguồn vốn và kinh nghiệm nuôi trồng, cùng nhau bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, nên mang lại kết quả".

Để việc nuôi tôm đạt hiệu quả, Chi hội nuôi tôm Công Lương đã xây dựng quy chế nuôi tôm cụ thể và bắt buộc các hộ phải thực hiện nghiêm chỉnh. Theo đó, các hộ nuôi tôm phải thực hiện đúng lịch thời vụ do Sở Thủy sản đề ra, ngay từ đầu vụ nuôi, ao đìa phải được cải tạo, diệt khuẩn kỹ lưỡng. Con giống thả nuôi phải được kiểm tra kỹ mầm bệnh, trong quá trình nuôi không được xả nước thải bừa bãi ra các khu vực xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Khi có dấu hiệu của dịch bệnh, chủ hồ phải báo cáo ngay cho chi hội để có cách xử lý… Để thực hiện tốt quy chế, Chi hội nuôi tôm đã đề ra các biện pháp chế tài đối với những hộ cố tình không thực hiện như: cảnh cáo trước chi hội, đề nghị địa phương thu hồi diện tích mặt nước, không tín chấp cho vay… Bên cạnh đó, để có nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nuôi gặp khó khăn, chi hội đã thành lập quỹ hội với mức đóng góp mỗi hộ 20.000 đồng/vụ/500m2 mặt nước. Đến nay, nguồn vốn quỹ của chi hội đã tích lũy được trên 20 triệu đồng.

Có thể nói rằng, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm cộng đồng mà nhiều năm qua, nghề nuôi tôm ở Hoài Mỹ liên tục được mùa, phần lớn người nuôi tôm đều có lãi. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình nuôi tôm cộng đồng ở xã Hoài Mỹ sẽ được các địa phương khác nhân rộng để việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

. Nguyễn Hân

CÁC TIN KHÁC >>
CN-TTCN An Nhơn: Tiếp tục bứt phá để phát triển   (09/12/2004)
Khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu khả quan   (08/12/2004)
Ngang qua Bồng Sơn  (07/12/2004)
Sản xuất CN-TTCN ở Tây Sơn: Những chuyển biến bước đầu  (07/12/2004)
Dịch vụ "may sẵn lấy liền"  (06/12/2004)
Vụ sản xuất đông xuân 2004-2005: Khó khăn và thách thức  (06/12/2004)
Thoát nghèo trên vùng đất cát bạc màu   (05/12/2004)
"Chợ chạy" ở vùng cao  (03/12/2004)
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết   (03/12/2004)
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)
Năng động một làng nghề   (01/12/2004)
Khách sạn ở Quy Nhơn: Trăm hoa đua nở  (01/12/2004)
Mô hình nuôi tôm cộng đồng ở Phù Cát   (30/11/2004)
Trồng rừng nguyên liệu: Thiếu đất và thiếu vốn!   (30/11/2004)