Kinh nghiệm đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao: Ghi nhận từ một hội nghị
10:0', 13/12/ 2004 (GMT+7)

Tại Hội nghị Khoa học công nghệ và điển hình tiên tiến khai thác hải sản toàn quốc (Quy Nhơn 12-2004) có rất nhiều kinh nghiệm về khai thác hải sản xa bờ đã được đưa ra để phổ biến. Dưới đây là những ghi nhận của phóng viên Báo Bình Định từ Hội nghị.

* Những điển hình tiêu biểu

Câu cá ngừ đại dương ở biển Đông

Đội lưới rê An Bàng (Hội An - Quảng Nam) là một trong những mô hình tốt về cộng đồng trách nhiệm trong tổ chức khai thác đánh bắt hải sản được nhiều đại biểu quan tâm học hỏi kinh nghiệm. Đội thành lập từ năm 1989 với 9 tàu, đã xây dựng Quy chế hoạt động và Quỹ tương thân hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như các rủi ro trên biển. Tại Quy chế của Đội có một điểm rất đáng lưu ý - Thành viên nào có nhu cầu sắm lưới mới sẽ được Quỹ cho mượn 70% số vốn đầu tư. Thiếu vốn để phát triển ngư cụ là một mắc míu mà ngư dân rất hay gặp phải khi muốn mở rộng sản xuất. Đưa điều khoản trên vào trong Quy chế là yếu tố khiến Đội lưới rê An Bàng tháo gỡ được nhiều khó khăn về vốn cho các thành viên. Trong quá trình khai thác, các thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau về thông tin, ngư trường và việc khắc phục các sự cố trên biển. Nếu tàu bị hỏng hoặc đứt lưới thì sẽ được hỗ trợ tiền dầu và tiền làm lại lưới… Việc thực hiện tốt Quy chế và quản lý chặt chẽ Quỹ tương trợ đã giúp các thành viên làm ăn ngày càng phát triển. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều chủ tàu ở đây đã đăng ký tham gia vào Đội. Đến nay, Đội đã có 24 thành viên với 34 tàu đánh bắt có tổng công suất 1.320 CV; mỗi năm sản lượng cá khai thác được hơn 2.000 tấn, doanh thu gần 30 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 20 triệu đồng/người/năm.

 

Ngư dân TP Quy Nhơn kiểm tra ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh bắt

Được đánh giá cao về tính khoa học trong chỉ đạo sản xuất là mô hình luân phiên bám ngư trường của 3 anh em ông Nguyễn Thành Trung ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn). Cách tổ chức sản xuất đội tàu của gia đình ông Trung rất khoa học và hiệu quả. Với 3 chiếc tàu khai thác xa bờ được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị và hệ thống thông tin liên lạc, khi ra đến ngư trường họ phân công nhau đi dò tìm đàn cá. Khi tàu nào phát hiện ra đàn cá trước thì lập tức thông báo ngay cho các tàu còn lại để cùng khai thác. Cá đánh bắt được tập trung cho một tàu chở về bán và lấy thêm dầu, đá, lương thực ra tiếp tế cho 2 tàu đang ở lại bám biển sản xuất. Cứ thế họ luân phiên nhau bám ngư trường và chạy về bán cá, tiếp tế nhiên liệu, lương thực… Với cách bố trí sản xuất như vậy, sản lượng cá khai thác được đã tăng hơn trước khoảng 33% và chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn vì thời gian cấp đông để bảo quản sản phẩm được rút ngắn lại.

* Những bài học kinh nghiệm

Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng:

Các điển hình tiên tiến là những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới, cải tiến kỹ thuật và ngư cụ khai thác một cách có hiệu quả. Đây là những mô hình hay, cách làm giỏi mà các đơn vị và hộ ngư dân trong cả nước nên tham quan, học tập kinh nghiệm để về áp dụng sản xuất ở đơn vị mình.

Qua kết quả trình bày của 28 điển hình tiên tiến toàn quốc trong khai thác hải sản xa bờ tại hội nghị đã khẳng định rằng: Muốn sản xuất đạt hiệu quả, phải thực hiện tốt khâu tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất và thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như áp dụng các kỹ thuật khai thác mới. Trước hết, người chủ phương tiện phải có kiến thức quản lý, biết tổ chức tốt khâu khai thác ngoài biển lẫn dịch vụ trên bờ. Thuyền trưởng và thủy thủ phải là những người có kinh nghiệm nhiều, am hiểu ngư trường, thời tiết, kỹ thuật đánh bắt… Việc bố trí lao động trên tàu phải phù hợp, hài hòa giữa lớp trẻ và lớp lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm để bổ trợ cho nhau. Trước khi ra khơi, thuyền trưởng và các thủy thủ phải nghiên cứu thật kỹ tình hình ngư trường, đối tượng đánh bắt và thời tiết để bố trí sản xuất hiệu quả, hạn chế các sự cố. Tàu thuyền, ngư lưới cụ, các trang thiết bị hàng hải, an toàn hàng hải, máy móc khai thác phải luôn trong tình trạng hoạt động tốt. Giữa các tàu khai thác cùng ngành nghề cần tổ chức thành đội, tổ khai thác trên biển để các thành viên giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và trong tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình khai thác, cần phải lập nhật ký hành trình chuyến biển để theo dõi sự di chuyển của đàn cá, vị trí và năng suất của từng mẻ lưới để rút kinh nghiệm cho những mẻ lưới và chuyến biển sau. Ngoài việc trao đổi các kinh nghiệm thực tế, cũng cần phải coi trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ khai thác cho phù hợp. Việc làm hầm bảo quản lạnh, hầm đá nhiều tầng, phân loại để bảo quản sản phẩm cũng được các điển hình tiên tiến thực hiện rất tốt.

. Ngọc Thái

 

CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắm Mười Thu vươn lên bằng nội lực  (12/12/2004)
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2004   (10/12/2004)
Du lịch Bình Định từng bước tăng tốc   (10/12/2004)
Hoài Mỹ: Những mùa tôm bội thu   (09/12/2004)
CN-TTCN An Nhơn: Tiếp tục bứt phá để phát triển   (09/12/2004)
Khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu khả quan   (08/12/2004)
Ngang qua Bồng Sơn  (07/12/2004)
Sản xuất CN-TTCN ở Tây Sơn: Những chuyển biến bước đầu  (07/12/2004)
Dịch vụ "may sẵn lấy liền"  (06/12/2004)
Vụ sản xuất đông xuân 2004-2005: Khó khăn và thách thức  (06/12/2004)
Thoát nghèo trên vùng đất cát bạc màu   (05/12/2004)
"Chợ chạy" ở vùng cao  (03/12/2004)
Chủ động "chuyển hệ" để đối phó với thời tiết   (03/12/2004)
Làm giàu nhờ chăn nuôi giỏi   (03/12/2004)
Phước Thắng: Giảm nghèo nhờ nghề dệt chiếu   (02/12/2004)