Phủ xanh rừng ngập mặn Nhơn Bình
15:47', 14/12/ 2004 (GMT+7)

Phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) có gần 270 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và các bãi triều ven đầm Thị Nại, vốn là "quê hương" của rừng ngập mặn (RNM). Hơn chục năm về trước, diện tích RNM ở đây ngày càng bị thu hẹp vì nhiều lý do, thì nay đã từng bước được phục hồi, với mức độ che phủ tăng khá nhanh. Điều đáng quý nhất là người dân vùng "đất mặn" Nhơn Bình đã nhận thức được tầm quan trọng của RNM đối với cuộc sống của họ.

  RNM ở cửa lạch Sông Mang

1. Ngoài một số ít cây bần, mắm, hầu hết diện tích RNM ở Nhơn Bình là cây đước (dân địa phương gọi là cây đưng) được trồng tập trung tại các vùng bãi triều, cửa lạch và trồng phân tán dọc các bờ bao của hồ nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tổng diện tích RNM ở Nhơn Bình đã lên đến khoảng 30 ha, tập trung nhiều nhất ở khu vực 4 của phường, xung quanh các hồ tôm và dọc theo các con lạch Lá Bé, Sông Mang, Đá Vàng thông với đầm Thị Nại. Giữa năm 2004 này, Sở Thủy sản đã phối hợp với Phòng NN-PTNT Quy Nhơn và phường Nhơn Bình trồng 5ha RNM, tập trung ở vùng bãi triều thuộc cửa lạch Lá Bé và sắp đến sẽ trồng thêm 4 ha nữa.

Qua khỏi cầu Hà Thanh 1 trên đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, nhìn về phía đầm Thị Nại, có thể thấy ngay màu xanh bạt ngàn của RNM lung linh soi bóng nước. Anh Trần Văn Phương - chủ một hồ tôm rộng trên 6 ha có 3 mặt tiếp giáp với đầm Thị Nại - cho biết: "Trước đây, mỗi năm tôi tốn gần chục triệu đồng để đắp lại các bờ bao do sóng đánh vỡ. Nhưng khi các "bờ kè" bằng cây đưng khép tán, rễ mọc ken dày, đã giảm thiểu đáng kể tình trạng sạt lở. Ngoài ra, cây đưng còn tạo bóng mát và có nơi trú ẩn cho tôm cá. Nhiều loại cò và một số loài chim đã về đây làm tổ…".

Hệ rễ của RNM là "bờ kè" chống sạt lở rất tốt

2. Các chủ bờ tôm ở khu vực 4 phường Nhơn Bình đều cho rằng, ở vùng đất nhiễm mặn này, ngoài cây đước, cây bần, cây mắm… thì không có một loại cây nào mọc nổi. Quả đước cắm xuống đất bùn, sau một tháng đã nẩy mầm, nhưng đến sau 5 năm mới cao khoảng 3-4 mét, đường kính 10-15cm. Cây đước lớn chậm mà chắc, bộ rễ ken dày của nó là "bờ kè" thiên nhiên có tác dụng chống sạt lở… trên cả tuyệt vời. Hầu hết diện tích đước ở đây đã cho quả. Vào mùa quả già, nhiều người đi thu hái mang về trồng ở vùng bờ bao hồ tôm của mình. Nếu mua lại của những người đi nhặt quả thì giá khoảng 2.000 đồng/kg. Những năm gần đây, nhờ sự phục hồi của RNM nên các ngư dân làm các loại nghề truyền thống cũng đánh bắt được khá hơn. Anh Bùi Văn Tâm - chủ một bờ tôm rộng trên 5 ha ở đây đã bước đầu tận dụng "rừng" đước của mình để làm du lịch sinh thái. Bên các bờ bao dưới tán đước, anh đặt các sạp gỗ và mắc võng làm nơi nghỉ ngơi cho du khách. Mùa hè, khách có thể đến đây câu cá (trong hồ nuôi hoặc ngoài sông), thưởng thức các loại hải sản tươi sống như tôm, cua, cá dìa, cá mú… tại "nhà hàng sạp gỗ" ngay trên hồ tôm và nghỉ ngơi trên những chiếc võng "tòn ten" dưới tán RNM, đón cơn gió nồm mát rượi từ đầm Thị Nại thổi về…

3. Với sự quyết tâm của UBND phường và với ý thức của người dân (chủ yếu là các chủ bờ tôm), diện tích RNM ở Nhơn Bình ngày càng gia tăng đáng kể, tạo cảnh quan xanh, đẹp và làm nhiệm vụ "lá phổi xanh" điều hòa khí hậu cho TP Quy Nhơn… Ông Trần Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình cho biết: "Khi trồng RNM, chúng tôi đã tính toán, chọn vùng bãi triều phù hợp, chừa lại một số khu vực cho bà con kiếm sống bằng nghề mò cua, bắt ốc… Song, diện tích 5ha trồng trong năm nay cũng bị xâm hại khá nhiều bởi hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản của một số ngư dân thiếu ý thức, nhất là những người làm nghề xiếc, cào, đào phễnh… Trước tình hình này, UBND phường đã chi kinh phí gần 5 triệu đồng để trồng dặm lại 2 lần và đóng cọc tre ở vùng trồng để bảo vệ. Sắp đến, khi triển khai trồng tiếp 4 ha RNM, chúng tôi sẽ lấy giống đước tại địa phương, vì nó đã thích nghi, còn giống đưa từ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) về, trong quá trình vận chuyển bị dập, hư khá nhiều nên không đảm bảo yêu cầu".

Với sự phục hồi mạnh mẽ của RNM ở Nhơn Bình, khi công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn tất, trước khi đến cầu vượt đầm Thị Nại, du khách sẽ được đi trong bạt ngàn màu xanh RNM.

. Thúy Vi

 

Bên cạnh giá trị về lâm sản (than, củi, gỗ), RNM với các loại cây: sú, mắm, vẹt, đước, bần… còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu. Hệ rễ của cây ngập mặn góp phần làm giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, chống sạt lở, bảo vệ vùng ven bờ; là nơi sinh sản và trú ẩn của nhiều giống loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, RNM còn có giá trị cải tạo môi trường nước, làm phân hóa các chất hữu cơ lắng đọng. Nếu như dưới tán rừng ngập mặn là cá, tôm… thì trên tán rừng có các loài chim, thú… có yếu tố quan trọng trong việc góp phần bảo vệ và tái tạo đa dạng sinh học… Ở nước ta, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) sau khi được phục hồi và phát triển đã được xem là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi