Cây khổ qua là một loại cây trồng có đầu ra ổn định với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng. Nhờ luân canh theo hướng chuyển đổi cây trồng (khổ qua đông xuân, bắp lai hè thu, khổ qua vụ 3) một số hộ nông dân ở Tuy Phước đã có được thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ha.
|
Một góc vườn khổ qua 2 sào vụ đông của anh Lê Văn Sơn thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp đang cho quả trái vụ |
Vùng đất phù hợp trồng cây khổ qua ở Tuy Phước trải rộng từ các xã Phước Hiệp, Phước Lộc sang Phước An và Phước Thành, cho đến Phước Hòa, Phước Sơn… Ông Mang Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết: "Ở địa phương chúng tôi, các loại cây ngắn ngày cho thu nhập bình quân hàng năm 50 triệu đồng/ha, ngoài cây hoa huệ, còn có cây khổ qua. Mỗi năm cả xã sản xuất 21ha, phần lớn trồng trái vụ nên rất được giá. Thị trường tiêu thụ khổ qua rộng ở các chợ nông thôn và gần đây thương lái về tận nhà vườn đặt mua, có bao nhiêu họ mua chở đi hết. Năm 2005 diện tích trồng khổ qua ở xã Phước Hiệp sẽ mở rộng thêm vài chục ha nữa theo hướng luân canh trên đất năm trước đã trồng hoa huệ".
Cây khổ qua chỉ trồng được 1 vụ trên một chân đất, còn vụ sau phải luân chuyển trồng cây khác, nếu trồng lại năng suất không cao. Bên cạnh lợi thế là đã quá quen với loại cây trồng này, bà con nông dân Tuy Phước còn sử dụng tốt kỹ thuật trồng khổ qua bằng phương pháp lên luống, phủ bạt, làm choái lưới nylông, tiện việc đầu tư thâm canh. Hết vụ có thể thu lại lưới và bạt nhựa dùng cho vụ sau. Ông Phạm Văn An, người trồng rau ở thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước, cho biết: "Trồng khổ qua theo phương pháp này tiện việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch cũng dễ dàng. Tôi trồng 1 sào theo phương pháp trên, thu được 1,5 tấn quả, với giá 3.500 đồng/kg, trồng khổ qua lãi gấp 4 lần so với trồng lúa". Với anh Nguyễn Minh Sơn, ở thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp thì có khác, bởi anh chuyên trồng khổ qua trái vụ, nhờ vậy bao giờ bán cũng được giá cao, hiện anh có 2 sào khổ qua vụ đông đang cho trái, với giá thấp nhất cũng đạt mức 3.000 đồng/kg, vụ này anh "trúng" không dưới 8 triệu đồng.
Tuy việc trồng khổ qua đạt hiệu quả kinh tế khá, nhưng hiện nay nhiều người còn lạm dụng thuốc trừ sâu quá mức, nhất là khi cây khổ qua ra hoa, đậu trái đến khi thu hoạch bà con bơm thuốc trừ sâu không dưới 6 lần. Vì vậy dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng trên trái khổ qua được đánh giá là rất lớn. Các ngành chức năng ở Tuy Phước cần quan tâm hơn nữa đến việc chuyển giao các tiến bộ KHKT, nhất là chương trình IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) trên cây rau và nên quy hoạch các vùng chuyên trồng rau sạch…
. Xuân Thức |