Trước đây, diện tích đất gò và đồi trọc ở xã Mỹ Trinh - Phù Mỹ bị bỏ hoang lên đến 340 ha. Ấy vậy mà mấy năm nay, vùng đất này trở nên "quý hiếm" vô cùng.
|
Cây keo lai trên đất gò ở Mỹ Trinh |
Chuyện bắt đầu từ năm 1995, khi thấy quỹ đất bỏ hoang ở quê mình khá lớn, các anh Nguyễn Văn Công, Hà Ngọc Chua, Hà Sương ở Chánh Thuận - Mỹ Trinh đã làm đơn thuê số đất bỏ hoang này trong thời gian dài để trồng điều và keo lai. Trong quá trình chăm sóc hai loại cây này, họ đưa vào trồng thử nghiệm cây dưa hồng trên các trảng đất bằng dưới chân đồi trọc, và trồng kiệu ở những vùng đất cát pha. Qua một mùa thử nghiệm, kết quả rất khả quan. Dưa hồng và kiệu phát triển khá tốt; năng suất thu hoạch khá cao. Nhận thấy đất trồng phù hợp với loại cây đã thử nghiệm, hơn nữa giá cả thị trường của hai loại nông phẩm này lúc bấy giờ cao hơn các loại rau màu khác, cộng với kinh nghiệm đã tích lũy được, các hộ nông dân này tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Họ đầu tư thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, máy bơm nước, áp dụng tiến bộ KHKT vào khâu canh tác, do đó liên tục các vụ kế tiếp đều thu được kết quả cao. Đất cát pha trồng kiệu một vụ cho năng suất 1 tấn/sào, thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng kiệu ở đất thịt. Dưa hồng đạt bình quân 2 tấn/sào, trong đó có hơn 80% số trái đạt 4 kg trở lên. Hộ trồng nhiều thì năm sào dưa, ba sào kiệu, hộ trồng ít thì vài sào dưa, vài sào kiệu. Hàng năm, từ một mùa dưa hồng hai tháng và một mùa kiệu, hộ trồng nhiều thu được trên 25 triệu đồng; hộ trồng ít hơn cũng thu được trên dưới 15 triệu. Như vậy một sào đất bỏ hoang trước đây, bây giờ đã sinh ra được bạc triệu.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, số tiền thu được từ các mùa dưa, kiệu, những hộ nông dân này tiếp tục mua thêm bò lai thả nuôi dưới tán rừng keo, bón thêm phân cho cây điều sắp ra trái. Chỉ trong một thời gian ngắn, đàn bò của họ trở nên đông đúc, keo đã đến tuổi khai thác. Điều đã cho mùa quả đầu tiên. Cái lợi lớn đã hiển hiện ra trước mắt. Anh Nguyễn Văn Công vui mừng được thay mặt bà con nông dân thôn Chánh Thuận đi báo cáo điển hình sản xuất giỏi tại xã.
Trước hiệu quả thấy rõ, mô hình làm kinh tế trên đất gò đồi này đã được nhân rộng trong toàn xã. Bà con nông dân ở Mỹ Trinh đã tin tưởng và bắt đầu tận dụng diện tích đất bỏ hoang của mình để trồng dưa, kiệu. Phong trào phục hóa đất gò để làm kinh tế trở nên sôi động. Hiện nay đã có 230 ha đất gò đồi được đưa vào trồng điều, trong đó có 2/3 diện tích điều đã cho quả. Nhiều hộ gia đình ở Mỹ Trinh đã trúng liền nhiều vụ dưa hồng như các anh: Hồ Đình Thuận, Hồ Đình Linh ở thôn Chánh Thuận; anh Phạm Xuân Hoàng ở thôn Trung Bình; anh Lê Văn Thông ở thôn Trung Hội… Đời sống của họ trở nên khấm khá. Những hộ ít đất sản xuất cũng đã thoát khỏi cái nghèo vốn đeo đuổi từ lâu.
Người trồng dưa, kiệu thì nhiều mà đất gò thì có hạn, nên ở Mỹ Trinh nay có cơn "sốt đất" trồng dưa, kiệu. Giá đất cho thuê tăng lên, đầu tiên là 150.000đồng/sào/vụ cho loại đất trồng kiệu, sau đó tăng lên 200.000đồng/sào/vụ. Đất trồng dưa tăng đến 500.000đồng/sào/vụ nhưng giờ cũng khó tìm được chỗ để thuê. Bởi thế hiện nay, những người trồng dưa hồng ở Mỹ Trinh đã phải đi thuê đất ở các huyện lân cận như Hoài Ân, Phù Cát, thậm chí có người lên đến tỉnh Gia Lai để thuê đất sản xuất.
Điều đáng nói hơn, ngoài việc trồng trọt để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, việc trồng cây dưa, cây kiệu trên đất gò ở Mỹ Trinh đã giúp cải tạo được chất đất, tận dụng được quỹ đất hoang hóa, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
. Bùi Tấn Phước |