Trở lại Cát Hải (Phù Cát) lần này, chạy xe máy bon bon trên tỉnh lộ 639 vừa được thảm bê tông nhựa xuyên suốt chiều dài của xã, nhìn những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, những cánh đồng xanh ngắt, chúng tôi biết Cát Hải đã từng bước xóa đi những hình ảnh không vui của một xã đặc biệt khó khăn, tiến lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
* Từng bước vượt khó
|
Đèo Vĩnh Hội (Cát Hải - Cát Tiến - Phù Cát) |
Là một xã ven biển nhưng phần lớn diện tích của Cát Hải là đồi núi đá và động cát trắng mênh mông, giao thông đi lại khó khăn, cách trở... Vì vậy, Cát Hải từng được mệnh danh là vùng "3 đèo 7 động", cái đói cái nghèo luôn "đeo bám"... Để giúp Cát Hải có được nền tảng cơ sở đi lên, trong những năm qua, cả tỉnh và huyện đều đã quan tâm tạo nhiều điều kiện để xã tích lũy nội lực. Đầu tiên là sự xuất hiện của con đường băng qua động cát, đường đèo nhờ thế cũng bớt hiểm trở, việc đi lại dễ dàng hơn. Tiếp đến hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế cũng lần lượt mọc lên. Có thể nói sau con đường thì hệ thống điện là yếu tố quan trọng thứ hai góp phần thúc đẩy sản xuất ở Cát Hải. Nhưng nếu chỉ nhờ vào những hạng mục do Nhà nước đầu tư thì có lẽ bây giờ Cát Hải chưa thể đổi thay đến thế. Phải nói rằng chính việc sử dụng tốt ngoại lực để phát huy nội lực tự thân đã giúp bộ mặt Cát Hải thay đổi không chỉ về hình thức mà còn về nội hàm. Ông Đặng Thanh Liêm - Bí thư Đảng ủy xã Cát Hải - cho biết: "Tận dụng sự trợ giúp của tỉnh, huyện, xã, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi - trồng các loại cây - con... phù hợp với năng lực sản xuất của mình. Bắt đầu từ những dự án nhỏ, bà con chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm sản xuất, vốn liếng làm ăn. Việc chuyển giao kỹ thuật canh tác cũng được triển khai theo cách "cầm tay chỉ việc" thật cặn kẽ. Chúng tôi nghĩ, phải như thế mới có thể làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Thực tế cách làm như vậy đã cho kết quả tốt".
Việc xã chủ trương từng bước giảm diện tích lúa xuống ban đầu cũng khiến nhiều nông dân... hốt hoảng. Từng ấy diện tích còn sợ thiếu ăn, giảm nữa thì... Nhưng hiện nay, diện tích dành để canh tác cây lúa của Cát Hải còn 300 ha (giảm 40ha so với năm 2001) nhưng sản lượng lương thực lại cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới năng suất cao. Điểm xuất sắc của Cát Hải là đã nâng diện tích cây trồng cạn hiệu quả kinh tế cao như cây bắp lai, hành, đậu phụng... lên tới 500 ha. Trong số này có tới 76 ha cho thu nhập từ gần 60 triệu đồng đến 87 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ lợi nhuận đạt từ 47% - 57%. Hiệu quả từ diện tích cây trồng cạn cao nên bà con Cát Hải thậm chí đã dám vay vốn đầu tư khoan trên 500 giếng nước, mua sắm máy bơm để phục vụ sản xuất. Chuyện làm ăn như vậy, cách đây chừng dăm năm là không hình dung được.
Cùng với phát triển trồng trọt, người dân ở Cát Hải bước đầu đã chú trọng phát triển chăn nuôi. Hiện tại, đàn trâu, bò có gần 2.250 con, đàn heo hơn 2.000 con và đàn dê 420 con. Là xã có chiều dài bờ biển nhưng chủ yếu là bãi ngang nên nghề khai thác hải sản ở đây chỉ mới bắt đầu phát triển tuy nhiên đến nay, toàn xã cũng đã có được 53 tàu thuyền công suất từ 20-30 CV. Vốn ít nên người dân chỉ dám đầu tư tàu công suất thấp khai thác ven bờ với các nghề: mành ruốc, đánh bắt tôm hùm giống, cá cơm...
* Ổn định cuộc sống
|
Cây hành đã cho hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp ở Cát Hải |
Bình quân thu nhập trên 1 ha canh tác năm 2004 ở Cát Hải đạt trên 25 triệu đồng, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2000. Nhờ vậy, số hộ có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/năm ngày càng nhiều. Tiêu biểu trong số đó có các hộ: Nguyễn Tân Ửng, Nguyễn Văn Thà ở thôn Chánh Oai; Võ Kế Tích ở Tân Thành; Đỗ Ngọc Hưng, Trần Văn Toại ở thôn Vĩnh Hội... Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, cuối năm 2004, toàn xã còn 15,7% hộ nghèo, giảm 7,17% so với năm trước và giảm hơn một nửa so với năm 2001. Sản xuất phát triển, giá trị thu nhập năm 2004 của toàn xã đạt hơn 14 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong cơ cấu kinh tế, nếu như những năm trước đây các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Cát Hải hầu như chưa có gì, thì nay tỷ trọng chiếm 16%. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng, cuộc sống người dân cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2004 đạt trên 3,1 triệu đồng.
Nhằm khai thác có hiệu quả những cơ sở vật chất hạ tầng đã có, xã Cát Hải đã đề ra mục tiêu phát triển trong những năm đến là tập trung chuyển đổi mạnh cây trồng, nhân nhanh các mô hình có thu nhập cao, phấn đấu năm 2005, toàn xã có 150 ha đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Chú trọng phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi, thực hiện nhanh việc lai tạo nâng chất lượng đàn bò. Đặc biệt, là một địa phương có một phần nằm trong quy hoạch du lịch tuyến Phương Mai - Núi Bà, xã có định hướng khuyến khích tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ tham quan du lịch, khai thác lợi thế về tiềm năng du lịch sinh thái ven biển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
. Hoài Trung |