Vụ trồng mía năm 2004, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía, bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân đầu tư chăm sóc mía chưa được chu đáo nên năng suất cây mía giảm, chữ đường thấp, nhà máy và nông dân cùng gặp khó khăn.
|
Nông dân xã Tây Giang thu hoạch mía |
Vụ ép mía năm 2004-2005, Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) đã tăng mức hỗ trợ sản xuất từ 5 triệu đồng/ha lên 8 triệu đồng/ha mía và ký hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu mía cho 8.000 nông dân với giá bảo hiểm 230.000 đồng/tấn mía chữ đường 10, tăng 30.000 đồng/tấn so với năm trước. Đối với các vùng nguyên liệu gần nhà máy và có thời gian thu hoạch sau ngày 1-4 hàng năm, công ty hỗ trợ thêm từ 5.000-10.000 đồng/tấn mía thuần sau khi trừ tạp chất. Nếu giá mía trên thị trường tăng, hoặc giảm, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua nguyên liệu mía kịp thời, nhưng không thấp hơn giá sàn đã nêu trên. Thời gian thanh toán tiền bán mía của nông dân cũng được BISUCO thực hiện nhanh hơn trước. Ngoài ra, BISUCO còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi khác cho nông dân để bà con yên tâm sản xuất và tăng thu nhập từ cây mía.
|
Công ty cổ phần Đường Bình Định triển khai vụ ép mía mới |
Có thể nói, các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu mía của BISUCO đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con nông dân các địa phương trong vùng nguyên liệu mía. Vụ trồng mía năm 2004, nông dân đã trồng được trên 3.000 ha mía. Tuy nhiên, do đa số diện tích mía được trồng ở những vùng thiếu nước tưới, ngay từ đầu vụ lại gặp nắng hạn, nên mía phát triển chậm, năng suất và chữ đường trong mía giảm, trong khi đó, giá phân bón thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường tăng cao, đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Ông Nguyễn Tư, nông dân ở xã Tây Giang (Tây Sơn), cho biết: "Vụ ép mía năm 2003-2004, gia đình tôi trồng trên 5 sào mía, năng suất bình quân đạt 55 tấn/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 8 triệu đồng. Nhưng năm nay, đầu vụ sản xuất gặp phải thời tiết nắng hạn, nên cây mía phát triển chậm, dự kiến năng suất chỉ đạt khoảng 40 tấn/ha". Một nông dân khác, ông Võ Văn Nhơn ở thôn Định Trung xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), tâm sự: "Nguồn thu nhập chính gia đình tôi nhờ vào 15 sào mía. Năm trước gia đình tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng tiền bán mía, nhưng năm nay chữ đường trong mía thấp, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường tăng 8% so với năm trước đã làm giảm nguồn thu của gia đình, ước tính chỉ còn 15 triệu đồng".
Không riêng gì ở Tây Giang, Vĩnh Quang mà hầu hết năng suất mía ở các địa phương khác cũng đều giảm từ 15-20% so với năm trước. Năng suất mía giảm không chỉ làm giảm nguồn thu của nông dân mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của BISUCO. Vụ ép mía năm nay, BISUCO triển khai sớm hơn năm trước hơn nửa tháng (từ tháng 10-2004), nhưng đến nay, qua gần 2 tháng đi vào sản xuất, công ty mới thu mua được 40.000 tấn, trong đó có 3.420 tấn mía nguyên liệu thu mua của nông dân trong tỉnh, còn lại là mua ở tỉnh Gia Lai. Do đó, tuy thời điểm này là chính vụ, nhưng nhà máy chưa chạy hết công suất. Nguyên nhân chủ yếu: nguyên liệu chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất. Phần lớn diện tích mía ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn xanh, chữ đường thấp nên nông dân chưa thu hoạch. Ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng Giám đốc BISUCO, cho biết: "Vụ ép mía năm 2004-2005, BISUCO có kế hoạch thu mua 250.000 tấn, sản xuất 25.000 tấn đường, nhưng với tình hình năng suất và chữ đường trong mía giảm như hiện nay thì khó có thể đạt được kế hoạch. Việc thu hoạch mía muộn như hiện nay cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mùa vụ trồng mía và việc sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2005".
. Phạm Tiến Sỹ |