Thị trấn Phú Phong trên đường đổi mới
14:40', 22/12/ 2004 (GMT+7)

Năm 1978 thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) được thành lập trên cơ sở thôn Phú Phong thuộc xã Bình Phú và thôn Kiên Mỹ (Bình Thành) với tổng diện tích 379 ha; có gần 15.000 nhân khẩu, trong đó 6.716 lao động, chủ yếu là lao động thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp xây dựng. Những năm gần đây thị trấn Phú Phong có nhiều đổi thay đáng kể.

Một góc thị trấn Phú Phong

Nét nổi bật là nền kinh tế thị trấn Phú Phong từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp đã chuyển dịch nhanh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu "thương mại dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp" đã đem lại hiệu quả vững chắc. Về thương mại, thị trấn Phú Phong có một chợ rộng 0,6 ha với cơ ngơi bề thế, đảm đương vai trò trung tâm giao lưu hàng hóa của huyện, và được tỉnh chọn làm chợ điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Lưu lượng họp chợ hàng ngày bình quân thấp nhất 900 lượt người, cao điểm khoảng 2.000 người. Hàng hóa trao đổi mua bán khá phong phú. Ngoài chợ Phú Phong, thị trấn Phú Phong còn có trên 300 cửa hàng, cửa hiệu, công ty thương mại tư nhân nằm trên các dãy phố hoạt động dưới nhiều hình thức bán buôn, bán lẻ, đại lý… Trong đó, sầm uất nhất là 2 con đường Quang Trung và Đống Đa. Lưu lượng hàng hóa kinh doanh thương mại ở thị trấn Phú Phong không chỉ cung ứng trong huyện mà còn vươn tới những thị tứ các huyện phía đông huyện Gia Lai.

Đi đôi với thương mại, hoạt động dịch vụ ở thị trấn cũng phát triển rất đa dạng ngành nghề với 353 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Năm 2004, tổng doanh thu trên lĩnh vực thương mại dịch vụ của thị trấn Phú Phong đạt 72,7 tỉ đồng, tăng 122,6% so năm 2000, chiếm tỉ trọng 66,4% GDP của thị trấn. Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hiện thị trấn Phú Phong có 227 cơ sở sản xuất đang hoạt động, nhiều nhất là nghề sản xuất gạch ngói truyền thống, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội - ngoại thất, chế biến hàng nông sản thực phẩm… Trên lĩnh vực xây dựng, từ chỗ người có vốn, năng lực tay nghề chỉ biết đi làm thuê khắp mọi miền, nay hội tụ, hình thành những HTX, công ty TNHH, chủ thầu… với đội ngũ công nhân lành nghề, phương tiện thiết bị khá hiện đại, bảo đảm cạnh tranh xây dựng được phần lớn các công trình công nghiệp dân dụng trên địa bàn huyện, đem lại uy tín và nguồn thu nhập khá lớn. Tính riêng năm 2004, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ở thị trấn Phú Phong đã đạt giá trị sản lượng 20 tỉ đồng, tăng 76,9% so năm 2000, chiếm tỉ trọng 18,2% tổng doanh thu toàn thị trấn.

Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong năm 2004 thị trấn Phú Phong cũng đã thực hiện đạt giá trị sản lượng 16,7 tỉ đồng, tăng 25,5% so với năm 2000, chiếm tỉ trọng 15,2%. Nhìn chung trong quá trình xây dựng và phát triển, nền kinh tế của thị trấn Phú Phong đã có những bước tiến khá vững chắc và đúng hướng, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 15%, riêng năm 2000 trở lại đây tăng 16,7%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 8,3 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi năm 2000. Hiện trong tổng số 2.730 hộ dân ở thị trấn Phú Phong đã có 31% hộ giàu, tăng 206,6%; 44,5% hộ khá giả, tăng 102,7% so với năm 2000.

Ở thị trấn Phú Phong, hiện nay đã có 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia, 91,2% hộ được sử dụng nước sạch; trên 80% hộ có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và được phục vụ xử lý nước thải. Toàn thị trấn có 95,5% hộ được công nhận đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và 3/6 khối phố được công nhận Khối phố văn hóa. Hầu hết nhà dân cư đã có sự phát triển đúng theo quy hoạch góp phần làm cho bộ mặt đô thị Phú Phong ngày một khởi sắc. Cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn thị trấn cũng đã được xây dựng và phát huy tác dụng. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có Bảo tàng Quang Trung, 2 bệnh viện, trong đó có 1 bệnh viện huyện và 1 bệnh viện khu vực đang xây dựng; 2 khách sạn, có một khách sạn tư nhân khác cũng đang sắp xây dựng. Một số điểm công viên đã được hình thành, hàng năm hệ thống cây xanh trên đường phố đều được trồng mới từ 300 - 500 cây bóng mát… Ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội, những công trình nói trên góp phần tạo nên quần thể kiến trúc đô thị Phú Phong thêm khang trang.

Để xứng đáng với vị trí chiến lược là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, là cửa ngõ của tỉnh nối liền với Tây Nguyên, thị trấn Phú Phong đang triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích tự nhiên từ 379 ha lên 662 ha; trong đó khu vực đô thị là 106 ha. Theo đề án, diện tích được mở rộng ra các xã lân cận gần Tây Xuân, Tây Phú, Bình Tường và Bình Thành.

. Hoàng Chi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo trong vụ ép mía mới  (22/12/2004)
Thị trường may mặc vào mùa  (21/12/2004)
Nghề làm cốm ở Nhơn Thành  (21/12/2004)
Hàng thực phẩm "Made in Bình Định" vào siêu thị  (20/12/2004)
Bước phát triển mới của thị trường tài chính - tiền tệ ở Bình Định  (20/12/2004)
Mấy ghi nhận về phát triển kinh tế trang trại  (20/12/2004)
Cát Hải: Đất khó đã chuyển mình  (19/12/2004)
Đất đồi gò đã hóa… vàng!   (20/12/2004)
Cụm CN-TTCN Phước An: "Đòn bẩy" phát triển của huyện Tuy Phước   (16/12/2004)
Cây khổ qua trên đất Tuy Phước   (15/12/2004)
Công ty TNHH Tiến Đạt: Gia tăng năng lực xuất khẩu   (15/12/2004)
Phủ xanh rừng ngập mặn Nhơn Bình  (14/12/2004)
Tuy Phước: Nỗ lực đưa nước sạch đến người dân Khu Đông   (14/12/2004)
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 2005  (13/12/2004)
Kinh nghiệm đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao: Ghi nhận từ một hội nghị   (13/12/2004)