3 năm thực hiện chương trình ICM: Nông dân được lợi nhiều hơn
9:5', 23/12/ 2004 (GMT+7)

ICM là chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp đối với cây lúa  (còn gọi là chương trình 3 giảm, 3 tăng) do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm BVTV miền Trung phối hợp với Chi cục BVTV Bình Định triển khai thực hiện ở Bình Định từ năm 2002. Mục tiêu của chương trình là nhằm hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất.

3 năm qua ICM đã góp phần giúp nông dân gặt hái những vụ mùa bội thu

Khi bắt đầu triển khai, chương trình ICM ở Bình Định đã gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất là tập quán canh tác của nông dân theo kinh nghiệm dân gian trong các khâu: chọn giống và mật độ sạ, sử dụng phân bón và kỹ thuật bón phân chưa cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý… dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao; năng suất, chất lượng sản phẩm đạt thấp và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người. Do vậy, việc đầu tiên cần triển khai là chọn đối tượng và điểm trình diễn chương trình ICM đối với cây lúa, dựa trên nguyên tắc là người tham gia chương trình có nhận thức đúng về sự cần thiết của việc ứng dụng chương trình ICM và tự nguyện tham gia.

Những nông dân tham gia chương trình ICM trên cây lúa được tập huấn kỹ thuật ba lần/ vụ. Lần thứ nhất, tập huấn trước khi sạ 5-7 ngày, giúp cho bà con nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc ứng dụng mô hình ICM, thực hiện ngâm, ủ giống có sử dụng chất kích kháng Risopla II, mật độ sạ hợp lý, xử lý thuốc trừ cỏ. Lần thứ hai, tập huấn sau khi sạ 18-20 ngày, hướng dẫn cho nông dân phương pháp sử dụng bảng so màu lá lúa để chọn thời điểm bón thúc cho lúa. Lần thứ ba tập huấn sau khi sạ 38-45 ngày, kiểm tra tình hình sử dụng phân bón và lưu ý các đối tượng sâu bệnh gây hại ở thời kỳ cuối vụ. Hướng dẫn cách theo dõi, ghi chép, phân tích, đánh giá các kết quả thu được ở ruộng trình diễn so với ruộng đối chứng và tiến hành phân tích hiệu quả kinh tế.

Trong 3 năm qua, Chi cục BVTV Bình Định đã phối hợp với các địa phương, các HTXNN trong tỉnh tổ chức triển khai 29 điểm trình diễn ICM; 1 điểm thực hiện cánh đồng ICM. Tổng số nông dân tham gia là 960 người (trong đó có 120 người ở Hoài Phú - Hoài Nhơn tham gia xây dựng cánh đồng ICM), tổng số diện tích ruộng trình diễn: 36 ha (trong đó ruộng ICM: 16ha).

Theo ông Kiều Văn Cang, cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV Bình Định, người trực tiếp theo dõi chương trình ICM: "Do được tập huấn, hướng dẫn chu đáo, nên nông dân tham gia mô hình trình diễn chương trình ICM đối với cây lúa đã tiếp thu và ứng dụng có kết quả trên tất cả các mô hình trình diễn". Một số điển hình như: Mô hình ICM do ông Nguyễn Văn Khanh (Nhơn Thọ - An Nhơn) thực hiện trong vụ sản xuất đông xuân 2003-2004, năng suất lúa đạt 5,3 tấn/ha; lợi nhuận đạt hơn 5,5 triệu đồng/ha (cao hơn so với ruộng không ứng dụng ICM: 1,3 triệu đồng/ha. Theo Chi cục BVTV tỉnh, việc ứng dụng ICM đối với cây lúa đã mang lại kết quả thiết thực: giảm lượng giống sạ trung bình: 40kg/ha so với ruộng không ứng dụng ICM, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã. Do sử dụng chất kích kháng trong quá trình ngâm ủ giống, nên tỷ lệ nảy mầm và chất lượng giống cao, số lần phun thuốc giảm bình quân 0,2-0,4 lần so với ruộng đối chứng, giảm lượng phân đạm trung bình 5-8 kg/ha, năng suất tăng bình quân 1-1,5 tạ/ha.

Tuy còn một số hạn chế cần khắc phục như việc bà con nông dân còn bỡ ngỡ khi sử dụng bảng so màu lá lúa để bón thúc phân cho cây lúa, nhưng do mô hình ICM triển khai đơn giản, dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao, có tính thuyết phục nên đã được đông đảo bà con nông dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ. Vụ đông xuân 2004-2005, Chi cục BVTV tiếp tục triển khai chương trình ICM ở các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước.     

. Lê Văn Thi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trấn Phú Phong trên đường đổi mới   (22/12/2004)
Nỗi lo trong vụ ép mía mới  (22/12/2004)
Thị trường may mặc vào mùa  (21/12/2004)
Nghề làm cốm ở Nhơn Thành  (21/12/2004)
Hàng thực phẩm "Made in Bình Định" vào siêu thị  (20/12/2004)
Bước phát triển mới của thị trường tài chính - tiền tệ ở Bình Định  (20/12/2004)
Mấy ghi nhận về phát triển kinh tế trang trại  (20/12/2004)
Cát Hải: Đất khó đã chuyển mình  (19/12/2004)
Đất đồi gò đã hóa… vàng!   (20/12/2004)
Cụm CN-TTCN Phước An: "Đòn bẩy" phát triển của huyện Tuy Phước   (16/12/2004)
Cây khổ qua trên đất Tuy Phước   (15/12/2004)
Công ty TNHH Tiến Đạt: Gia tăng năng lực xuất khẩu   (15/12/2004)
Phủ xanh rừng ngập mặn Nhơn Bình  (14/12/2004)
Tuy Phước: Nỗ lực đưa nước sạch đến người dân Khu Đông   (14/12/2004)
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 2005  (13/12/2004)