Nem chua Chợ Huyện - một đặc sản của Bình Định - đang có nguy cơ bị mất thương hiệu do một số cơ sở sản xuất trong nước đã "nhái" theo tên gọi này. Bài học về sự tranh chấp thương hiệu của rượu Bàu Đá vẫn còn nguyên tính thời sự nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không tính đến chuyện đăng ký thương hiệu cho nem chua Chợ Huyện.
|
Gói nem tại cơ sở Bốn Lai |
Hiện nay, tại xã Phước Lộc (Tuy Phước) có 5 cơ sở sản xuất nem chua với qui mô lớn và khoảng 10 cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng vẫn chưa có một cơ sở nào chịu đứng ra đăng ký xây dựng thương hiệu độc quyền sản phẩm nem chua Chợ Huyện. Anh Trần Quốc Bửu, chủ cơ sở sản xuất nem chua Bốn Lai, là đời thứ ba nối nghiệp nghề truyền thống này; mặc dù cơ sở Bốn Lai hoạt động trong thời gian dài, nổi tiếng khắp nơi nhưng khi nhắc đến việc đăng ký thương hiệu thì anh Bửu như còn xa lạ lắm. Anh cho biết: "Trước giờ tôi chỉ lo sản xuất sao cho nem được ngon để phục vụ khách hàng. Còn việc đăng ký độc quyền thương hiệu tôi có biết gì đâu. Mà đăng ký thương hiệu chi cho rườm rà, tốn kém". Không riêng gì anh Bửu, hầu hết các cơ sở sản xuất nem ở đây đều có tư tưởng như thế. Kể cả chính quyền địa phương cũng không mặn mà gì lắm trong việc này. Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: "Lâu nay chúng tôi cũng… quên việc này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ động viên, hướng dẫn thủ tục và giúp đỡ các cơ sở sản xuất nem ở đây đăng ký độc quyền thương hiệu".
Trong lúc chúng ta đang thờ ơ với "tài sản quý" của chính mình thì với sự xuất hiện của nem Chợ Huyện ở khắp nơi trong nước, nhiều người ở các tỉnh khác đã đến Phước Lộc học nghề làm nem, khi về lại địa phương họ cũng lấy tên nem chua Chợ Huyện để đặt tên cho cơ sở của mình. Một đồng nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho biết, tại chợ Bà Hoa - phường 11 (Tân Bình) nem chua Chợ Huyện được bán chung với nem Thủ Đức, nem Lai Vung (Đồng Tháp), nem chua Ninh Hòa (Khánh Hòa)... Tuy nhiên do chất lượng nem chua Chợ Huyện ngon hơn nên nhiều khi không phải là nem chua Chợ Huyện, người bán cứ nói đại là nem chua Chợ Huyện để bán được hàng. Có thể, hiện tượng này không chỉ xảy ra tại chợ Bà Hoa mà còn ở nhiều nơi khác trong nước.
Cách đây chưa lâu, chúng ta đã xơi phải quả đắng khi thương hiệu rượu Bàu Đá - một đặc sản truyền thống của Bình Định - đã bị một doanh nghiệp ở Đà Nẵng nhanh chân đăng ký thương hiệu. Doanh nghiệp này đã sớm nhận ra tiềm năng của rượu Bàu Đá và "thầu" hầu hết sản phẩm rượu của xã Nhơn Lộc (An Nhơn) để đăng ký thương hiệu Bàu Đá. Mất quyền lợi, người sản xuất rượu Bàu Đá làm đơn khiếu nại nhưng cũng chịu thua. Lúc này, chính quyền mới giật mình. Nhưng chuyện đã rồi, đành phải "xuống nước" thương lượng với doanh nghiệp kia để được trả lại tên rượu Bàu Đá cho chính "chủ" của nó.
Theo chúng tôi được biết, việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm không phải là quá khó và tốn kém. Khi được cấp bằng độc quyền thương hiệu, thì các chủ sản xuất, kinh doanh được bảo hộ bởi Cục Sở hữu Trí tuệ, không ai được quyền "ăn theo" thương hiệu đã được đăng ký. Trở lại với việc đăng ký thương hiệu cho nem Chợ Huyện, rõ ràng đây là việc phải tiến hành ngay và các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện Tuy Phước phải có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất nem trong việc này. Đứng để mất bò mới lo làm chuồng như vụ tranh chấp thương hiệu rượu Bàu Đá.
. Nguyễn Phúc |