Vân Canh: Đối mặt với hạn
16:17', 28/12/ 2004 (GMT+7)

Do ít có mưa, hiện nay, nguồn nước ở các dòng sông, hồ chứa nước thuộc huyện Vân Canh dần khô cạn. Đang là thời vụ sản xuất đông xuân (ĐX), nhưng thời tiết diễn biến bất lợi cho sản xuất, càng làm cho nông dân thêm lo lắng.

Nông dân xã Canh Hiệp đã làm đất xong nhưng chưa có nước để sản xuất

Bà Trần Thị Đào, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vân Canh cho biết: "Vụ này, huyện có kế hoạch sản xuất 653 ha lúa, 250 ha bắp, 1.500 ha mì, 1.000 ha mía… Theo lịch thời vụ của tỉnh thì cuối tháng 12 là kết thúc gieo trồng, nhưng vì không có mưa, nên đến nay nông dân trong huyện mới chỉ thực hiện được 1/3 kế hoạch. Và nếu trong thời gian tới không có mưa, thì tiến độ sản xuất của huyện sẽ bị đình trệ".

Canh Thuận là một trong những địa phương đang chịu nhiều thiệt hại do hạn hán gây ra. Năm 2004, nông dân trong xã đã sản xuất được 300 ha lúa, nhưng nắng hạn đã làm chết trên 182 ha, diện tích còn lại năng suất chỉ đạt 14 tạ/ha. Các loại cây trồng khác như: mía, mì, bắp… cũng bị ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt nên năng suất đạt thấp. Riêng cây mía năng suất bình quân đạt từ 22-25 tấn/ha, giảm trên 30% so với năm trước. Bên ruộng mía của mình, ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Canh Tân, xã Canh Thuận than vãn: "Mọi chi tiêu của gia đình tôi đều nhìn vào 1 ha mía, nhưng nắng hạn đã làm cho hơn 1 sào mía bị chết, diện tích mía còn lại cũng đã bị ảnh hưởng, nên năng suất bình quân chỉ đạt 22 tấn/ha, trừ chi phí lãi chỉ còn khoảng 2 triệu đồng". Một nông dân khác, ông Nguyễn Hà Công ở thôn Thịnh Văn I lo lắng: "Tôi đã trồng mới được 1 ha mía mới và 1 ha mì, nhưng do nắng quá, nên mía mọc không đều, còn mì thì đang có nguy cơ khô héo".

Phần lớn diện tích sản xuất của xã Canh Thuận đều phụ thuộc vào nước trời, năng suất cây trồng rất bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, bên cạnh việc thu hoạch cây trồng năm 2004, nông dân trong xã triển khai sản xuất vụ ĐX, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm vì không có mưa.

Không riêng gì ở xã Canh Thuận mà nông dân ở các địa phương khác của Vân Canh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Dọc theo hai bên bờ sông Hà Thanh, chúng tôi thấy nhiều nông dân đã đào các hố nước ở lòng sông, dùng máy bơm để lấy nước tưới. Có hộ đã đào giếng, khoan giếng bên đám ruộng của gia đình. Một số hộ đã không may mắn đào trúng phải đá bàn, đành bó tay. Tại xã Canh Hiệp, ông Lê Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho biết: "Phần lớn diện tích sản xuất của xã đều nhờ vào nguồn nước từ sông Hà Thanh. Chúng tôi đã vận động nông dân nạo vét dòng sông và đào giếng để lấy nước tưới, nhưng cũng chỉ đảm bảo được một số ít diện tích, chủ yếu là cây lúa. Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã hoàn thành khâu làm đất, nhưng chưa đưa vào sản xuất được vì chưa có mưa. Nếu không có mưa lớn thì cả nước sông và nước ngầm cũng sẽ bị cạn kiệt, đời sống sản xuất của nông dân càng khó khăn hơn".

Để đối phó với hạn hán, huyện Vân Canh đã chủ trương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vụ ĐX 2004-2005, huyện đã chuyển 100 ha lúa chân cao sang trồng các loại cây trồng cạn, tăng cường sản xuất các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới hơn như: mì, mía, đậu phụng… Ông Nguyễn Danh An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Tình hình nắng hạn như hiện nay thì nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ đông xuân và hè thu là khó tránh khỏi. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là cần phải thu hoạch hết diện tích mía và lúa của năm 2004, đồng thời tìm biện pháp để cứu vãn diện tích cây trồng vụ ĐX 2004-2005. Chúng tôi đã đề nghị Công ty Đường tăng cường công tác thu mua nguyên liệu mía, giải quyết nhanh đầu ra cho nông dân; đồng thời tăng cường các trạm bơm, máy bơm nước để lấy nước từ các sông, suối phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, các xã đang đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thành lập ban chỉ đạo chống hạn, nạo vét dòng sông, lòng hồ, phân phối nước hợp lý cho các cánh đồng. UBND huyện còn chỉ đạo cho Trung tâm Y tế huyện cấp phát thuốc phòng bệnh cho nông dân; chỉ đạo Trạm Thú y thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, tăng cường tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… ".

Hy vọng với những nỗ lực như vậy, Vân Canh có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra.

. Tiến Sỹ- Mai Hồng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Màu xanh của một trang trại   (27/12/2004)
Bình Định đăng ký tham gia CLB 1.000 tỉ là có cơ sở   (27/12/2004)
Đăng ký thương hiệu cho nem chua Chợ Huyện - đừng để mất bò mới lo làm chuồng  (26/12/2004)
Hướng đi nào cho Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh?  (24/12/2004)
Kinh tế trang trại ở Phù Cát: Phát triển rộng nhưng chưa sâu  (24/12/2004)
3 năm thực hiện chương trình ICM: Nông dân được lợi nhiều hơn  (23/12/2004)
Thị trấn Phú Phong trên đường đổi mới   (22/12/2004)
Nỗi lo trong vụ ép mía mới  (22/12/2004)
Thị trường may mặc vào mùa  (21/12/2004)
Nghề làm cốm ở Nhơn Thành  (21/12/2004)
Hàng thực phẩm "Made in Bình Định" vào siêu thị  (20/12/2004)
Bước phát triển mới của thị trường tài chính - tiền tệ ở Bình Định  (20/12/2004)
Mấy ghi nhận về phát triển kinh tế trang trại  (20/12/2004)
Cát Hải: Đất khó đã chuyển mình  (19/12/2004)
Đất đồi gò đã hóa… vàng!   (20/12/2004)