Chuyện làm giàu của một cựu chiến binh
18:22', 28/12/ 2004 (GMT+7)

Đó là ông Đặng Ngọc Thạch, thương binh hạng 4/4, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ. Nhờ dám nghĩ dám làm, từ chỗ phải chạy ăn từng bữa, gia đình ông đã vươn lên trở thành chủ của một trong những trang trại "hoành tráng" nhất Phù Mỹ hiện nay.

Ông bị mồ côi mẹ khi mới 10 ngày tuổi, đến 4 tuổi lại chịu cảnh mất đi người cha thân yêu khi cha ông hy sinh ở mặt trận Cam Lông năm 1954. Năm 1964, khi mới 14 tuổi, cậu thiếu niên Đặng Ngọc Thạch đã giã từ ông bà nội, thoát ly tham gia cách mạng ở địa phương và đến năm 1966, xung phong vào bộ đội huyện Phù Mỹ. Trong trận đánh cầu Bình Trị ở xã Mỹ Quang năm 1968, ông Thạch bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Những năm sống ở hậu phương lớn miền Bắc, ông Thạch đã cố gắng học hết cấp 3 và đến cuối năm 1974 được điều lại về Nam công tác. Đến năm 1982 ông nghỉ chế độ 1 lần vì sức khỏe yếu.

Trở về gia đình với sức khỏe yếu, tiền trợ cấp thương binh lại quá ít ỏi trong khi vợ chồng ông có tới 5 đứa con, nên mặc dù đã cố gắng làm lụng "đầu tắt, mặt tối" nhưng gia đình ông Thạch vẫn luôn sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn, có lúc không thể vượt qua. Nhưng rồi, cái ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo của anh "Bộ đội Cụ Hồ" trong ông Thạch đã trỗi dậy, thôi thúc ông vươn lên.

Và thế là cùng với việc làm ruộng, ông Thạch đã theo một số người quen mua bê con ở địa phương đi bán kiếm lời. Việc buôn bán của ông cũng có lãi cộng với thu nhập từ việc làm ruộng, nuôi heo của vợ ở nhà nên vợ chồng ông Thạch đã tích góp được một ít vốn. Từ số vốn ít ỏi này, đầu năm 1998, ông mạnh dạn đấu thầu hồ thủy lợi Vạn Định để nuôi cá nước ngọt. Ban đầu, ông Thạch hùn vốn với 2 người khác và bàn nhau cải tạo lòng hồ bằng cách dọn sạch gốc cây trong hồ rồi mới nuôi cá, nhưng mọi người cho rằng chỉ có "điên" mới làm việc này vì nó quá tốn kém. Thế là 2 người hùn vốn với ông bỏ cuộc. Riêng ông Thạch thì quyết tâm làm cho bằng được. Ông chạy vạy vay mượn tiền rồi cả nhà trần lưng ra bơm tát hơn 1 tháng mới cạn nước, rồi thuê máy múc, thuê người cải tại lòng hồ gần 4 tháng hết 26 triệu đồng. Bù lại ông thu được một lượng lớn cá, bán được hơn chục triệu để trả nợ vay.

Bắt đầu từ vụ cá 2001 trở đi, mỗi năm ông Thạch thu lãi từ 15 đến 30 triệu đồng. Đến nay bình quân mỗi đêm ông có thể thu được hơn 100.000 đồng tiền bán cá và có thể đánh bắt đến quanh năm, ít nhất cho đến năm 2010.

Việc nuôi cá đem lại hiệu quả, có vốn cộng với có sức lao động của các con, ông Thạch quyết định khai hoang một đồi cỏ tranh rộng 3,4 ha gần nhà để làm kinh tế trang trại. Mới đầu, ý định này của ông đã bị vợ và các con phản đối, còn bà con nông dân ở địa phương thì cho là ông bị "hấp" thật rồi vì khu đồi này từ xưa đến nay toàn chỉ có cỏ tranh chứ chẳng có cây gì sống được. Ai nói sao cũng mặc, sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, ông Thạch đã thuê xe ủi khu đồi này thành từng lô đất bậc thang vừa sản xuất vừa cải tạo và đến năm 2003 thì hình thành một trang trại rộng 3ha, có nhà ở, đường đi, có hệ thống điện 3 pha phục vụ bơm nước tưới, có hệ thống đường ống dẫn nước tưới dài trên 400m bơm lên bể tưới cho cây trồng. Hiện nay, tại trang trại này, ông Thạch đã trồng được hơn 2 ha dứa Cayen, 300 cây đào ghép cao sản và 240 gốc xoài.

Đất chẳng phụ công người chăm, hiện nay các loại cây trồng ở trang trại ông Thạch phát triển rất tốt và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong một vài năm tới.

Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, với trách nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Vạn Định, ông Đặng Ngọc Thạch còn luôn quan tâm đến những đồng đội cũ, ủng hộ vật chất và giúp đỡ về kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình cho anh em cựu chiến binh trong Chi hội. Nhờ vậy đến nay, Chi hội Cựu chiến binh thôn Vạn Định không còn hộ hội viên đói nghèo, đời sống hội viên ngày một được nâng lên. Riêng vợ chồng cựu chiến binh Đặng Ngọc Thạch năm nào cũng được anh em hội viên bầu chọn là hội viên xuất sắc và gia đình văn hóa xuất sắc.

. Xuân Nguyên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh: Đối mặt với hạn  (28/12/2004)
Màu xanh của một trang trại   (27/12/2004)
Bình Định đăng ký tham gia CLB 1.000 tỉ là có cơ sở   (27/12/2004)
Đăng ký thương hiệu cho nem chua Chợ Huyện - đừng để mất bò mới lo làm chuồng  (26/12/2004)
Hướng đi nào cho Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh?  (24/12/2004)
Kinh tế trang trại ở Phù Cát: Phát triển rộng nhưng chưa sâu  (24/12/2004)
3 năm thực hiện chương trình ICM: Nông dân được lợi nhiều hơn  (23/12/2004)
Thị trấn Phú Phong trên đường đổi mới   (22/12/2004)
Nỗi lo trong vụ ép mía mới  (22/12/2004)
Thị trường may mặc vào mùa  (21/12/2004)
Nghề làm cốm ở Nhơn Thành  (21/12/2004)
Hàng thực phẩm "Made in Bình Định" vào siêu thị  (20/12/2004)
Bước phát triển mới của thị trường tài chính - tiền tệ ở Bình Định  (20/12/2004)
Mấy ghi nhận về phát triển kinh tế trang trại  (20/12/2004)
Cát Hải: Đất khó đã chuyển mình  (19/12/2004)