Thời gian gần đây, một số địa phương trong nước đã tái phát dịch cúm gia cầm (DCGC). Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng chống. Ở Bình Định, trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo hết sức cụ thể và kiên quyết đối với công tác phòng chống dịch; các ngành chức năng và người chăn nuôi đã thực hiện khá tốt. Phóng viên Báo Bình Định đã khảo sát công tác phòng chống dịch tại một số cơ sở chăn nuôi trong tỉnh.
* Từ các đơn vị cung cấp con giống
|
Các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bình Định vẫn phát triển tốt |
Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung (NCPTCNMT) thuộc Viện Chăn nuôi, có trại giống đặt ở huyện An Nhơn. Đây là một trong những cơ sở nuôi giữ giống gia cầm gốc có quy mô lớn, đang nuôi giữ 1.600 con gà giống gốc gồm: giống gà Hoa Lương Phượng và giống gà Sasso (Pháp). Từ đầu tháng 11 đến nay, khi có thông tin dịch cúm tái phát ở một số nơi, trại giống này đã được tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn đàn gà giống. Theo ông Hoàng Văn Trường, Trưởng trại NCPTCNMT, gần một tháng nay, các biện pháp phòng dịch cho đàn gia cầm ở đây đã được thắt chặt. Toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật đều được trang bị phương tiện bảo hộ và các trang thiết bị cần thiết để chăm sóc đàn gà ở mức độ cao. Thức ăn chăn nuôi cho đàn gia cầm được xử lý sát trùng trước khi đưa vào trại. Việc tẩy uế, tiêu độc sát trùng chuồng trại được thực hiện thường xuyên, mỗi tuần 3 lần phun thuốc sát trùng, rải vôi bột ở các lối đi và xung quanh chuồng trại để hạn chế sự xâm nhập của vi rút cúm gà. Đối với đàn gà giống, các khu chăn nuôi được ngăn ra thành các ô nhỏ, dùng lưới bảo vệ, có rào chắn cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã liên tục theo dõi sự phát triển của đàn gia cầm, tiêm vitamin tăng sức đề kháng... Đến thời điểm hiện nay, đàn gà giống gốc của Trung tâm đang phát triển tốt, sạch bệnh; là nguồn cung cấp giống chất lượng cao cho người chăn nuôi trong tỉnh.
Ngoài trại gà An Nhơn, trại gà giống Minh Dư ở Tuy Phước cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm, đảm bảo cung cấp nguồn giống tốt cho người chăn nuôi. Ông Lê Văn Dư - chủ cơ sở Minh Dư cho biết: Việc bảo vệ đàn giống được triển khai rất chặt chẽ. Khi có thông tin DCGC bắt đầu xuất hiện ở một số nơi, trại đã quyết định giảm nguồn cung cấp giống xuống phân nửa, đồng thời chuyển sang chế độ bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm ngăn ngừa dịch cúm xâm nhập. Ngoài ra, công tác tiêu độc, sát trùng, vệ sinh chuồng trại được thực hiện liên tục mỗi tuần từ 1 - 2 lần. Hiện nay, toàn bộ đàn gia cầm nuôi giữ ở đây đều an toàn, khỏe mạnh. Để đảm bảo chất lượng con giống, trại thường xuyên lấy mẫu máu gia cầm gởi đến Trung tâm Thú y vùng - Đà Nẵng để xét nghiệm. Ông Trần Minh Định - chủ một trang trại gà giống ở thị trấn Tuy Phước, hiện có đàn gà giống 600 con (giống gà Hoa Lương Phượng) cũng đã tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gà giống của mình. Ở Trại Thực nghiệm giống vật nuôi Diêu Trì, các hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống cũng đã chuyển sang chế độ bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống.
* Đến các trang trại chăn nuôi
So với cùng thời điểm này năm 2003, số lượng gia cầm ở các trang trại có ít hơn, song không vì thế mà công tác phòng chống bị xem nhẹ. Cùng với sự hướng dẫn phòng chống dịch của cán bộ thú y, các chủ trang trại còn thường xuyên theo dõi thông tin liên quan đến dịch bệnh để chủ động và sẵn sàng ứng phó. Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Xuân Du ở thôn Ngọc Thạnh, xã Phước An (Tuy Phước) trong lúc ông đang tiến hành tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Trước đây, trại của ông Du là một trong số những trang trại chăn nuôi gà gia công cho Công ty chăn nuôi CP, có quy mô lớn ở huyện Tuy Phước, mỗi lứa nuôi gần 10.000 con gà siêu thịt. Tuy nhiên, từ tháng 9-2004 đến nay, thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh về phòng chống DCGC tái phát, Công ty CP đã ngừng nhập gà giống vào tỉnh, ông Du chuyển sang nuôi gà thịt. Mỗi lứa ông Du nuôi từ 1.500 - 2.000 con, giống gà Cargill và Hoa Lương Phượng để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Để bảo vệ đàn gà, ông Thìn thường xuyên tiêm thuốc kháng sinh và thực hiện việc tiêu độc sát trùng thường xuyên. Ông Du cho biết: "Rút kinh nghiệm đợt dịch trước, dù biết rằng hiện nay Bình Định chưa tái phát dịch cúm gia cầm, nhưng chúng tôi vẫn hết sức cảnh giác với loại bệnh nguy hiểm này". Tìm hiểu tại các cơ sở chăn nuôi gà gia công cho Công ty chăn nuôi CP, hầu hết các trại đều tạm thời bỏ trống chuồng. Ông Lê Văn Thìn, một cơ sở chăn nuôi gà gia công ở thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân (An Nhơn) cho biết: "Hơn 3 tháng nay, các trại chăn nuôi gà gia công trên địa bàn xã Nhơn Tân đều tạm thời đóng cửa vì Công ty CP không nhập giống gà. Tuy không nuôi nhưng tôi vẫn thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại để ngăn chặn vi rút dịch cúm tái phát. Dự kiến qua Tết, trại tôi sẽ bắt đầu chăn nuôi trở lại!".
* Phản ứng của cơ quan có chức năng
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đến nay, DCGC trên địa bàn Bình Định đang được khống chế rất tốt. Để ngăn ngừa dịch có thể tái phát, lực lượng thú y đang phối hợp với các cấp, ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cúm, cử cán bộ thú y liên tục kiểm tra, giám sát tại các cơ sở chăn nuôi. Ngành Thú y cũng đã thường xuyên lấy mẫu máu gửi ra Trung tâm Thú y vùng - Đà Nẵng để xét nghiệm. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia cầm tại các chợ, các tụ điểm mua bán để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh. Ngoài ra, để ngăn chặn vi rút dịch cúm lây lan đến Bình Định, hiện nay, tại hai chốt kiểm dịch ở đèo Cù Mông và đường Quy Nhơn - Sông Cầu, lực lượng thú y đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển giống gia cầm và gia cầm vào địa bàn tỉnh.
. Nguyễn Hân |