Trong năm 2004, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu năm 2004, giá trị kim ngạch xuất khẩu (GTKNXK) ước đạt trên 118 triệu USD, chiếm tỉ lệ 11,8% so với GTKNXK lâm sản toàn quốc.
* Từ các chính sách ưu đãi
|
Bàn ghế gỗ ngoài trời xuất khẩu |
Để có được kết quả đáng phấn khởi như vậy, Bình Định đã trải qua 10 năm dày công tập trung đầu tư cho chương trình phát triển chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đó là quá trình áp dụng đồng bộ các chính sách hỗ trợ đầu tư về giá thuê đất, hỗ trợ thuế thu nhập, hỗ trợ tín dụng đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, di chuyển cơ sở sản xuất, xử lý môi trường và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và đảm bảo ổn định chính sách khuyến khích đầu tư. Tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp tập trung, như khu công nghiệp Phú Tài (Quy Nhơn), khu chế biến lâm sản Nhơn Hòa (An Nhơn) và dọc đường Quy Nhơn- Sông Cầu (trên địa bàn 2 phường Quang Trung và Nhơn Phú - TP Quy Nhơn); tạo mọi điều kiện thuận lợi để bố trí đất đai cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu với thời gian giải quyết hồ sơ thuê đất nhanh chóng. Tỉnh đảm bảo quy hoạch tái định cư, tổ chức xét duyệt phương án đền bù thiệt hại, giải phóng và giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Về thủ tục hành chính, Bình Định đã thực hiện cơ chế "một cửa, một đầu mối", nhà đầu tư được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến việc giải quyết các thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư trong thời gian từ 2-7 ngày làm việc tùy theo dự án. Đồng thời UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Vừa qua, các DN cũng được "hưởng lợi" từ việc ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 1-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tiếp tục áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển kinh doanh… tạo điều kiện cho các DN hoạt động có hiệu quả.
* Đến sự nỗ lực của các DN
Thời gian qua, các DN chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh đã tăng cường đầu tư cho công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là tập trung khai thác thị trường các nước Bắc Âu - một thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời và nội thất của Bình Định. Về thị phần tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ tinh chế xuất khẩu năm 2004 được thể hiện như sau: thị trường châu Âu chiếm tỷ lệ 91,6%; thị trường châu Á chiếm tỷ lệ 2,2%; châu Mỹ 2,5%; châu Phi 0,1%; châu Đại Dương 3,6%. Nhờ thực hiện tốt công tác thị trường, trong năm qua đã có trên 70% DN có thể chủ động tổ chức sản xuất liên tục trong năm, ít bị tình trạng ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng, hoặc nghỉ theo mùa hàng kéo dài như những năm trước đây. Có thể nói, đây là thành công lớn nhất, yếu tố quyết định tạo nên sự tăng trưởng KNXK hàng lâm sản của tỉnh trong năm qua.
|
Sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu ở Vinafor Quy Nhơn |
Về việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, hóa chất, thiết bị máy móc phục vụ cho chế biến xuất khẩu, trong năm 2004, các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã khai thác các thị trường xuất khẩu gỗ lớn trên thế giới như: châu Phi, Nam Mỹ, New Zealand, Myanmar… và đã nhập khẩu trên 236.000 m3 gỗ quy tròn các loại để chế biến xuất khẩu. Nhờ nắm được đơn hàng, các DN đã chủ động mua dự trữ được lượng nguyên liệu gỗ hợp lý để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối nhịp nhàng, ít bị tình trạng ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu như những năm trước đây. Ngoài ra, các DN đã khai thác và thu mua ngoài tỉnh 120.000m3 gỗ rừng trồng để chế biến dăm và đồ gỗ xuất khẩu, và nhập khẩu 444 máy chế biến gỗ các loại để bổ sung cho dây chuyền thiết bị, nâng cao công suất chế biến.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm qua, các DN chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục tập trung đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm đồ gỗ của từng DN. Toàn tỉnh có 40 DN chế biến gỗ xuất khẩu được cấp chứng chỉ COC theo tiêu chuẩn quốc tế, có 4 DN áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000-2001 và sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu có nguồn gốc được khai thác trong các khu rừng được quản lý bền vững (FSC). Các DN đã đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, mở trang Web và thực hiện giao dịch mua bán qua hệ thống thông tin nối mạng, tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế về ngành hàng để quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư…
Trong năm 2004, nhiều DN đã tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực chế biến. DNTN Duyên Hải đưa vào hoạt động nhà máy có công suất 3.000m3 sản phẩm/năm tại khu công nghiệp Long Mỹ, thu hút 2.000 lao động. Công ty TNHH Phước Hưng đầu tư cơ sở chế biến mới tại khu công nghiệp Phú Tài. Tổng công ty PISICO đầu tư cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu công suất 2.000m3 sản phẩm/năm tại khu công nghiệp Tam Phước tỉnh Đồng Nai; đầu tư nhà máy chế biến đồ gỗ cao cấp dùng nguyên liệu inox kết hợp với gỗ và các loại vật liệu khác, đầu tư nhà máy chế biến dăm tại Chân Mây (Thừa Thiên- Huế). Ngoài ra, có nhiều cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu được tiếp tục mở mới ở Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn… đã góp phần nâng công suất chế biến gỗ toàn tỉnh đạt 87.000m3 gỗ tinh chế/năm.
* Và những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu, nhìn chung, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Về cung cấp nguyên liệu tại chỗ chưa ổn định, chỉ mới đáp ứng ở mức độ thấp cả về số lượng và chất lượng. Việc nhập khẩu gỗ ngày càng khó khăn vì các nước trong khu vực có chủ trương cấm, hạn chế xuất khẩu gỗ. Về quy mô, trừ một số DN có dây chuyền thiết bị máy móc, công nghệ tiên tiến; đa số các DN có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề công nhân còn thấp, sản phẩm gỗ xuất khẩu còn đơn giản. Điều quan trọng là thương hiệu sản phẩm gỗ đồ gỗ của Bình Định chưa được đầu tư xây dựng; trình độ tổ chức quản lý, sự phối hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN còn nhiều hạn chế. Vai trò, tác dụng của Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định chưa được thể hiện rõ nét trong quá trình hoạt động.
Trong thời gian đến, Bình Định sẽ triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu giấy, gỗ trên cơ sở gắn các DN chế biến gỗ xuất khẩu với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, trong đó ưu tiên cây nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu… góp phần phát triển ngành sản xuất, chế biến gỗ.
. Lê Văn Thi
GTKNXK nhóm hàng lâm đặc sản ước đạt 118,027 triệu USD, đạt 122,9% kế hoạch năm 2004, tăng 43,85% so với năm 2003, chiếm tỷ lệ 65,57% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh; ước đạt 11,8% GTKNXK lâm sản toàn quốc. Về khối lượng các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Gỗ tinh chế xuất khẩu đạt 80.000m3 đạt 119,4% kế hoạch năm 2004 và tăng 41,39%; gỗ dăm xuất khẩu đạt 101.809 tấn, đạt 106% kế hoạch năm 2004, tăng 13,67% so với năm 2003.
Trong số 53 DN tham gia chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, có nhiều DN đạt giá trị xuất khẩu cao như: Tổng công ty PISICO: 15,655 triệu USD; DNTN Duyên Hải 15,327 triệu USD; Công ty TNHH Tiến Đạt: 11,724 triệu USD; Công ty TNHH Quốc Thắng: 7,775 triệu USD; Công ty TNHH Đại Thành: 6,7 triệu USD, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định: 5,889 triệu USD, Công ty Phú Tài: 5,21 triệu USD, và có 39 DN có KNXK tăng so với năm 2003. | |