Lượng mưa bình quân hàng năm trên địa bàn Vân Canh thuộc loại thấp nhất tỉnh, mùa khô lại kéo dài, thêm vào đó do cấu trúc địa chất ở đây có nhiều vết nứt gãy nên nguồn nước mặt và nước ngầm bị bốc hơi nhanh chóng. Do những hạn chế này, nước nói chung, đặc biệt nước phục vụ các nhu cầu sinh hoạt là vấn đề bức xúc đối với nhân dân trong huyện.
* Những công trình hợp lòng dân
|
Lấy nước sạch từ vòi nước công cộng |
Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, khi ngay cả sông Hà Thanh cũng bị cạn kiệt, dân Vân Canh thường phải đi rất xa để tìm nước đọng trong các con suối, những vũng nước đọng trên sông để dùng trong sinh hoạt... Nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều bệnh dịch có điều kiện phát sinh…
Để đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho dân, trong chừng 5 năm gần đây huyện Vân Canh đã tiến hành quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nước. Hệ thống cung cấp (HTCC) nước sạch đầu tiên và cũng là công trình có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Vân Canh đến nay là HTCC nước sạch Suối Phướng với công suất 1.500 m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 700 hộ dân ở các xã: Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. Sau HTCC này hàng loạt công trình khác đã được đầu tư xây dựng, có thể kể đến công trình cung cấp nước sạch Suối Dú (Canh Hòa) có vốn đầu tư 480 triệu đồng, công trình cung cấp nước sạch Đà Giang - xã Canh Thuận, vốn đầu tư trên 200 triệu đồng, công trình cung cấp nước sạch Suối Lá Bí 1, Suối Lá Bí 2, Làng Cót -xã Canh Liên, vốn đầu tư trên 300 triệu đồng…
Những công trình này đã đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân ở các thôn, làng vốn khan nước. Nước được lấy từ các dòng suối, qua hệ thống lọc rồi dẫn truyền theo các đường ống đến bể chính trước khi đưa đến cho người dân sử dụng. Việc tận dụng các dòng suối để xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tự chảy đã giúp huyện giảm được chi phí đầu tư xây dựng, cung cấp nước cho nhân dân quanh năm.
* Hiệu quả tích cực
|
Nước sạch đã về đến tận hộ gia đình ở làng Hà Văn Trên |
Bà Đoàn Thị Sáu (dân tộc Chăm) ở thôn Canh Thành, xã Canh Hòa cho biết: "Trước đây, cả thôn chỉ có hơn chục cái giếng, nhưng các giếng vào mùa hè đều bị cạn kiệt, khổ lắm. Nay, có nước sạch để nấu ăn, tắm giặt, bà con đã tránh được nhiều bệnh tật, nhất là bệnh phụ khoa ở chị em phụ nữ. Đặc biệt là nước chảy về gần nhà nên phụ nữ không phải đi cõng nước nữa, lúc trước có khi phải đi bộ gần 2km mới có nước đấy". Ở thôn Canh Thành có 90 hộ gia đình được sử dụng nước sạch Suối Dú do Hội Chữ thập đỏ Na Uy hỗ trợ 30 triệu đồng, giúp địa phương xây dựng công trình trong năm 2001. Để công trình sớm đưa vào sử dụng, bà con đã đóng góp công sức đẩy nhanh tiến độ đào đất, đặt đường ống. Do có góp công vào việc lắp đặt hệ thống đường ống nên dân làng ai cũng xem công trình là của làng mình, của… mình và bảo vệ rất cẩn thận.
Có nước sạch để dùng, người dân làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận rất phấn khởi. Ông Đinh Văn Điên, một người dân trong làng cho biết: "Ngày trước, mỗi tuần mình phải dành 3 buổi để đi lấy nước suối về sử dụng, mất nhiều công sức lắm. Nay, nước sạch đã về tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước dùng. Khỏe và rất tiện lợi". Một nông dân khác, ông Đinh Văn Um cho biết: Mình đã bán một con bò để lấy tiền đào giếng, nhưng đào sâu 7m mà cũng không có nước. Khi hệ thống nước sạch xây dựng xong, mình đã xuống Quy Nhơn mua ống nhựa về lắp đặt đường ống, đưa nước từ bể chính vào đến tận nhà để dùng…
Từ năm 1999 đến nay, huyện Vân Canh đã đầu tư trên 4 tỉ đồng, xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tự chảy, giải quyết nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho trên 3.000 hộ dân ở 23 làng của 6 xã, thị trấn trong huyện. |
Từ chỗ rất kém ý thức về vệ sinh môi trường nguồn nước, nay bà con các dân tộc thiểu số ở Vân Canh đã có ý thức giữ gìn và bảo vệ nguồn nước, công trình nước sạch.
Để các công trình hoạt động có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo cho Ban quản lý của huyện, xã hướng dẫn cho bà con phương pháp vận hành, bảo dưỡng, khai thác nguồn nước và bàn giao công trình cho bà con tự bảo vệ và quản lý như bảo vệ tài sản của làng. Riêng hệ thống nước sạch cung cấp nước sinh hoạt cho các trung tâm cụm xã, huyện giao trách nhiệm cho Công ty TNHH Tổng hợp Điện Nước Vân Canh quản lý và thu phí (300 đồng/m3). Nhờ được bảo quản khá chu đáo, nên các công trình nước sạch trên địa bàn huyện đều đang hoạt động hiệu quả, cung cấp nước sạch thường xuyên cho nhân dân. Nói về hiệu quả của các công trình nước sạch đối với đời sống sản xuất của nhân dân địa phương, ông Nguyễn Danh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: "Thiếu nước sinh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có nước sạch sinh hoạt, bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã xóa bỏ được tập quán sử dụng nước sông, suối, góp phần hạn chế được nhiều chứng bệnh, giúp bà con yên tâm định canh, định cư để lao động sản xuất, phát triển kinh tế".
. Tiến Sỹ - Mai Hồng
|