Việc thu mua nguyên liệu mía phục vụ cho sản xuất của Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) sau vài tháng bình ổn đã trở nên khó khăn, khi Nhà máy Đường (NMĐ) An Khê cũng tham gia mua mía trên địa bàn Bình Định bằng cách đẩy giá thu mua lên cao.
|
Nông dân xã Vĩnh Quang-Vĩnh Thạnh thu hoạch mía |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người của NMĐ An Khê không trực tiếp thu mua mía ở các vùng nguyên liệu mía Bình Định mà họ đã liên hệ với các đầu nậu ở các địa phương trong tỉnh để thu mua nguyên liệu. Ở các huyện phía Bắc tỉnh, mặc dù mía chưa đến độ chín, nhưng hàng ngày vẫn có một số đầu nậu của NMĐ An Khê tìm đến dạm hỏi mua mía. Nếu hộ nào đồng ý bán mía thì sẽ được ứng trước tiền công thuê mướn người đốn mía. Đồng thời, giá thu mua khá cao, từ 270.000 đồng đến 290.000 đồng/tấn mía cân tại nhà máy. Đầu tháng 12-2004, các đầu nậu bắt đầu "xâm nhập" vào các vùng nguyên liệu trọng điểm mía của tỉnh như: Nhơn Thọ (An Nhơn); Tây Giang, Tây Thuận (Tây Sơn)… để thuyết phục nông dân bán mía cho họ. Sau đó, các đầu nậu "chuyển hướng hoạt động" lên xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) là vùng trọng điểm mía của huyện Vĩnh Thạnh (toàn xã có trên 267 ha mía đến độ chín, đang thu hoạch). Các đầu nậu đã tìm nhiều biện pháp để thuyết phục nông dân bán mía cho NMĐ An Khê, với giá thu mua là 300.000 đồng/tấn, cân tại nhà máy.
Điều đáng nói là hiện nay, có nhiều hộ gia đình đã nhận tiền đầu tư và ký hợp đồng bán mía cho BISUCO nhưng lại thu hoạch mía bán cho NMĐ An Khê. Ông Nguyễn Xông, một nông dân ở xã Vĩnh Quang, cho biết: "Bình quân 1 sào mía năng suất đạt 3 tấn, bán cho BISUCO với giá 240.000 đồng/tấn thì chỉ thu được 720.000 đồng, trừ chi phí giống, phân bón, làm đất… chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Thấy NMĐ An Khê mua với giá cao, tôi đã thu hoạch 3 sào mía bán cho họ để kiếm thêm chút đỉnh". Ở đây, còn có nhiều hộ chưa thu hoạch mía nhưng cũng đã nhận tiền ứng trước của các đầu nậu.
Trước thực trạng này, BISUCO tăng cường cán bộ xuống Trạm thu mua mía số 6 đóng trên địa bàn xã Vĩnh Quang phối hợp với chính quyền địa phương vận động nông dân đã ký hợp đồng với BISUCO không nên vì lợi ích trước mắt mà thu hoạch mía bán cho nhà máy khác, đồng thời ngăn chặn không cho đầu nậu thu mua và vận chuyển mía ở trong xã lên An Khê. Mặc dù vậy, các đầu nậu vẫn lén lút thu mua, và tìm cách giải phóng mía ra khỏi địa bàn. Ông Lê Bá Khương, Trưởng trạm thu mua mía số 6, cho biết: "Mấy ngày rày, anh em chúng tôi phải làm việc gấp 2 lần bình thường, ban ngày kiểm tra các cánh đồng mía, tối đến túc trực để ngăn chặn không cho các đầu nậu lén lút chở mía…!". Ngoài các biện pháp trên, BISUCO đã hỗ trợ tiền trung chuyển là 10.000 đồng/tấn mía và 5.000 đồng đối với vùng gần nhà máy cho nông dân xã Vĩnh Quang, và nâng giá mía chữ đường 11 lên trên 280.000 đồng/tấn. Thế nhưng, các đầu nậu cũng đã tăng giá thu mua lên trên 370.000 đồng/tấn cân tại NMĐ An Khê. Việc nâng giá thu mua nguyên liệu mía của các đầu nậu đã làm cho nhiều hộ gia đình không chịu đốn mía bán cho BISUCO, vì bà con còn chờ đợi công ty nâng giá thu mua. Ông Mang Viên Tý, Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu BISUCO bức xúc: "Việc NMĐ An Khê tranh giành thu mua nguyên liệu mía trong vùng nguyên liệu của công ty đầu tư và tự ý nâng giá mía lên cao là trái với quy định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh và mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa BISUCO với nông dân".
Hiện nay, bên cạnh việc vận động nông dân thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 80 và tăng cường thu mua nguyên liệu mía cho nông dân, BISUCO cũng đã gửi công văn đề nghị Cục Chế biến nông - lâm sản và nghề muối thuộc Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp giữa BISUCO và NMĐ An Khê để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. BISUCO cũng đã kiến nghị với Hiệp hội Mía đường Việt Nam có biện pháp giải quyết việc các thành viên tự ý bỏ cam kết….
. Phạm Tiến Sỹ |