Cà Bưng từng bước đổi thay
15:46', 31/12/ 2004 (GMT+7)

Làng Cà Bưng, xã Canh Thuận (Vân Canh) được thành lập từ năm 1999, với 19 hộ dân tộc thiểu số người Bana được chuyển từ rừng sâu về sinh sống. Nhờ vào sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực của bà con, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc sống ở Cà Bưng đã từng bước đổi thay.

Một góc làng Cà Bưng (ảnh: Tiến Sỹ)

Hiện nay, làng đã có 42 hộ nhưng chẳng có hộ nào thiếu đói, hộ nghèo chỉ còn có 6 hộ. Chúng tôi đến Cà Bưng vào những ngày cuối năm 2004, khi dân làng đang ra đồng thu hoạch lúa rẫy, mì, bắp và đậu tương. Trên các sườn núi, dưới thung sâu, đâu đâu cũng tràn ngập một màu vàng của sự no ấm. Bên những ruộng lúa, nương đậu tương là những cánh rừng đang xanh lại nhờ người dân tham gia bảo vệ tốt và trồng thêm mới.

Hôm chúng tôi đến, cũng là lúc làng đang ăn mừng sự kiện con đường bê tông dài 169 m bao quanh làng vừa được hoàn thành. Đây là con đường thuộc chương trình 135 do tỉnh đầu tư với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Điều đáng vui hơn, năm 2003 làng được kéo lưới điện quốc gia. Những hàng cột điện hạ áp bằng bê tông với những hàng dây thẳng tắp đang đưa điện đến thắp sáng từng nhà. Qua đó đã tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội của làng ngày càng phát triển. Ông La Ma Reo, Trưởng làng Cà Bưng, người có mặt đầu tiên khi làng mới hình thành, cho biết: "Lúc trước làng chúng tôi chỉ có 19 hộ sống tận trong rừng sâu, nếu từ làng vào nơi cũ cũng phải mất 2 ngày đường đi bộ. Từ năm 1999, Đảng, Nhà nước vào vận động bà con chúng tôi ra định canh, định cư tại làng này. Giờ ra đây không còn sợ thiếu đói lại có điện, có ti vi, có đài truyền thanh." Rồi ông trưởng làng nhẩm tính: "Làng mình có 36 hộ đã được hỗ trợ xây nhà kiên cố, cả làng có 45 cháu được đi học... Thú thực, bà con không ngờ cuộc sống ở đây lại đổi thay nhanh như thế".

Đường bê tông quanh làng mới hoàn thành (ảnh: Tiến Sỹ)

Từ khi chuyển về định canh, định cư ở làng mới, nhiều hộ đồng bào đã chăm chỉ làm ăn và được chuyển giao áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với việc thay đổi cách nghĩ cách làm, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, bà con ở làng mới Cà Bưng cũng đã biết tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ cuộc sống. Nhờ đó ngày càng có nhiều hộ khá lên rất nhanh. Tiêu biểu như hộ Đinh Văn Khánh có 2 ha đất luân canh trồng mì, mía, bắp, đậu; 1 ha trồng lúa rẫy và nuôi 22 con dê. Hộ Đinh Văn Dui có 2 ha lúa rẫy, 5 con bò, 2 con trâu và đàn heo hơn 10 con. Tiếp đó là những hộ như Mai Thị Tám, La Mo Tân... cũng bắt đầu khá lên.

Ông La Mo Thảo, Bí thư chi bộ làng Cà Bưng, cho biết: "Giờ bà con ở đây lo làm ăn lắm, không còn rượu chè như hồi ở làng cũ". Cũng theo ông Thảo, cái khó nhất của đồng bào ở đây là 45 ha đất sản xuất chỉ toàn là đất đồi, gò nên lúa rẫy chỉ biết trông chờ vào thiên nhiên, cũng đã được khai thông. Trong kế hoạch năm 2005, tỉnh sẽ đầu tư hơn 1,3 tỉ đồng để xây dựng 1 công trình thủy lợi vừa cấp nước tưới, vừa cấp nước sinh hoạt cho làng.

Khi chúng tôi rời Cà Bưng, trên con đường bê tông mới hoàn thành, từng tốp học sinh dân tộc Bana trong đồng phục quần xanh áo trắng đang tíu tít đến trường. "Lũ trẻ này sẽ làm giàu cho Cà Bưng trong nay mai đấy" - Trưởng làng La Ma Reo khẳng định như thế và chúng tôi cũng tin như thế.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tái diễn "cuộc chiến" mía đường  (31/12/2004)
Thị trường điện thoại di động sôi động những cuộc đua  (30/12/2004)
Vân Canh: Nước về làng xa   (30/12/2004)
Chế biến lâm sản xuất khẩu: Bước tăng trưởng mạnh mẽ  (29/12/2004)
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát: Thắt chặt công tác phòng chống dịch  (29/12/2004)
Chuyện làm giàu của một cựu chiến binh   (28/12/2004)
Vân Canh: Đối mặt với hạn  (28/12/2004)
Màu xanh của một trang trại   (27/12/2004)
Bình Định đăng ký tham gia CLB 1.000 tỉ là có cơ sở   (27/12/2004)
Đăng ký thương hiệu cho nem chua Chợ Huyện - đừng để mất bò mới lo làm chuồng  (26/12/2004)
Hướng đi nào cho Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh?  (24/12/2004)
Kinh tế trang trại ở Phù Cát: Phát triển rộng nhưng chưa sâu  (24/12/2004)
3 năm thực hiện chương trình ICM: Nông dân được lợi nhiều hơn  (23/12/2004)
Thị trấn Phú Phong trên đường đổi mới   (22/12/2004)
Nỗi lo trong vụ ép mía mới  (22/12/2004)