Ngày đất ngập nước 2-2-2004
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"
15:39', 1/2/ 2004 (GMT+7)

Ven đầm Thị Nại, một vùng đất ngập nước của Bình Định (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Ngày 2-2-1971, tại thành phố Ramsar (Iran), 18 nước và một số tổ chức quốc tế đã ký kết một văn kiện quan trọng, đó là "Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước" (thường được gọi tắt là Công ước RAMSAR).

Đất ngập nước (ĐNN) là gì, tại sao được quan tâm đến như thế? Theo Công ước RAMSAR, ĐNN là những vùng đầm lầy, sình lầy, vùng than bùn hoặc là vùng nước dù là tự nhiên hay nhân tạo, thường xuyên hay tạm thời, với nước đứng hay nước chảy, nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, bao gồm cả các vùng nước biển có độ sâu không quá 6m khi thủy triều thấp.

Những vùng này có nhiều chức năng, vô cùng gần gũi và cần thiết cho con người: cung cấp thủy sản, nước ngọt, cung cấp than bùn, khai thác thủy điện từ các đập và thác nước, cung cấp không gian cho việc giao thông thủy, là nơi du lịch, giải trí, là nơi sinh sống của vô vàn các loài sinh vật (thủy sinh, động vật hoang dại, chim nước). ĐNN còn có thể hạn chế ảnh hưởng lũ lụt, ổn định vi khí hậu, làm giảm sức sóng, sức gió của bão, lọc các chất cặn, chất độc, giữ lại chất dinh dưỡng, làm nguồn phân bón cho cây và thức ăn của các sinh vật. Ngoài ra, ĐNN có tác dụng nạp nước từ tầng mặt xuống các tầng ngậm nước trong lòng đất để giữ nước và điều tiết dần.

Vì thế, có thể nói rằng, ĐNN có sự đa dạng về vị trí và vai trò trong đời sống con người. Để nhắc nhở chúng ta về điều này, Ban Thư ký Công ước lấy chủ đề ngày Đất ngập nước thế giới năm nay là: "Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta".

ở Việt Nam, ĐNN chiếm 1/3 diện tích đất đai cả nước, là nguồn sống của phần lớn người dân Việt Nam, mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội, văn hóa và môi trường. Một số vùng ĐNN nổi tiếng của nước ta, như: Rừng ngập mặn rộng lớn vùng đồng bằng Nam bộ, phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), Hồ Gươm có loài rùa đặc hữu ở Việt Nam, vịnh Hạ Long, khu bảo tồn RAMSAR đầu tiên của Việt Nam - Xuân Thủy (Nam Định)…

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong quá trình khai thác, sử dụng ĐNN đã làm nảy sinh nhiều vấn đề môi trường bức xúc. Môi trường sống và di cư của nhiều loài sinh vật bị phá hủy, đa dạng sinh học, chất lượng và số lượng tài nguyên nước bị suy giảm, môi trường đất và nước của ĐNN bị ô nhiễm và suy thoái… Cụ thể như hiện tượng nhiễm mặn nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho dân cư TP Huế mùa hè năm 2002, hiện tượng khô hạn báo động vừa bắt đầu ở các sông ngòi khu vực phía Bắc, hiện tượng sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng làm tôm cá chết hàng loạt, hàng ngàn ha rừng ngập mặn nguyên sinh bị cháy….

Hiện nay, tại Việt Nam đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm khôi phục các vùng đất này. Về mặt pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2003/NĐ-CP (ngày 23-9-2003) về Bảo tồn và phát triển bền vững vùng ĐNN nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khai thác, sử dụng ĐNN, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo với bảo tồn các chức năng, giá trị đa dạng sinh học ĐNN.

ở Bình Định, chúng ta có thể kể đến một số vùng ĐNN đặc trưng như: đầm Thị Nại, đầm Trà ổ, đầm Đề Gi, hồ Núi Một, hồ Vĩnh Sơn, các hồ thủy lợi, mạng lưới sông suối trong tỉnh và 134km bờ biển. Đây là những đặc ân mà Bình Định có được nhưng chưa được điều tra và nghiên cứu nhiều. Cộng với việc khai thác quá mức và chưa quan tâm đúng mức, sản lượng thủy sản ven bờ đang có chiều hướng suy giảm, nhiều hệ sinh thái bị suy thoái. Ví dụ, đầm Thị Nại với diện tích rộng 5.060 ha, trước đây có đến 1.000 ha rừng ngập mặn, 200 ha thảm cỏ biển, hàng trăm loài tôm, cá, ghẹ cua, nhuyễn thể, thực vật, nhưng hiện nay, nguồn lợi ở đây ngày càng suy kiệt, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển hầu như bị xóa sổ, nhiều loài chim trú ngụ ở đây cũng không còn. Trong năm 2003 vừa qua, do việc nuôi tôm không theo quy hoạch, làm môi trường nuôi bị ô nhiễm, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Tuy Phước đã bị thua lỗ, tôm chết hàng loạt.

Gần đây, nhiều nghiên cứu về các vùng ĐNN của tỉnh đã được tiến hành: Quy hoạch đầm Trà Ổ; nghiên cứu quản lý tổng hợp dải đới bờ của tỉnh; quy hoạch sử dụng lưu vực sông Kôn; điều tra, nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, khai thác sử dụng hợp lý nguồn thủy sản Cồn Chim (đề tài do Sở Thủy sản chủ trì), bước đầu đã tìm hiểu được tính đa dạng sinh học, đồng thời nhận thấy khu vực này rất thích hợp cho sự sinh sản tự nhiên của con hàu. Bên cạnh đó, đã tiến hành trồng 3 ha rừng đước ngập mặn, khi rừng hình thành sẽ nuôi tôm theo hình thức quảng canh và chọn một số vùng thích hợp để nuôi hàu. Ngoài ra, trong năm 2003, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, quản lý các hệ sinh thái nhạy cảm dựa vào cộng đồng đối với đầm Thị Nại".

Sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà khoa học đối với các vùng ĐNN của Bình Định đã được thể hiện rõ nét, còn lại là nhận thức và ý thức của người dân cho nguồn sống lâu dài của họ.

. Nhữ Thị Hoàng Yến

(Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)
Bia Quy Nhơn - Thương hiệu đã được khẳng định  (14/01/2004)