Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt
17:4', 2/2/ 2004 (GMT+7)

* Dịch cúm gà đang lan rộng

Các đàn vịt vẫn còn được thả "vô tư" trên sông rạch Tuy Phước (ảnh chụp chiều 1-2-2004)

Dịch cúm gà tiếp tục lan rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh. Đến chiều ngày 1-2, trên địa bàn huyện Tuy Phước đã xuất hiện 3 ổ dịch mới. Đó là đàn gà 500 con của anh Nguyễn Giai ở thôn Phong Tấn - Phước Lộc, đã chết gần 100 con. Đàn gà 700 con của anh Nguyễn Văn Chín ở thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn) đã chết 50 con. Còn tại thôn Huỳnh Mai - Phước Nghĩa, đàn gà thả vườn 50 con của bà Hồ Thị Cẩm cũng đã có những dấu hiệu mắc bệnh. Tại Phù Cát, tình trạng gà chết hàng loạt tiếp tục xảy ra, lực lượng Thú y và các cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành tiêu hủy 900 con ở xã Cát Khánh và Cát Tiến. Tại Vân Canh các ngành chức năng cũng đã tiêu hủy 6.000 con gà có dấu hiệu mắc bệnh tại xã Canh Vinh. Tại thị trấn Phù Mỹ đã có trên 30 con gà bị chết…

* Những biện pháp cấp bách...

Chúng tôi đã khảo sát tại xã Nhơn Tân, là địa phương có đàn gà lớn nhất huyện An Nhơn - trên 40.000 con. Mặc dù ở đây chưa xuất hiện dịch, nhưng với phương châm phòng hơn chống, ngày 1-2, Sở NN-PTNT đã tổ chức buổi họp với chính quyền địa phương, đại diện Công ty CP và các hộ nuôi gà trong xã để bàn biện pháp phòng chống dịch cúm gà. Trước những thông tin về dịch bệnh cúm gà đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh, các hộ chăn nuôi gà ở Nhơn Tân cũng đã có nhiều biện pháp để phòng chống dịch, song theo họ biện pháp tối ưu nhất để ngăn chặn dịch bệnh là tiêu hủy tất cả số gà đang nuôi. Ông Lê Văn Bạn, một chủ trang trại ở thôn Nam Tượng, cho biết: "Tôi nhất trí tiêu hủy 3.000 con gà đang nuôi vì nếu gà mắc phải dịch bệnh thì hệ quả thật khó lường". Còn ông Lê Nhật Hoành ở cùng thôn Nam Tượng nói trong sự tiếc nuối: "Nhờ nuôi gà mà gia đình tôi đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nhưng tình hình dịch cúm gà diễn ra phức tạp như hiện nay thì không còn cách nào khác là phải tiêu hủy". Đến chiều ngày 1-2, Công ty CP quyết định tiêu hủy 15.000 con gà thịt đang nuôi tại 5 trang trại ở Nhơn Tân. Ông Lê Đình Công, đại diện Công ty CP cho biết: "Sau khi tiêu hủy số gà ở Nhơn Tân, chúng tôi sẽ tiếp tục tiêu hủy toàn bộ số gà của công ty hiện có tại Bình Định, khoảng 6.000 con nữa". Nhiều hộ gia đình nuôi gà ở các địa phương trong tỉnh cũng đã đồng tình tiêu hủy đàn gà đang nuôi, dù gà vẫn bình thường. Điển hình như anh Lê Minh Dư ở xã Phước Nghĩa - Tuy Phước. Anh Dư cho biết: "Trang trại gà giống của tôi gồm 10.000 con gà mái đẻ và 50.000 con gà con. Tôi đã dừng mọi hoạt động mua bán, thực hiện phòng dịch và liên hệ với Trạm thú y huyện để tiêu hủy toàn bộ đàn gà con"…

Đến chiều 1-2, tại chợ Lớn Quy Nhơn vẫn còn nhiều người bán trứng gà

Trước tình hình dịch cúm gà đang lan rộng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cho cơ quan Thú y phối hợp cùng các ngành chức năng tích cực triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn sự lây lan. Đồng thời, in các tờ gấp hướng dẫn cách phòng trừ bệnh cúm gà phát đến từng hộ chăn nuôi gia cầm để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch. Song, vấn đề không đơn giản, cần phải có sự góp sức của cả cộng đồng, từ ngành chức năng đến người chăn nuôi, buôn bán các loại gia cầm và sản phẩm của gia cầm để nhanh chóng dập tắt dịch.

* Những cảnh báo...

Mặc dù nạn dịch cúm gà đang lan nhanh, thế nhưng nhiều người vẫn chưa lường hết nguy hiểm của nó. Nhiều hộ gia đình có gà chết đã vứt bừa bãi ra đường, sông suối, ao hồ gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hộ chăn nuôi vịt vẫn còn rất "vô tư", với rất nhiều đàn vịt còn được thả nuôi trên các sông rạch…

Tại thành phố Quy Nhơn, đến 1-2, hầu như không còn quán ăn nào bán món thịt gà. Song tại các quán thịt vịt trên đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo vẫn còn các thực khách đang thản nhiên nhậu vịt luộc, tiết canh vịt. Hỏi các chủ quán, họ đều cho rằng dịch gà chứ không dịch vịt, đồng thời cũng không thấy cấm mua, làm và bán thịt vịt (?).

Ngày 30-1, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định công bố dịch cúm gà trên toàn tỉnh, đồng thời có công điện khẩn nghiêm cấm mua bán, chế biến và lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh; các tổ chức cá nhân nào vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tính đến chiều ngày 1-2, các chợ trong thành phố không còn bán các loại gia cầm; nhưng sản phẩm gia cầm (trứng gà, trứng vịt, trứng cút) thì vẫn còn bày bán khá nhiều. Theo Ban quản lý chợ Đầm, đến buổi chiều ngày 1-2, tại chợ Đầm sẽ không còn bán trứng gia cầm. Nhưng đến 16g30 phút cùng ngày, chúng tôi khảo sát trở lại thì việc buôn bán trứng vẫn diễn ra bình thường. Tại chợ Lớn, việc buôn bán trứng gia cầm vẫn diễn ra tự do với số lượng lớn. Lác đác một số người mua trứng cút để làm bánh bao; mua trứng gà để bán bánh mì ốp la…

Cuộc chiến chống dịch cúm gà còn hết sức cam go, cần phải làm cho từng người dân nắm bắt và thực hiện nội dung thiết yếu từ công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh để mọi người, mọi nhà cùng góp sức phòng chống "đại họa"cúm gà đang ngày càng lan rộng.

. Nhóm PV kinh tế

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)