|
Phun thuốc khử trùng trước khi đưa gà dịch đi tiêu hủy (ảnh: T.S) |
Tình hình dịch cúm gà ở Bình Định đang diễn biến hết sức phức tạp. Các cấp chính quyền cùng các ngành chức năng đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Vấn đề đặt ra là liệu ngành Thú y cùng các địa phương có xử lý kịp thời, một khi người chăn nuôi đăng ký tiêu hủy gia cầm ngày càng nhiều, với số lượng rất lớn ?
* Gia cầm tiếp tục chết
Theo thông tin từ Chi cục Thú y và các địa phương, kết hợp với sự khảo sát của chúng tôi, số lượng gia cầm nhiễm dịch và chết càng lúc càng tăng. Đến chiều 2-2, đã có gần 5.000 con gà các hộ chăn nuôi thuộc các khu vực Bả Canh, Bằng Châu, Phương Danh thuộc thị trấn Đập Đá và ở xã Nhơn Tân (An Nhơn) bị chết. Còn tại huyện Tuy Phước cũng đã có một số gà chết ở khu vực xã Phước Nghĩa. Theo Trạm thú y huyện Tuy Phước, lực lượng thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy hơn 25.000 con gà con và 25.000 trứng ấp sắp nở của một trang trại gà trên địa bàn huyện. Tại Phù Cát, dịch cúm gà cũng tiếp tục xảy ra tại khu vực thị trấn Ngô Mây làm chết hơn 50 con gà nuôi của gia đình anh Huỳnh Đắc…
Nạn dịch cúm gà cũng đã bắt đầu lây lan sang đàn chim cút, vịt, ngan… chăn nuôi rải rác ở các hộ gia đình. Ở khu vực Phương Danh, thị trấn Đập Đá (An Nhơn), 2 đàn cút 3.000 của anh Mai Văn Thao và anh Nguyễn Văn Trí đã bắt đầu chết. Một đàn vịt 400 con ở trại chăn nuôi Nhơn Thọ (An Nhơn) cũng đã có dấu hiệu dịch bệnh và chết dần.
Theo ông Nguyễn Kim Sang, Phó chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, ngày 2-2 ông đã trực tiếp khảo sát các chợ và chỉ đạo quản lý thị trường thành phố chịu trách nhiệm việc nghiêm cấm buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố. Song theo khảo sát của chúng tôi, ở các chợ vẫn còn một vài người bán trứng gia cầm; một hộ nuôi chim cút đã nhận "đơn đặt hàng" 2.000 trứng cút ... qua điện thoại! Đáng ngại hơn là tình trạng gà chết vứt bừa bãi trên các sông rạch phía trên đã trôi tấp vào bãi biển Quy Nhơn!
* Việc tiêu hủy gia cầm còn chậm
Đến chiều 2-2, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở nhiều địa phương đã tự nguyện đăng ký tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của mình mặc dù dịch bệnh cúm gà chưa xảy ra. Theo khảo sát của chúng tôi, tính đến chiều 2-2, toàn tỉnh đã tiến hành tiêu hủy trên 40.000 con gia cầm tại các vùng xảy ra dịch. Mặc dù một số địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng nhiều hộ chăn nuôi gà với số lượng lớn đã đăng ký với Trạm thú y các huyện xin tiêu hủy đàn gà. Công ty CP cũng đã quyết định tiêu hủy 21.000 con gà tại xã Nhơn Tân. Tuy nhiên, việc giải quyết còn chậm. Đến sáng ngày 2-2-2004, Công ty CP mới tiêu hủy 3.000 con gà con tại thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu (An Nhơn). Còn việc tiêu hủy 15.000 con gà thịt tại Nhơn Tân và 3.000 con tại xã Phước Thành (Tuy Phước) vẫn chưa thực hiện được.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Văn Hùng, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Định cho biết: "Trong những ngày qua, chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh để triển khai công tác phòng chống dịch, cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra theo dõi diễn biến của dịch bệnh và hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, do lực lượng thú y quá mỏng, trong khi dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, khó có thể cáng đáng hết được công việc. Riêng ở Nhơn Tân, do số lượng gà tiêu hủy một lúc quá nhiều, nên địa phương phải lựa chọn địa điểm thích hợp mới có thể thực hiện được. Nhưng trong ngày 3-2, số gà này chính thức được tiêu hủy".
* Cộng đồng trách nhiệm
Có thể nói ngành Thú y đã làm hết sức mình nhưng không thể kham hết công việc nếu không được sự cộng đồng trách nhiệm cao từ các ban phòng chống dịch cúm gà và chính quyền các địa phương trong việc chuẩn bị nhân lực, phương tiện, quy hoạch nơi tiêu hủy, chôn lấp gia cầm xa khu dân cư, xa nguồn nước… để có thể nhanh chóng xử lý và ngăn chặn mọi tình huống xấu.
Hiện nay, tất cả các đại lý gà giống ở thành phố Quy Nhơn đã ngưng hoạt động. Một số chủ đại lý đã phải đóng cửa nhà tránh đi nơi khác phòng khi người chăn nuôi "xót công xót của" tìm đến đòi lại tiền gà giống. Một số chủ đại lý cho rằng tình hình đã đến nước này thì phải cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro với nhau. Theo chủ đại lý gà giống Thanh Lang ở đường Nguyễn Thị Minh Khai thì: đại lý chịu mất tiền gà giống, người bán thức ăn chăn nuôi chịu mất tiền cám (cung cấp hàng trước thu tiền sau) và người chăn nuôi chịu mất công sức. Còn nếu đại lý đã thu tiền gà giống thì sẽ trả lại tiền lãi từ việc bán gà giống. Cách giải quyết như vậy đã được sự đồng tình giữa các bên liên quan.
Nhiều hộ nuôi chim cút ở Quy Nhơn (trên 10 hộ, tổng đàn khoảng trên 20.000 con) đã xin thiêu hủy đàn chim cút của mình. Song còn chờ ý kiến của ngành chức năng ở thành phố.
Ngày 2-2, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định quy định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi để thực hiện tiêu hủy gia cầm trên địa bàn tỉnh. Từ sự hỗ trợ thiết thực này, những hộ chăn nuôi gia cầm sẽ yên tâm và phối hợp tốt hơn với địa phương và ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
. Nhóm PV Kinh tế