Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà
16:20', 4/2/ 2004 (GMT+7)

Lực lượng xung kích xã Nhơn Hậu - An Nhơn thu gom gà đưa đi tiêu hủy (ảnh: T.S)

Tính đến cuối buổi chiều 3-2, tại huyện An Nhơn nhiều đàn gà, vịt, cút ở thị trấn Đập Đá, xã Nhơn Hậu, xã Nhơn An… đã tiếp tục chết. Tính đến nay, toàn huyện An Nhơn đã tiêu hủy 25.800 con gia cầm. Ở TP Quy Nhơn, có nhiều hộ chăn nuôi đến Trạm thú y xin tiêu hủy đàn gia cầm; và gần 2.000 con gà đã được tiêu hủy. Ở Tuy Phước, Trạm Thú y đã tiêu hủy đàn gà 70 con nghi nhiễm dịch, của một hộ ở xã Phước Thuận. Tại Vĩnh Thạnh, đã phát hiện một bao gà chết được vứt bỏ tại chợ Vĩnh Quang… Nhìn chung tình hình còn diễn biến rất phức tạp.

Hiện nay, tại các chợ nhỏ ở TP Quy Nhơn vẫn còn lẻ tẻ vài người bán trứng gia cầm; ở các chợ quê cũng vậy. Một số lò ấp vịt đã xả trứng, đưa ra bán trứng vịt lộn. Nhiều vựa trứng gà, vịt, cút còn tồn hàng chục nghìn trứng, đã phân tán đưa đi bán để thu hồi vốn được chừng nào hay chừng ấy. Việc khuyến cáo không ăn thịt và trứng gia cầm cũng như tiêu hủy gia cầm đã chết theo đúng quy định chưa được các địa phương thực hiện rốt ráo. Đáng ngại nhất là tình trạng vứt xác gia cầm đã chết trong khu dân cư, ở các mương rạch, sông suối vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và dễ lây lan dịch bệnh cúm sang người. Do vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về sự nguy hiểm của dịch cúm gà đến tận hộ gia đình để nâng cao ý thức phòng chống dịch trong mỗi người dân.

Chiều ngày 3-2, UBND tỉnh đã ra quyết định bổ sung mức hỗ trợ cho người chăn nuôi tiêu hủy gia cầm đối với 2 đối tượng nuôi - chim bồ câu bố mẹ: 2.000 đồng/con; chim cút đẻ: 1.000 đồng/ con.

* Ngành chức năng nói gì?

+ Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gà tỉnh:

Trước tình hình dịch cúm gà tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các cấp các ngành thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch với tinh thần như là đối phó với lũ lụt, hỏa hoạn. Tất cả các Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gà phải ra quân đồng loạt để nhanh chóng ngăn chặn triệt để dịch cúm gà. Khi phát hiện dịch bệnh phải tiến hành tiêu hủy ngay, đồng thời hủy toàn bộ số gia cầm nằm trong vùng cự ly từ 3-5 km từ điểm xuất phát dịch. Khuyến khích các chủ trang trại, hộ chăn nuôi ngoài vùng dịch tiêu hủy đàn gia cầm để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Tăng cường thêm các lực lượng quản lý thị trường, công an phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để kiên quyết ngăn chặn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra - vào tỉnh. Nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Nếu nơi nào để xảy ra mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao cho ngành y tế phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền tác hại của dịch cúm gà và các biện pháp đề phòng dịch cúm gà. Hàng ngày, lãnh đạo các sở, ngành, và các địa phương phải báo tình hình dịch cúm gà với Chủ tịch UBND tỉnh trước 8 giờ sáng để tỉnh có ý kiến chỉ đạo.

+ Bà Võ Xuân Hiền, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT: Công tác triển khai phòng chống dịch cúm gà được ngành Nông nghiệp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ với tinh thần khẩn trương. Ngành đã khẩn cấp thành lập 4 tổ công tác đặc biệt để phân công phụ trách các địa phương để có các giải pháp kịp thời xử lý dịch bệnh cúm gà. Ngành nông nghiệp cũng đã cho thành lập đội xung kích 30 người là sinh viên của Trường Trung cấp Nông nghiệp An Nhơn để phối hợp với lực lượng thú y, chính quyền các địa phương thực hiện việc tiêu hủy gia cầm... Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với ngành hiện nay là phải đảm trách việc tiêu hủy một lượng gia cầm quá lớn trong khi lực lượng thú y lại mỏng. Chúng tôi rất mong cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình từ chính quyền địa phương và các ngành liên quan để công tác triển khai chống dịch cúm gà được tốt hơn…

+ Ông Trần Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Nhơn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gà của huyện: UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chức năng tuyên truyền các tác hại của dịch cúm gà. Các xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch; chuẩn bị mỗi xã một đội xung kích từ 3-5 người. Huyện cũng đã tăng cường kiểm tra kiểm soát, nghiêm cấm mua bán gia cầm ở các chợ; thành lập đội xung kích riêng gồm 30 người; phối hợp với Chi cục thú y tỉnh thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm trên tinh thần nhanh, gọn nhưng đúng quy trình kỹ thuật. Các xã có đàn gia cầm lớn như: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu, huyện chịu trách nhiệm quy hoạch địa điểm và các phương tiện vận chuyển từ nhà dân đến nơi tiêu hủy, và chuẩn bị các bảo hộ lao động cho lực lượng tham gia tiêu hủy. Nói chung công tác chuẩn bị cũng như việc tiêu hủy đàn gia cầm trên địa bàn huyện được triển khai nhanh chóng và đạt kết quả tốt.

* Nhiều địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch cúm gà

Đến nay, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành chỉ thị về phòng, chống dịch cúm gà; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gà của huyện và phân công cụ thể từng thành viên phụ trách từng địa bàn; thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cũng như hoạt động buôn bán gà; chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ngay Ban chỉ đạo và xây dựng phương án triển khai chỉ thị của huyện; hướng dẫn người nuôi gia cầm về cách phòng bệnh cúm gà, xử lý nghiêm (tịch thu, xử lý chôn) các trường hợp buôn bán, vận chuyển gà bị dịch.

UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các địa phương, người dân tuyệt đối không được mua bán, lưu thông các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai rộng rãi trong nhân dân thực hiện tiêu độc chuồng trại chăn nuôi gia cầm, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng gia cầm và trứng gia cầm trong thời gian có dịch.

Ngày 3-2, Công ty CP đã tiến hành tiêu hủy 15.000 con gà thịt của 5 trang trại nuôi gia công cho công ty tại xã Nhơn Tân-An Nhơn. Trước đó, Công ty cũng đã tiêu hủy 3.000 con gà con tại trang trại gà ở xã Nhơn Hậu (An Nhơn). Hiện Công ty CP chỉ còn một trang trại nuôi gia công ở xã Phước Thành-Tuy Phước, và đàn gà này cũng sẽ được tiêu hủy trong nay mai.

. Nhóm PV kinh tế

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)
Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt   (02/02/2004)
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)