Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn
16:2', 5/2/ 2004 (GMT+7)

Đã có 8 huyện - thành phố (18 xã - phường) có gia cầm bị nhiễm dịch *Trên 83.000 con gia cầm bị tiêu hủy *Sở NN - PTNT đề nghị UBND tỉnh chi khẩn cấp 1 tỉ đồng để mua hóa chất và trang thiết bị phòng hộ chống dịch.

* Nỗi niềm người chăn nuôi gia cầm

Nhân viên thú y khử trùng gia cầm trước khi đưa đi tiêu hủy (ảnh: T.S)

Với các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm, mới ngày nào, họ là gương điển hình tiên tiến được nhiều người tìm đến học hỏi cung cách làm ăn. Những trang trại chăn nuôi gia cầm của họ là ước mơ của nhiều người dân quanh vùng. Thế rồi đùng một cái, dịch cúm gà đã cuỗm đi tất cả: tiền của, công sức và cả niềm hy vọng đổi đời của họ.

Để tạo dựng được một trang trại chăn nuôi có tầm cỡ, người nông dân đã bỏ ra không ít tiền của và công sức, họ hy vọng nghề chăn nuôi sẽ giúp họ khá lên, và thực tế nhiều hộ đã thành công. Bây giờ, khi "đại dịch" cúm gà lan tràn, chính họ là những người chịu thiệt hại nặng nhất. Mấy ngày sau, khi mà đàn gà đã bị chôn vùi dưới lòng đất, ông Trần Văn Thạch ở khu phố An Phú, thị trấn Ngô Mây - Phù Cát vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, trang trại 1.000 con gà mái đẻ của ông đã chết sạch. Ông Thạch tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đã bỏ ra không ít công sức và tiền của mới xây dựng được trang trại gà, giờ tất cả đã tan thành mây khói. Tôi không biết phải làm nghề gì, và xoay xở ra sao để lo cho các con đang tuổi ăn tuổi học". Chàng trai trẻ Lê Văn Dư ở xã Phước Nghĩa -Tuy Phước vốn được mệnh danh là "Vua gà Tuy Phước". Nhìn trang trại 10.000 m2 của anh với 3 dãy chuồng nuôi hơn 10.000 con gà giống và cả đàn gà con, rồi có cả hệ thống nhà xưởng ấp trứng cung cấp nhu cầu chăn nuôi cho toàn tỉnh, thì không ai mà không nể phục. Mặc dù đàn gà của anh Dư chưa có dấu hiệu nhiễm dịch, anh cũng đã phun thuốc phòng dịch nghiêm túc. Sau đó, thực hiện chủ trương tiêu hủy đàn gia cầm của UBND tỉnh, anh đã đến Trạm Thú y huyện đăng ký xin tiêu hủy đàn gà. Lúc những chuyến xe chở đàn gà của mình đi tiêu hủy, anh thẫn thờ nhìn theo cứ như người mất hồn, trông thật xót xa.

Hơn 10 hộ chăn nuôi chim cút ở Quy Nhơn (nhiều nhất là phường Đống Đa) đang phải đối mặt với một thực tế đau lòng là phải bỏ đói số chim cút trong chuồng trại của mình để chờ giải quyết, vì chi phí thức ăn cho chim cút khá cao. Ông Nguyễn Hữu Biết ở tổ 2A, khu vực I, phường Đống Đa là hộ nuôi chim cút lớn nhất trong thành phố. Trước đây, bình quân mỗi ngày ông bán được hơn 5.500 trứng cút, 40 kg thịt. Ông Biết cho biết: "Hiện nay, cả gia đình tôi luôn sống trong tâm trạng lo sợ vì nguy cơ mất trắng hơn 100 triệu đồng vốn liếng chăn nuôi. Cả hai vợ chồng về hưu, sống nhờ vào nghề nuôi chim cút, phải vay mượn khá nhiều để gây dựng nên trang trại này, vậy mà…!". Bầu không khí ở khu vực này thật buồn tẻ, không một người ra vào mua bán, những chủ hộ chăn nuôi ngồi bó gối chờ thông tin mới trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Chắc có lẽ không có ngôn từ nào có thể mô tả được nỗi khổ đau của người chăn nuôi trong cơn "đại dịch" này. Dẫu vẫn biết rằng, tiêu hủy đàn gia cầm của mình là tiêu hủy toàn bộ công sức và tiền của tích góp lâu nay, nhưng biết làm sao được… Hàng ngày, số lượng người đến Trạm Thú y các huyện để đăng ký xin tiêu hủy đàn gia cầm ngày càng tăng. Điều đó, thật đáng mừng vì người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch cúm gà, song cũng thật chua xót! Ông Trần Đình Tâm - Phó chủ tịch UBND huyện An Nhơn, Trưởng ban phòng chống dịch cúm gà của huyện, lo lắng nói: "Những năm qua, huyện đã khuyến khích bà con nông dân phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi theo hướng trang trại, nên phong trào chăn nuôi ở các địa phương phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tổng đàn gia cầm của huyện là 675.000 con, chiếm 1/4 đàn gia cầm của tỉnh. Phát triển chăn nuôi không những giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy các hình thức dịch vụ phát triển, và giải quyết hàng ngàn lao động nông nhàn ở các địa phương. Rồi nay mai, khi đàn gia cầm bị tiêu hủy toàn bộ thì đời sống, sản xuất của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn".

Đại dịch cúm gà không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà còn làm lao đao không biết bao nhiêu đại lý giống, trứng, thức ăn gia cầm; người buôn bán gia cầm, người giết mổ gà vịt thuê… nhìn chung đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Và đáng sợ nhất nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang con người. Hiện nay, cả tỉnh Bình Định đang ra sức khẩn trương phòng chống dịch nhưng cũng chưa ai đoán được là bao giờ "cơn hồng thủy" sẽ đi qua!

* Những người đối mặt với hiểm nguy

Dịch cúm gà là một trong những loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A của Luật Thú y thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang có những cảnh báo quan trọng. Đối với các cán bộ thú y, nhất là những người trực tiếp làm công tác phòng dịch và tiêu hủy đàn gia cầm ở các vùng đã xảy ra dịch bệnh, luôn đối mặt với hiểm nguy. Trong tình hình dịch cúm ngày càng diễn biến phức tạp, các cán bộ thú y tỉnh, huyện luôn trong tư thế sẵn sàng, và mặc dù công việc vất vả, nguy hiểm song tất cả đều phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Hòa Bình, cán bộ phòng kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh tâm sự: "Mấy ngày xảy ra dịch bệnh cúm gà, anh em chúng tôi phải bỏ tiền túi để đi công tác, có khi làm việc mà quên cả ăn, cả ngủ. Khổ nhất là khi những hộ gia đình có gà bị dịch chết mà không có thái độ hợp tác, anh em chúng tôi phải tự xông vào trang trại để gom gà đi tiêu hủy. Xong việc, ngồi nghĩ lại mới thấy sợ!". Anh Phạm Anh Tuân, cán bộ thú y Trạm Thú y An Nhơn cho biết: "An Nhơn là huyện có đàn gia cầm cần tiêu hủy rất lớn, trong khi cán bộ của Trạm lại mỏng nên anh em chúng tôi phải làm việc hết công suất. Ngoài tinh thần trách nhiệm ra, việc tiêu hủy đàn gia cầm phải đúng quy trình kỹ thuật, việc này không phải ai cũng làm được, nên từ việc thu gom gia cầm, khử độc, sát trùng đến việc tiêu hủy, anh em chúng tôi đều cáng đáng hết thảy". Công việc vất vả, cận kề với hiểm nguy, thế mà họ không một lời than vãn, chỉ với một mong muốn là, tất cả người chăn nuôi luôn tích cực hợp tác với ngành Thú y để mau chóng dập tắt dịch, trả lại sự bình yên cho cuộc sống.

. Nhóm PV kinh tế

 

Các thông tin liên quan đên dịch cúm gà

* Các vùng đang có dịch (đến ngày 4-2):

Nhơn Thọ, Nhơn Tân, Nhơn Hậu, Đập Đá, Nhơn An (An Nhơn); Phước Mỹ, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Thuận (Tuy Phước); Thị trấn Ngô Mây, Cát Tiến, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Tân (Phù Cát); Canh Vinh (Vân Canh); Mỹ Chánh Tây, thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ); Tam Quan (Hoài Nhơn); Nhơn Phú, Nhơn Hội (Quy Nhơn); Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh).

Các vùng bị đe dọa của dịch: Toàn huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh, Phù Mỹ, Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.

Các vùng bị ảnh hưởng dịch: Hoài Ân, An Lão.

* Dịch cúm gà lan nhanh:

Tính đến 16 giờ chiều ngày 4-2, tổng số gia cầm tiêu hủy ở Bình Định là 83.081 con, trong đó gà: 65.545 con; vịt: 2.436 con; chim cút 15.100 con. Trứng gia cầm các loại 41.500 quả. Số gia cầm tiêu hủy cụ thể ở các địa phương như sau: An Nhơn: 31.286 con, Phù Cát: 12.825 con, Vân Canh: 6.100 con, thành phố Quy Nhơn: 2.200 con, Hoài Nhơn: 20 con, Tuy Phước: 29.780 con, Phù Mỹ 870 con. Tại 2 Trạm kiểm dịch động vật ở đèo Cù Mông và đường Quy Nhơn - Sông Cầu đã xử lý phạt 18 trường hợp vi phạm, trả về nơi xuất phát và xử lý tiêu độc sát trùng.

* Phát hiện 8 trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép

Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gà, lực lượng quản lý thị trường đã thành lập nhiều tổ công tác đặc biệt tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kiểm tra 9 chợ đầu mối, 8 cơ sở giết mổ gia cầm và 39 cơ sở trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện 8 trường hợp cố ý vận chuyển gia cầm trái phép, 5 cơ sở kinh doanh các loại sản phẩm gia cầm, Chi cục đã lập biên bản xử lý theo pháp luật.

. Nhóm PV kinh tế

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)
Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt   (02/02/2004)
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)