|
Đâm trâu - một lễ hội truyền thống của người Bana ở Vĩnh Thạnh |
Trở lại Vĩnh Thạnh vào mùa xuân này, trong tôi lại bừng lên một niềm vui mới: Người dân vùng cao bây giờ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và cuộc sống của nhiều hộ gia đình cũng như cảnh quan nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Điều đổi thay lớn nhất là người dân vùng cao đã biết cách tính toán làm ăn. Những người dân Vĩnh Thạnh hôm nay kể lại: Sau ngày giải phóng, các bản làng vùng cao của huyện kinh tế phần nhiều là tự cấp tự túc, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Vào những năm thiên tai, cảnh đói nghèo lại tìm đến gọi cửa hàng trăm nhà. Không nói đâu xa, chỉ cách đây chừng 5-6 năm, 7.271 người dân đồng bào Bana ở đây còn vất vả nhiều với cái ăn, cái mặc, thậm chí phải "giật gấu vá vai". Bởi vậy, huyện xác định: muốn đuổi được đói nghèo phải thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Làm được điều này không thể ngày một ngày hai mà phải trường kỳ. Hàng năm huyện đã huy động nguồn nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để thay đổi dần tập quán sản xuất và cơ cấu cây trồng của địa phương. Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Bây giờ, ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bỏ được cuộc sống chặt, đốt, cốt, trỉa mà chuyển sang trồng cây lúa nước thâm canh, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và nuôi cá nước ngọt…".
Để được "mục sở thị", chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, đặc biệt là trên các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Suốt chặng đường đi, tôi chứng kiến những hình ảnh người dân vùng cao cặm cụi nhổ từng cọng cỏ trên ruộng lúa nước, chăm sóc vườn cây ăn quả, cho cá ăn. Tất cả đều là chuyện mới, là những minh chứng cụ thể nhất cho sự thay da đổi thịt của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Bá Đang, một nông dân sản xuất giỏi của xã Vĩnh Sơn, thổ lộ: "Gia đình tôi trước kia thuộc diện đói ăn quanh năm. Bây giờ nhờ vườn cây ăn trái, thửa ruộng và mấy con bò mà đã thoát khỏi được đói nghèo". Hiện thu nhập của gia đình anh mỗi năm không dưới 20 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, anh đã tích lũy xây được nhà, mua được ti vi, xe máy. Hay như gia đình anh Đinh Văn Bê (Vĩnh Hiệp) cũng thuộc loại khá giả trong xã nhờ chọn đúng cách làm ăn. Cũng với vườn cây ăn trái, ruộng lúa và đàn bò, mỗi năm anh thu được 15 triệu đồng… Và còn nhiều hộ khá giả như vậy.
Sự thay đổi về nhận thức đã mở ra hướng làm ăn mới cho người dân trong huyện. Từ cuộc sống chỉ quen với cái rừng, cái rẫy, hiện nay cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện đã là: 876 ha lúa nước, 3.309 ha đất trồng cây hàng năm, 2.027 ha đất trồng cây lâu năm, 11.000 con bò, 13.400 con heo, 780 con trâu và 40 ha diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt… Giá trị sản xuất hàng hóa của huyện tăng bình quân từ 6-8%/năm. Hiện nay tổng sản lượng lương thực quy thóc đã đạt mức 8.880 tấn, bình quân 327 kg/người/năm. Cả huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 23,97%, giảm 12% so với năm 2002...
Khi không còn lo cái ăn vào mỗi độ giáp hạt, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa tinh thần đã được quan tâm nhiều hơn. Vào mùa xuân này, Vĩnh Thạnh đã có 46/46 thôn, làng có điện, với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 90%. Chương trình nước sạch nông thôn cũng đã về với người dân nơi đây. Trong huyện đã có 86% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh. Mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, phục vụ tốt việc đi lại cho nhân dân. Hệ thống thông tin liên lạc cũng không ngừng phát triển. Toàn huyện có 361 máy điện thoại, các điểm Bưu điện Văn hóa xã đã đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ tốt mọi nhu cầu của người dân. Vĩnh Thạnh bây giờ không còn những hủ tục lạc hậu như trước. Trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường…
Trở lại Vĩnh Thạnh lần này, cảm giác về một huyện vùng cao heo hút, nghèo nàn, lạc hậu không còn ám ảnh tôi như lần trước nữa. Tuy cuộc sống của bà con bây giờ chưa phải giàu có, sung túc lắm, nhưng cũng đã no đủ để cất lên những tiếng cười vui. Trong khắp các bản làng, đâu đâu cũng vang vọng tiếng xe máy đi về, tiếng trẻ em ê a đánh vần từng con chữ dưới ánh điện sáng bừng.
. Ngọc Thái |